Nhiều năm qua, Tuyên Quang luôn chú trọng công tác đào tạo nghề, gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
Đào tạo theo “đặt hàng”
Tại huyện Yên Sơn, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Nhờ đó, nhiều lao động tại địa phương đã có trình độ tay nghề nhất định, biết cách tổ chức sản xuất, tăng thu nhập.
Các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn huyện phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để thu hút lao động là thanh niên, phụ nữ, nông dân tham gia.
Đặc biệt, huyện chú trọng đào tạo nghề theo hình thức cầm tay chỉ việc, đào tạo theo đơn “đặt hàng” của DN. Như như ký hợp đồng với Công ty cổ phần Woodslan Tuyên Quang, lao động đào tạo xong đều được nhận vào việc làm, có thu nhập ổn định. Hàng năm, trung bình đào tạo 10 - 14 lớp cho 525 lao động với các nghề sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chăm sóc cây chè, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Chị Đặng Thị Hà ở thôn Khe Đảng (xã Tứ Quận) cho biết: Năm 2016, tôi được tham gia lớp dệt thổ cẩm tại Trung tâm Dạy nghề huyện Yên Sơn. Sau 3 tháng, tôi được trang bị kỹ thuật thêu, dệt thổ cẩm, cách hoàn thành một sản phẩm… Hiện, mỗi ngày tôi dệt được khoảng 90 chiếc khăn thổ cẩm, thu nhập khoảng 150 nghìn đồng. Toàn bộ sản phẩm làm ra đều được cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình ở thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) thu mua.
Theo chị Hà, nhờ có lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chị có công việc làm tại nhà, lúc nào rảnh thì ngồi, cuộc sống nhờ đó cũng bớt khó khăn…
Tháo gỡ khó khăn
Hiện nay, tình trạng lao động thiếu chuyên môn đang khá phổ biến, do đó, Tuyên Quang đã tập trung chỉ đạo, thực hiện quy hoạch, phát triển mạng lưới và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đến nay, toàn tỉnh có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, quy mô tuyển sinh trên 14.500 học viên/năm.
Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh đạt 54,6%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 33,8%. Năm 2018, tổ chức 100 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho trên 3.500 học viên, đạt 100% kế hoạch.
Mặc dù vậy, công tác đào tạo nghề của Tuyên Quang vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo ông Lê Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, đó là nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề lạc hậu; đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu… Trong khi đó, nhận thức của người lao động về học nghề chưa cao, nên công tác tuyển sinh và duy trì học nghề gặp nhiều khó khăn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Tuyên Quang tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên; khuyến khích, tạo điều kiện cho tập thể, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề...
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về học nghề; làm tốt công tác phân luồng học sinh phổ thông, thực hiện việc đào tạo nghề gắn với học văn hóa ở những nơi có điều kiện.
Bên cạnh đó, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường, trong đó tập trung theo 3 nội dung chính: đào tạo lao động có tay nghề cao phục vụ công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của DN và làng nghề truyền thống; đào tạo nghề để xuất khẩu lao động.