Tự lực chuyển đổi cây trồng để vươn lên làm giàu

Tự lực chuyển đổi cây trồng để vươn lên làm giàu
Ý thức tự lực vươn lên, cùng sự năng động của mình, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên đã mạnh dạn trồng cây dâu tằm thay thế cây mía hiệu quả thấp. Nhờ vậy, 2 năm trở lại đây, mỗi ha dâu tằm mang lại cho họ nguồn thu nhập ổn định từ 200 - 250 triệu đồng.
Vườn dâu xanh tốt của anh Nguyễn Văn Hải. Ảnh: K.Phúc
Vườn dâu xanh tốt của anh Nguyễn Văn Hải. Ảnh: K.Phúc
Trước đây, người dân xã Quảng Ngãi chủ yếu canh tác 2 loại cây trồng chính là lúa (gần 300 ha) và mía (hơn 100 ha), còn lại là đất trồng bắp và khoai mì trong tổng số 500 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã. Trong khi cây lúa luôn phát triển ổn định, năng suất tăng dần theo thời gian nhờ cơ giới hóa và đưa các giống lúa mới vào sản xuất thì cây mía lại ngày càng thoái hóa, năng suất thấp, giá mía liên tục sụt giảm khiến đời sống của người dân trồng mía nơi đây gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy cây mía không thể “trụ vững” trên vùng đất này, năm 2016, xã Quảng Ngãi có chủ trương đưa cây dâu tằm vào trồng thay thế cây mía để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Sau gần 3 năm triển khai đến nay, toàn xã đã có gần 50 hộ dân, trong đó 20 hộ là ĐVTN chuyển từ trồng mía qua trồng dâu nuôi tằm với khoảng 40 ha dâu. Anh Nguyễn Văn Hải (31 tuổi, ngụ tại Thôn 2, xã Quảng Ngãi), một trong những người tiên phong đưa cây dâu tằm trồng thay thế cây mía, cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha đất sản xuất nông nghiệp, với hàng chục năm bố mẹ tôi độc canh cây mía nhưng giống mía ngày càng thoái hóa, năng suất thấp, giá cả lại bếp bênh phụ thuộc vào thương lái nên làm cả năm cũng chỉ lãi được 10 - 15 triệu đồng/ha. Vì vậy, tôi đã xin bố mẹ lấy 3 sào đất mía chuyển qua trồng dâu; đồng thời, tìm đến các vùng Đạ Tẻh, Đạ Huoai để học hỏi kinh nghiệm nghề trồng dâu nuôi tằm. Ban đầu, với 3 sào dâu, mỗi tháng tôi nuôi được 1 hộp tằm và sau khi xuất bán thu lãi hơn 6 triệu đồng. Làm ăn có lãi, gia đình tôi chủ động chuyển đổi tất cả 2 ha đất trồng mía qua trồng dâu nuôi tằm. Hiện, mỗi tháng, nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập ổn định từ 25 - 30 triệu đồng”.
 
“Hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm đã và đang mang cho gia đình tôi và nhiều hộ dân khác trong thôn nguồn thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục đầu tư phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trong thời gian tới”
Anh Vũ Văn Tiến

Cùng với anh Hải, anh Vũ Văn Tiến (28 tuổi, ngụ Thôn 2, xã Quảng Ngãi) cũng là một trong những thanh niên tiêu biểu quyết chí vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đầu năm 2018, anh Tiến đã chuyển đổi hơn 2 ha đất trồng mía của gia đình qua trồng cây dâu tam bội; đồng thời, đầu tư hơn 150 triệu đồng xây nhà nuôi tằm và mua sắm hàng chục bộ né gỗ để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Anh Tiến cho biết: “Lứa tằm đầu tiên gia đình tôi thu được hơn 2 tạ kén, tương đương hơn 25 triệu đồng. Trước đây, tôi cũng nghĩ như nhiều thanh niên khác là phải tìm cách thoát ly khỏi nghề nông cho đỡ khổ; nhưng giờ nghĩ lại, đất đai có sẵn chỉ cần mình có quyết tâm tự lực vươn lên, ham học hỏi thì việc gì rồi cũng sẽ thành công, kể cả việc làm giàu”. 

 
Ngoài cây dâu, thì hiện nay, nhiều người dân mà đặc biệt là các bạn trẻ ở xã Quảng Ngãi đã mạnh dạn đưa nhiều cây ăn quả như bưởi da xanh, sầu riêng và măng cụt vào trồng để phát triển kinh tế. Hiện tại, toàn xã Quảng Ngãi đã có hơn 30 ha cây ăn quả phát triển tốt và hứa hẹn trong tương lai sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân.
 
Ông Nguyễn Văn Khởi, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngãi cho hay: “Sau gần 3 năm đưa cây dâu vào trồng thay thế cho cây mía, đến nay có thể khẳng định về cơ bản nghề trồng dâu nuôi tằm đã “gỡ” khó cho người dân địa phương và mang lại nguồn thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa phần người dân nơi đây mới tiếp cận với nghề này, nên còn gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Hiện, toàn xã còn hơn 70 ha đất trồng mía có thể chuyển đổi qua trồng dâu và các loại cây ăn quả. Và do thiếu kinh nghiệm, chưa tiếp cận được với quy trình kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm nên nhiều hộ dân chưa thực sự mạnh dạn chuyển đổi để phát triển nghề”. 
 
Theo ông Khởi, tới đây địa phương sẽ đề xuất UBND huyện xem xét và mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi, chăm sóc tằm; đồng thời, thực hiện các cơ chế ưu đãi, như: Tạo điều kiện cho người dân vay vốn; cung ứng các giống tằm có năng suất, chất lượng tốt để bà con yên tâm chuyển đổi diện tích mía còn lại qua trồng dâu nuôi tằm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tác giả bài viết: KHÁNH PHÚC

Nguồn tin: baolamdong.vn