Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm
- Thứ năm - 18/01/2018 23:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các nhà khoa học chia sẻ về các giải pháp ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Đồng thời, đại diện Công ty NS BlueScope Lysaght Việt Nam giới thiệu về giải pháp, vật liệu hiện đại mà công ty đang cung ứng cho các đơn vị sản xuất, chăn nuôi theo mô hình trang trại nông nghiệp, trong đó có ngành tôm.
Tập đoàn Việt - Úc là đơn vị đi đầu tại Bạc Liêu, đã thành công trong việc nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, áp dụng công nghệ cao, sử dụng vật liệu - nhà màng do Công ty NS BlueScope Lysaght Việt Nam cung cấp.
Đầu năm 2018 Tập đoàn Việt - Úc đưa vào hoạt động Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao (tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu) nằm trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tôm Bạc Liêu. |
Với tổng diện tích 315 ha, Khu phức hợp bao gồm các hạng mục như: khu sản xuất giống, nhà máy chế biến thức ăn, khu nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính và nhà máy chế biến tôm xuất khẩu. Mật độ tôm nuôi 500 con/m2, đạt sản lượng thu hoạch từ 180 - 240 tấn/ha, nuôi 3 vụ/năm. Tổng mức vốn đầu tư khu phức hợp khoảng 1.000 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động địa phương.
Trong khuôn khổ hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo Tập đoàn Việt -Úc và các cơ quan thông tấn, báo chí để chia sẽ thông tin về việc chuẩn bị khởi công “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tôm Bạc Liêu”.
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành đã thông tin khái quát về tiềm năng và lợi thế của ngành tôm Bạc Liêu, trong đó trọng tâm là việc Bạc Liêu được Chính phủ quyết định cho thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tôm Bạc Liêu”, hơn 400 ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu.
Đến nay, đã cấp cho Việt - Úc 315 ha, còn lại hơn 100 ha vùng lõi khu công nghệ cao, tỉnh đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp hàng đầu về ngành tôm vào đầu tư, trình diễn các mô hình mới về sản xuất tôm.
Hiện nay, ngoài 7 doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (siêu thâm canh) cho hiệu quả kinh tế cao, các doanh nghiệp trên cũng đã chuyển giao kỹ thuật tiến bộ này cho hơn 100 hộ nông dân áp dụng. Qua thực tế khảo sát của các ngành chức năng, cho thấy, hiện nay mô hình này đang được lan tỏa trong cộng đồng người nuôi tôm trên địa bàn, người dân rất háo hức, phấn khởi.
Đặc biệt, đối với “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tôm Bạc Liêu”, sau hơn một năm từ ngày Thủ tướng ban hành quyết định thành lập, đến nay tất cả các hồ sơ, thủ tục, các điều kiện liên quan đã được tỉnh chuẩn bị hoàn tất, dự kiến sẽ tiến hành khởi công xây dựng trong giữa đầu quý I/2018.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới các cơ quan thông tấn, báo chí và các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để Bạc Liêu xây dựng và phát triển thành công mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và hướng đến “Bạc Liêu sớm trở thành thủ phủ của ngành tôm Việt Nam” đúng như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng ngày, các đại biểu đã đến tham quan khu ứng dụng công nghệ cao tại xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu của Tập đoàn Việt - Úc đang triển khai, khu sản xuất tôm giống tại phường Nhà Mát và khu sản xuất, nuôi tôm theo mô hình “Siêu thâm canh trong nhà kính” tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình.
Thùy Dung/nongthonviet.com