Tỷ phú tôm cá, nuôi tận gốc bán tận ngọn bên đầm Cù Mông
- Thứ ba - 13/08/2019 21:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Lâm Xuân Hóa trong nhà xe đông lạnh trữ hải sản của gia đình (ảnh: H.P)
Nuôi tận gốc, bán tận ngọn
Giữa tiết trời oi bức, vậy mà bước vào sân nhà ông Hóa, ai cũng cảm thấy mát rượi. Bởi nhà ông nằm cạnh đầm Cù Mông, lồng lộng trong gió nước. Tuyệt hơn nữa, một dải mặt đầm rộng lớn cạnh nhà lại chính là khu vực nuôi hải sản của gia đình ông Hóa.
“Bè nuôi gần nhà rất tiện cho việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe hải sản nuôi. Vả lại, cũng tiện bề đi lại, bảo vệ tài sản dưới nước”, ông Hóa nói.
Ông Hóa đang kiểm tra hồ nuôi cá bớp (ảnh: H.P)
Trước khi đến với nghề nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, ông Hóa đã có gần 10 năm lái xe tải đường dài. “Công việc vất vả nhưng chỉ đủ sống qua ngày. Vừa lái xe, tui vừa suy tính thay đổi công việc mưu sinh, hướng đến khai thác thế mạnh nuôi trồng thủy sản tại quê nhà. Thế là từng bước, tui mua lại ao đìa của người dân trong vùng, vừa làm vừa cật lực học hỏi nâng cao tay nghề nuôi các loại tôm, cá có giá trị”, ông Hóa kể.
Năm 2009, vợ chồng ông Hóa bắt đầu vét vốn, vay mượn mua 1.000m2 đất bãi bồi ven đầm Cù Mông để làm đìa nuôi tôm sú. Khi đó, thửa đất bãi này trị giá 12 cây vàng. Từ kinh nghiệm những người đi trước, ông Hóa xác định, kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh là điều quyết định thành bại của nghề nuôi tôm. Thế là ông bắt tay ký kết ngay với các kỹ sư chuyên ngành để đảm trách khâu theo dõi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh tôm nuôi. Nhờ đó, ngay vụ tôm đầu, gia đình ông Hóa thu lãi 60 triệu đồng.
Ông Hóa giới thiệu sản phẩm cá chẽm nuôi (ảnh: H.P)
“Thế nhưng đó cũng là giai đoạn nghề tôm sú đang lụn bại trên diện rộng. Nhiều chủ nuôi bắt đầu bỏ bê hoặc rao bán đìa tôm. Với dự định chuyển hướng nuôi tôm thẻ và các loại cá biển, vợ chồng tui tiến hành thương thảo mua lại các đìa kề cận. Rồi tui lao vào mở rộng diện tích nuôi, tập trung đầu tư các loại thiết bị máy móc hiện đại. Những vụ nuôi tiếp theo, lợi nhuận cứ thế tăng gấp nhiều lần”, ông Hóa hào hứng.
Bắt đầu có của ăn, của để nhưng ông Hóa vẫn cảm thấy chưa bằng lòng với việc sản phẩm nuôi luôn trong tình trạng “lùng bùng” do tư thương ép giá. “Vợ tui vốn xuất thân nghề nuôn rồi bán hải sản, tui thì gốc lái xe. Thế là vợ chồng bàn nhau tìm cách liên hệ các công ty thủy sản để trực tiếp bán sản phẩm, không thông qua đầu nậu trung gian. Dồn vốn mua chiếc xe đông lạnh đầu tiên, tui tự lái chở sản phẩm đi bán...", ông Hóa kể.
Một thời gian sau, thấy hiệu quả ổn định, ông Hóa sắm dần thêm được 4 xe tải đông lạnh loại 5 tấn. Ngoài bán thủy sản nhà nuôi, vợ chồng tui còn thu mua sản phẩm của bà con trong khu vực. Gia đình tui hiện bán sản phẩm cho nhiều công ty thủy sản uy tín”, ông Hóa cho hay.
