Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Yêu cầu bắt buộc thời 4.0
- Thứ bảy - 01/09/2018 12:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
ó là những thông tin được các diễn giả, chuyên gia, doanh nhân đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Tất cả các khách hàng nhập khẩu nông sản và thủy sản vào Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Canada… đều bắt buộc phải thực hiện truy xuất nguồn gốc (TXNG), đó là khẳng định của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Yêu cầu tất yếu
Gần đây nhất, từ ngày 1/4, Trung Quốc đã áp dụng thử nghiệm tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc nông sản nhập khẩu. Các doanh nghiệp phía Trung Quốc xin nhập khẩu nông sản, trái cây từ Việt Nam và Thái Lan đều phải có giấy phép của cơ quan chức năng với đầy đủ thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh.
Xa hơn chút nữa, từ sau ngày 31/12/2018, Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) của Mỹ yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ đối với hàng thủy sản nhập khẩu nhằm ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát hoặc giả mạo xâm nhập thị trường Mỹ. Có thể coi, SIMP của Mỹ cũng tương tự như Chương trình chống nạn khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EU. Có 13 loài, nhóm loài thủy sản nằm trong phạm vi điều chỉnh của SIMP, trong đó các đối tượng bị ảnh hưởng chính ở Việt Nam có: tôm, cá kiếm, cá ngừ, ghẹ xanh. Và như vậy, nếu không chuẩn bị hồ sơ TXNG cho các lô hàng xuất sang Mỹ từ bây giờ, thủy sản Việt Nam sẽ khó cập cảng Mỹ sau 31/12 năm nay.
Ứng dụng Vietcheck giúp người tiêu dùng có thể xác thực chính xác hàng thật hàng giả. |
Tại hội thảo trên, bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển, tác giả sáng chế quy trình xác thực chống hàng giả - chuyên gia trong lĩnh vực TXNG cho biết, việc TXNG hàng hóa là việc cả thế giới đã làm, trong đó EU đã có tiêu chuẩn chung từ lâu. Khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu, Việt Nam sẽ phải chấp nhận tất cả các “luật chơi”, trong đó có cả việc đáp ứng các yêu cầu về TXNG. “Khi áp dụng TXNG vào hàng hóa xuất khẩu, chúng ta cũng đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị chung”, bà Lý nhấn mạnh.
Còn đối với thị trường trong nước, sự quan tâm của người tiêu dùng giờ đây không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã mà còn bao gồm các thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm, tức là yêu cầu có TXNG, đặc biệt với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ như: dược phẩm, thực phẩm. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng TXNG sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đúng đắn này của người tiêu dùng.
Hiểu đúng về TXNG
Tuy nhiên, biết rõ về lợi ích của TXNG nhưng thực tế cho thấy, DN và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa và bản chất của TXNG để áp dụng cho đúng.
Theo ông Lê Đại Dương - Giám đốc Công ty ishopgo, hiện nay nhiều doanh nghiệp sử dụng phần mềm tạo mã QR code và dán tem lên sản phẩm, gọi đó là tem TXNG thì không đúng. Ông Dương cho rằng, theo Thông tư 01/VBHN-BNNPTNN 2018 ban hành ngày 18/5/2018, TXNG thực phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh. Như vậy, khi TXNG một sản phẩm nào đó thì phải truy xuất được thông tin theo chuỗi và phải có cơ sở dữ liệu để đảm bảo thông tin được minh bạch rõ ràng, theo thời gian thực chứ không chỉ truy xuất một khâu, một đoạn công việc nào đó.
Ví dụ, khi mua một miếng thịt lợn thì cần phải biết những thông tin theo chuỗi như: miếng thịt từ lô lợn nào, do đơn vị nào sản xuất, con lợn đó ăn thức ăn gì, sử dụng thuốc gì, vào thời điểm nào, do đơn vị nào sản xuất, có giấy chứng nhận gì... hay những thông tin giao dịch (ngày xuất chuồng, sản xuất, đóng gói, hạn sử dụng...). Tất cả đều được ghi nhật ký theo thời gian thực, ngày giờ với con số rõ ràng.
Đồng quan điểm trên, bà Đặng Thị Phương Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cofidec - doanh nghiệp đang ứng dụng TXNG 4.0 đối với mặt hàng cà tím chế biến xuất khẩu vào Nhật Bản cho hay, khi TXNG hàng hóa, yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải xác định được đúng thời điểm ghi nhận thông tin đó, ví dụ như: thời điểm xuống giống, thời điểm bón phân, thu hoạch... Nhưng hiện nay, phương pháp TXNG chủ yếu được thực hiện bằng cách người nông dân ghi chép lại sổ sách bằng tay rồi cung cấp lại cho doanh nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lại, gọi đó là TXNG. Điều này dẫn đến tình trạng ghi thông tin sai lệch, chưa chính xác hoặc thậm chí không đúng sự thật.
Theo các chuyên gia, giai đoạn hiện nay, khách hàng có thể vẫn chấp nhận việc có được những thông tin theo cách thủ công. Tuy nhiên, khách hàng và cả doanh nghiệp đang có đòi hỏi ngày càng cao hơn nữa về việc TXNG và yêu cầu phải cập nhật kịp thời từng giây từng phút. “Vì vậy, việc sử dụng công nghệ thông tin để truy xuất bằng điện tử là giải pháp thay thế hữu hiệu trong thời gian tới”, bà Ninh nhấn mạnh.
Còn theo ông Lê Đại Dương, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu và có quy trình chuẩn TXNG sản phẩm để doanh nghiệp áp dụng. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất cần nhanh chóng áp dụng TXNG để nâng cao giá trị hàng hóa, nâng cao niềm tin đối với sản phẩm của người tiêu dùng. Có như thế, hàng hóa Việt mới có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo báo Quốc Tế