Tuyên Quang: Kết quả thực hiện một số mô hình sử dụng giống mới trong vụ Xuân 2019
- Thứ ba - 23/07/2019 22:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với vai trò là cầu nối chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cho nông dân, vụ Xuân 2019, hệ thống khuyến nông của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã khảo sát điều kiện thực tiễn của từng địa phương, trên cơ sở đó triển khai thử nghiệm 50 mô hình ứng dụng giống mới vào sản xuất, trong đó nhiều mô hình khuyến nông đem lại hiệu quả kinh tế và được bà con nhân rộng trên địa bàn. Điển hình như mô hình giống lúa BC15 kháng đạo ôn, quy mô 01 ha, với 21 hộ tham gia tại xã Chi Thiết, huyện Sơn Dương. Ngay từ đầu vụ sản xuất, Trạm Khuyến nông huyện đã phân công cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; tổ chức theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng của giống lúa mới, đồng thời Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed hỗ trợ giống cho hộ tham gia. Hộ gia đình bà Hoàng Thị Nho, thôn Chi Thiết, thực hiện gieo cấy hơn 1.000m2 giống lúa BC15 kháng đạo ôn. Gia đình bà thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông; bón đủ lượng phân, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, chủ động phòng trừ sâu bệnh hại nên lúa sinh trưởng tốt, đặc biệt là giống lúa này không bị đạo ôn lá và cổ bông như giống cấy BC 15 thường. Năng suất bình quân đạt trên 250 kg/sào.
Ngoài giống BC 15 kháng đạo ôn, nhiều giống lúa mới như giống lúa lai MHC2, Phúc Thái 168, QL301; giống lúa thuần Hà Phát 3, TBR279, Đông A1, Dự Hương, VNR20, J01, HANA 318, HANA Số 7 được khảo nghiệm tại các huyện: Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên đều cho năng suất khả quan. Trong đó, các giống lúa lai đạt năng suất từ 70 - 72 tạ/ha, các giống lúa thuần đạt năng suất từ 64 - 71 tạ/ha. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung giống lúa thuần Hà Phát 3; giống lúa thuần chất lượng TBR 279 vào cơ cấu giống năm 2020 của tỉnh.
Cùng với các mô hình giống lúa mới, hệ thống khuyến nông còn thực hiện mô hình giống ngô mới là giống ngô LVN 25, B330, B528, B9999, NK6101 và giống ngô lai đơn F1 NK6253, giống ngô lai đơn F1 NK7328 do Công ty TNHH Syngenta cung ứng. Qua tham quan thực tế tại điểm trình diễn, các đại biểu và bà con nông dân đánh giá cao giống ngô F1 NK6253 và giống ngô lai đơn F1 NK7328 có nhiều đặc điểm vượt trội, lại phù hợp với trình độ canh tác của bà con. Thời gian sinh trưởng trung bình sớm, vụ Xuân từ 110 - 120 ngày, bộ rễ chân kiềng chống đổ tốt, bắp to đều, lõi nhỏ sâu cay, lá bi bao kín bắp giúp bảo quản tốt trên đồng ruộng, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha. Đặc biệt lá ngô xanh đến lúc thu hoạch nên thuận lợi cho việc sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi, nhất là thời điểm các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng.
Theo anh Nguyễn Văn Việt, thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh, là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình cho biết, LVN 25 là giống ngô có góc lá hẹp nên trồng dày với khoảng cách 70 cm x 25 cm, do đó lượng bắp thu về nhiều hơn hẳn so với các giống chỉ trồng được mật độ thưa như trước đây, hơn nữa khả năng chịu hạn cao, với các đợt nắng nóng cao điểm tháng 5, 6 nhưng hạt vẫn vào chắc tốt. Theo tính toán sơ bộ, năng suất thực thu đạt bình quân 60 - 65 tạ/ha, nếu được đầu tư chăm sóc tốt hơn thì năng suất còn cao hơn nữa.
Việc thử nghiện các mô hình nhằm tìm ra giống cây trồng, quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác hợp lý, thích hợp với điều kiện của từng địa phương. Qua đó, hướng dẫn và đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt đến với nông dân, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa./.
TT Khuyến nông Tuyên Quang/ khuyennongvn.gov.vn