Tưới tiết kiệm cho cây trồng khô hạn

Tưới tiết kiệm cho cây trồng khô hạn
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Quảng Bình vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Tưới nước tiết kiệm cho cây trồng các tỉnh khu vực miền Trung”.

Ông Trần Văn Khởi, Quyền GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm là hướng đi tất yếu trong thời gian tới, không chỉ tại miền Trung mà ở tất cả các vùng trên cả nước.  

Tối ưu cho vùng khô hạn

Những năm qua, tình hình khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp và cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại Quảng Bình, tình trạng hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2014 đến nay, Quảng Bình bị hạn nặng, nhiều hồ chứa thiếu nước dẫn đến nhiều diện tích không gieo cấy được...

08-17-45_1
Tưới tiết kiệm cho cây cam trên vùng đất cát Quảng Bình

Để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, những năm gần đây, các chủ trang trại cũng như bà con nông dân đã đầu tư, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm đem lại hiệu quả cao hơn.

Tại thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch), nơi được coi là thủ phủ cây tiêu đã có hàng chục hộ gia đình áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Trước đây, họ chủ yếu tưới thủ công là bơm nước lên các mương tiêu để nước tự thấm xuống, hoặc tưới tràn trên mặt đất dẫn đến việc thất thoát nước, tốn nhiều công tưới và xói mòn đất. Phương pháp tưới tiết kiệm nhỏ giọt là hệ thống được lắp đặt gồm 3 bộ phận: máy bơm, bộ điều khiển trung tâm, hệ thống dây nhỏ giọt được đặt chạy dài theo các luống tiêu. Nước được bơm vào bồn và dẫn tới hệ thống ống đặt khắp vườn.

Tại các điểm thích hợp trên ống có một lỗ nhỏ, nước được phun ra từ đó với một lượng ít và phun thường xuyên trong quá trình tưới nên lượng nước tiêu tốn ít, đủ để giữ ẩm cho cây tiêu và không thất thoát tràn lan ra ngoài. Ống được đặt 1 lần lúc lắp đặt ban đầu và chỉ cần 1 người vặn van xả nước ở vị trí ống dẫn từ bồn xuống.

Ông Lưu Đức Ngọc, chủ trang trại Thương Ngọc, thị trấn Việt Trung đã đầu tư trên 120 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đáp ứng đầy đủ nguồn nước cho hơn 2.000 gốc tiêu (diện tích trên 2ha) của gia đình.

08-17-45_2
Áp dụng công nghệ tươi tiết kiệm cho vùng chuyên canh rau sạch ở Bảo Ninh (Quảng Bình)

Ông Ngọc cho hay: “Trước đây, mình trồng tiêu dùng phương pháp thủ công để tưới thì chỉ có chống chết, chống cháy thôi chứ để tưới cho cây tốt thì không có. Khi có hệ thống tưới tiết kiệm thì tưới thường xuyên, một năm 12 tháng chỉ trừ ngày mưa thôi. Sau gió hanh, gió nam thì mình vẫn tưới bình thường. Tưới rất tiết kiệm, cây trồng phát triển rất tốt, chống được bệnh tật. Vừa đỡ tốn sức vừa cất tiêu cho năng suất cao. Chi phí đầu tư sau khoảng 3 năm thì có thể hoàn được vốn”.

Nhiều hộ gia đình như ông Nguyễn Văn Diệm ở tiểu khu Hữu Nghị, thị trấn Việt Trung áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho hơn 4ha hồ tiêu từ 2 năm nay, trong đó có hơn 2ha đã cho thu hoạch và 2ha đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Hay gia đình anh Nguyễn Chính cũng ở tiểu khu Hữu Nghị áp dụng lắp đặt cho toàn bộ 4ha hồ tiêu; chị Nguyễn Thị Hoài ở tiểu khu Quyết Tiến lắp đặt tưới cho hơn 1.200 gốc hồ tiêu...

08-17-45_3
Tưới tiết kiệm cho cây hồ tiêu (Bố Trạch, Quảng Bình)

“Công nghệ này tiết kiệm được khoảng 50% lượng nước tưới, giảm 80 - 90% công tưới nước. Ngoài ra, còn giảm được khoảng 40% lượng phân bón NPK. Trong khi đó, năng suất hồ tiêu tăng. Nếu trước đây được 1 tạ hạt thì nay tăng lên 1,4 tạ”, ông Diệm hồ hởi khoe.

