Tỷ phú trồng cam theo quy trình VietGAP

Tỷ phú trồng cam theo quy trình VietGAP
Là người đầu tiên đưa cây cam về với mảnh đất Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), đến nay, ông Trần Văn Bình đã có 8ha trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Không chỉ lao động giỏi, ông Bình còn truyền niềm đam mê làm vườn tới các hộ dân khác tại địa phương, thành lập tổ hợp tác trồng cam VietGAP xã Kiêu Kỵ.

Ông Trần Văn Bình kiểm tra sự phát triển của cây cam trong vườn.

Đến thăm vườn cam VietGAP của ông Trần Văn Bình, chúng tôi không thể rời mắt khỏi những trái cam to tròn, xanh mướt, những hàng cây được trồng thẳng tắp. Kể về cơ duyên của mình với cây cam, ông Bình chia sẻ, nhận thấy cây cam đem lại giá trị kinh tế cao, năm 2006, ông quyết định thuê một mẫu đất tại xã Kiêu Kỵ, trồng 500 gốc cam Vinh và 200 gốc cam canh. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, cây cam trong vườn bị vàng lá, phát triển chậm, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Vốn là một nhà giáo, lại có niềm đam mê làm vườn, ông tích cực học hỏi những tài liệu trồng cam, tham gia các lớp tập huấn, chăm sóc cam được mở tại các địa phương lân cận.

Với tâm niệm đã làm nông thì phải phát triển nông nghiệp sạch, ông Bình là người tiên phong thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở địa phương. Ông cho biết: “Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không khó, nhưng lợi nhuận thu về sẽ ít đi. Dẫu vậy, tôi muốn làm đúng lương tâm, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng”. Chính vì vậy, trong quá trình chăm sóc cây, ông sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng, dùng phân bón hữu cơ, các loại thuốc vi sinh, thảo mộc để phòng trừ bệnh cho cây. Bên cạnh đó, 100% cây ăn quả tại vườn được phun thuốc bảo vệ thực vật trước thu hoạch hai tháng để cam luôn bảo đảm an toàn. Sự cẩn thận trong khâu chăm sóc của ông đã đem lại những trái cam có chất lượng cao, được khách hàng tin dùng. Giá cam bán tại vườn thường khoảng 25.000 đồng/kg, những khi cao điểm lên đến 45.000-50.000 đồng/kg. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán 150 tấn cam, đem lại doanh thu hơn 2 tỷ đồng.

Từ mô hình tiêu biểu của ông Bình, nhiều hộ trong thôn đã chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng cam. Nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, ông Bình thành lập tổ hợp tác trồng cam VietGAP xã Kiêu Kỵ với 25 thành viên, diện tích trồng cam của hội lên đến 40ha, trong đó có 20ha được chứng nhận VietGAP. Sản lượng cam của hội năm vừa qua đạt khoảng 800 tấn, mỗi gia đình thu được khoảng 300 triệu đồng/ha. Tham gia tổ hợp tác trồng cam VietGAP xã Kiêu Kỵ, các thành viên cũng đóng góp hơn 100 triệu đồng làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng. 

Xác định cam là cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, UBND huyện Gia Lâm đã phê duyệt dự án đầu tư bê tông hóa các trục đường chính nội đồng, kéo đường điện trên các trục đường chính xuống đồng nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng mời chuyên gia nông nghiệp, mở lớp tập huấn trồng cây ăn quả cho các hộ nông dân, hỗ trợ thùng đựng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm cam Kiêu Kỵ, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa và tăng thu nhập cho nông dân.

Bài và ảnh: TRÀ MY/ QĐND