Tự tay vắt sữa bò, hái nấm...ở nông trang "xanh" có một không hai
- Chủ nhật - 12/03/2017 06:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Du khách đến với nông trại có thể tự cho gia súc ăn (ảnh Farmtour Củ Chi)
Chị Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Khu du lịch Nông trang xanh Green Noen Củ Chi, cho biết: “Nông trang xanh được hình thành từ năm 2010, với diện tích đầu tư ban đầu khoảng 3ha. Ban đầu, trang trại chỉ dự tính trồng nấm linh chi và các loại nấm ăn nhiệt đới như nấm mèo, nấm bào ngư trắng, nấm xám… nhằm phục vụ một số sản phẩm sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn TPHCM”.
Mục tiêu và chiến lược ban đầu của trang trại là cung cấp thị trường những sản phẩm sạch, cũng như tạo dựng môi trường cảnh quan xanh và sạch. Mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm, Nông trang xanh gặp không ít khó khăn, do mô hình trang trại theo kiểu này ở Việt Nam mới bắt đầu hình thành và phát triển.
Nông trại thường xuyên tổ chức các tour tự trải nghiệm cho học sinh (ảnh Farmtour Củ Chi)
Chị Hường tìm tòi, tham quan học hỏi một số mô hình nông trang của Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Từ đó, chị định hướng phát triển trang trại theo mô hình hữu cơ, những chất dinh dưỡng dùng cho cây trồng được chọn là phân trùn quế.
Để đảm bảo chất lượng cũng như kế hoạch sản xuất, trang trại của chị đầu tư phát triển nuôi thêm bò sữa, vừa lấy sữa chế biến, vừa có nguồn phân bò ổn định để nuôi trùn quế. Song song đó, chị đầu tư mở rộng diện tích với mục đích để trồng cỏ voi, cung cấp thức ăn cho bò sữa và các vật nuôi khác như hươu, nai, dê, cừu, ngựa, vịt…
Sau 6 năm vượt khó, đến nay trang trại của chị đã đầu tư mở rộng, tổng diện tích khoảng 20ha, với 33 nhà trồng nấm, 4 khu chuồng trại chăn nuôi hơn 100 con bò sữa, 5.000m² nhà màng trồng dưa lưới và rau sạch…
Nông trại có diện tích 60ha, với từng khu chuyên biệt (ảnh Farmtour Củ Chi)
Hiện chị đang đầu tư, đưa vào hoạt động hệ thống dây chuyền chế biến sữa tươi thanh trùng. Hệ thống máy móc được nhập từ châu Âu, công suất 2 tấn/giờ.
Tiếp chuyện chúng tôi, chị Hường kể: “Để nhân rộng mô hình trồng nấm sạch và tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân trên địa bàn, trang trại tôi không chỉ cung cấp meo giống, bịch phôi, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm mà còn đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nấm. Với giá một bịch phôi chưa đến 4.000 đồng, trồng trong vòng 3 tháng sẽ cho ra 300g - 400g nấm tươi. Trong khi đó, giá nấm trên thị trường dao động trên dưới 50.000 đồng/kg, nếu trồng với số lượng lớn thì sẽ thu được khoản lợi nhuận không hề nhỏ”.
Ngoài mong muốn cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch cho người tiêu dùng, trang trại của chị còn là nơi trải nghiệm về nông nghiệp sạch, giải trí và giáo dục. Mỗi năm trang trại của chị đón vài ngàn lượt học sinh, sinh viên và du khách đến tham quan, học nghề, cũng như tìm hiểu chuyên sâu về các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của nông nghiệp cận đô thị.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành đang tìm hiểu, xem xét để đi đến liên kết với nông trại, nhằm thiết kế tour cho du khách muốn trải nghiệm về nông nghiệp. Du khách đến với trang trại của chị có thể tận tay vắt sữa bò, hái nấm, trồng rau…, chụp hình hay ngắm hoa lan và sử dụng các vật dụng làm nông ngày xưa, như cối xay lúa, cối giã gạo…
Sau khi khám phá và trải nghiệm về nông nghiệp tại trang trại, du khách đến với Nông trang xanh còn có thể ghé nhà hàng, với rất nhiều món đa dạng về các loại nấm, về rau sạch, về các loại thực phẩm sạch của trang trại, đảm bảo tươi ngon và an toàn… Ngoài phục vụ du khách đến trải nghiệm trong ngày, trang trại cũng hỗ trợ phòng nghỉ cho du khách muốn ở lại qua đêm.
Ngoài trải nghiệm làm nông dân, nông trại còn có nhà hàng để giúp khách tham quan được thưởng thức các thực phẩm sạch
Trang trại của chị Hường đã tạo việc làm ổn định cho hơn 25 lao động với mức lương 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng; đóng góp các quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, hỗ trợ người dân các vùng thiên tai…
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2016, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017, Nông trang xanh Green Noen Củ Chi của chị Hường được Chủ tịch UBND TPHCM tặng bằng khen là một trong những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển ngành nông nghiệp đô thị.