Không chỉ áp dụng cho cây trồng lâu năm, tại Quảng Bình hiện có trên 50 mô hình sử dụng hệ thống tưới phun mưa cho rau màu. Cơ sở sản xuất rau sạch An Nông, do anh Lê Đình Quân ở xã Hòa Trạch, Bố Trạch làm chủ đã lắp đặt hai hệ thống tưới tiết kiệm gồm tưới phun mưa trên các loại rau như cải, muống, dền, mồng tơi, măng tây… và tưới ngầm cho các loại cây lấy quả như cà chua, bầu, bí, mướp…

Theo anh Quân, làm rau màu tốn công nhất là tưới nước. Mỗi ngày tưới vào hai lần sáng và tối. Nay nhờ vào hệ thống tưới tiết kiệm nên công tưới giảm đáng kể. “Nếu theo truyền thống thì cần 5 - 6 người tưới nước, nay chỉ cần 1 người thôi. Nông dân lấy công làm lãi nên đó cũng là một món lãi lớn cho mọi người và gia đình tôi", anh Quân cho hay.

08-17-45_4
Các đại biểu tham quan mô hình tưới tiết kiệm trên vườn hồ tiêu ở thị trấn Việt Trung

Cơ sở sản xuất rau sạch của chị Nguyễn Thị Phương Lan ở Bảo Ninh, TP Đồng Hới đã sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm bằng cách lắp hệ thống tưới phun mưa trên diện tích hơn 2ha. Theo chị Lan, việc sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm không chỉ giảm được nguồn nhân công tưới nước mà còn giúp tiết kiệm nước cũng như phân bố đều lượng nước cho cây trồng mỗi lần tưới. Với địa hình vùng cát khắc nghiệt, vào mùa hè nhu cầu nước tưới tăng cao, việc sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm đã giúp người sản xuất giải được “bài toán” thiếu nước tưới.

Tưới nước tiết kiệm đã được nông dân từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế áp dụng trên các vùng địa hình, cây trồng và đạt hiệu quả cao.  

Nông dân cần hỗ trợ

Theo đánh giá từ mô hình từ các tỉnh, công nghệ tưới tiết kiệm có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với phương pháp tưới truyền thống.

Tuy nhiên, việc áp dụng vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất hạn chế so với tiềm năng. Tại Quảng Bình, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm của người dân cũng mới chỉ dừng lại ở một số đối tượng cây trồng cụ thể như cây hồ tiêu, cây ăn quả, rau màu.

“Áp dụng công nghệ này cũng chỉ mới dừng lại ở những hộ sản xuất quy mô lớn và mạnh dạn bỏ một số tiền không nhỏ ban đầu để đầu tư cho sản xuất. Số đông bà con vẫn chưa đủ điều kiện đưa công nghệ này vào sản xuất”, chị Nguyễn Thị Phương Lan cho hay.

Rất nhiều nông dân khi đề cập đến vấn đề đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm vẫn còn e ngại do chi phí đầu tư, nhất là đầu tư ban đầu còn cao so với thu nhập. Ngoài ra, công nghệ tưới tiết kiệm đòi hỏi người sản xuất đầu tư phải tính toán sử dụng trong nhiều năm mới hoàn vốn và có lãi.

Ông Nguyễn Văn Thái ở tỉnh Quảng Trị chia sẻ tại diễn đàn: “Nông dân trồng theo mùa vụ nên tính toán lỗ lãi cùng theo vụ. Lợi ích của công nghệ tưới tiết kiệm là lâu dài và vài ba năm mới thu được vốn. Chính vì điều mắc mớ này nên nông dân chưa thực sự hồ hởi. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ vốn ban đầu cho bà con”.

Nhiều nông dân ở các tỉnh cùng đề nghị Nhà nước hỗ trợ để thúc đẩy và tạo động lực cho việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho các loại cây trồng.

“Việc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán làm ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nếu không có những giải pháp kịp thời thì sản lượng cũng như thu nhập của bà con sẽ giảm rất mạnh. Diễn đàn là cơ hội để bà con tiếp cận được công nghệ tưới tiết kiệm áp dụng vào sản xuất”, ông Trần Văn Khởi.

Tác giả bài viết: TÂM PHÙNG

Nguồn tin: nongnghiep.vn