Ai bảo nông dân là khổ?
Ông Hóa bên bể bơi gia đình (ảnh: H.P)
Hiện tại, gia đình ông Hóa đang sở hữu 7ha ao đìa nuôi tôm, ốc hương và bè nuôi cá chẽm, cá bớp; mức lợi nhuận từ nuôi thủy sản đạt gần 5 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, công việc đầu mối thu mua, kinh doanh thủy sản của gia đình đạt lợi nhuận 1 - 1,5 tỷ đồng/năm. Hai mảng công việc này đang giải quyết trên 50 lao động thường xuyên, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; cùng khoảng 100 lao động thời vụ, thu nhập 200.000 đồng/người/ngày.
Trò chuyện với PV Báo điện tử DANVIT.VN, ông Hóa bộc bạch: “Cuộc mưu sinh nào mà không cực nhọc, nhất là ban đầu gầy dựng. Thế nhưng vì trách nhiệm với gia đình và người lao động, mình phải liên tục bươn tới. Mạnh dạn đầu tư cho ý hướng, thất bại thì coi lại, sửa sai, lập kế làm tiếp. Thế nhưng tui luôn tìm thấy niềm vui trong việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng hải sản. Lúc này thì chuyện làm ăn đã đi vào nề nếp”.
Từ nghề nuôi cá ,tôm bên đầm Cù Mông, ông Hóa xây dựng được ngôi nhà bề thế, khang trang nhất nhì trong vùng. (ảnh: H.P)
Rồi ông cười nói về cuộc sống gia đình: “Làm ăn thuận lợi thì tất yếu đời sống được cải thiện. Con trai lớn của tui đã lập gia đình, đang theo nghề kinh doanh hải sản; con trai nhỏ đang theo đại học. Nghề kinh doanh luôn bận rộn nhưng mình cũng phải dành thì giờ để thư giãn, hưởng thụ. Lúc này, tui thấy mình chẳng thiếu thứ gì. Ai bảo nông dân là khổ, phải không hè?”.
Ông Lê Văn Cảnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh nhận xét: “Gia đình anh Hóa hiện là một trong những hộ làm ăn kinh tế hàng đầu ở xã này. Có tầm nhìn và tính toán bài bản, vợ chồng anh liên tục gặt hái thành công ở mảng nuôi trồng và mua bán hải sản. Cơ sở kinh doanh của anh Hóa đang giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Ngoài việc đóng góp thuế đầy đủ, vợ chồng anh hiện cũng là những người làm từ thiện xã hội hiệu quả tại địa phương, mỗi năm từ 30 - 40 triệu đồng. Vừa qua, gia đình anh Hóa còn góp trên 250 triệu đồng để xây dựng đường liên thôn”.
Trong phòng ăn gia đình (ảnh: H.P)
Còn ông Huỳnh Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên ghi nhận: “Anh Hóa là người giàu bản lĩnh làm ăn, giỏi nắm bắt thị trường. Nhờ đó, các mô hình nuôi trồng của gia đình anh luôn có sự chắc chắn, hiệu quả cao. Anh Hóa còn có tư duy kinh doanh lớn khi tự tìm hợp đồng đầu ra để bán sản phẩm của chính mình và các hộ nuôi trong vùng. Cơ sở kinh doanh của anh đã và đang có nhiều đóng góp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2014, anh Hóa còn là nhà tài trợ cho Giải bóng chuyền nông dân tỉnh Phú Yên”.
Với những thành tích đóng góp đầy ý nghĩa, ông Lâm Xuân Hóa đã nhiều lần được các cấp ngành của tỉnh Phú Yên tuyên dương, tặng Bằng khen, giấy khen. Vừa qua, ông Hóa đã được bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nông dân trên cả nước xứng đáng nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội.Theo Hùng Phiên/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/ty-phu-tom-ca-nuoi-tan-goc-ban-tan-ngon-ben-dam-cu-mong-1001999.html