Ứng dụng chế phẩm sinh học: Nông nghiệp xanh, nông sản sạch

Ứng dụng chế phẩm sinh học: Nông nghiệp xanh, nông sản sạch
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả sản xuất là những lợi thế khi sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình này trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn nhiều trở ngại.
Ứng dụng, chế phẩm, sinh học, nông nghiệp xanh, nông sản sạch

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) áp dụng công nghệ sinh học trong nhân giống hoa phong lan.

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Trang trại gà công nghiệp của gia đình anh Hoàng Văn Tuấn, thôn Voi, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) mỗi lứa nuôi 1,8 vạn con (5 lứa/năm). Gà chỉ nhốt trong chuồng kín nên lượng chất thải rất lớn. Thế nhưng tại đây không có mùi xú uế như một số nơi chăn nuôi thông thường. Anh Tuấn giải thích: “Đó là do tôi sử dụng chế phẩm sinh học. Chuồng trại gây ô nhiễm trước tiên sẽ ảnh hưởng đến mình nên ngay khi bắt tay vào nuôi gà, tôi áp dụng cách giảm mùi, tạo môi trường thoáng đãng”. 

Ứng dụng, chế phẩm, sinh học, nông nghiệp xanh, nông sản sạch

Sản xuất an toàn sinh học là nội dung quan trọng trong đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Sở đang quy hoạch các vùng sản xuất như: Rau, hoa; cây ăn quả; chăn nuôi gà, lợn; nấm, thâm canh thủy sản, căn cứ vào đó có cơ chế hỗ trợ chế phẩm sinh học trong 1-2 năm đầu”.


Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc  Sở Nông nghiệp và PTNT
Được biết, tùy vào tình hình thời tiết, anh Tuấn dùng các chế phẩm khác nhau. Khi độ ẩm cao, chỉ cần rắc chế phẩm trực tiếp lên lớp trấu lót nền chuồng. Trời hanh khô, dùng bình phun giúp các vi sinh vật phân hủy nhanh chất thải. Nhờ vậy, hơn chục năm qua, đàn vật nuôi của gia đình anh Tuấn luôn khỏe mạnh, lớn nhanh, trừ chi phí thu lãi hơn 600 triệu đồng. Anh cho biết: “Giá chế phẩm khá cao, khoảng hơn 100 nghìn đồng/gói nhưng tính toán kỹ thì được lợi rất nhiều. Đó là những vi khuẩn có hại cho gà gần như bị tiêu diệt, gà ít bệnh sẽ giảm chi phí đầu vào. Hơn nữa còn giảm công lao động bởi sau mỗi lứa phải dọn chuồng một lần. Có chế phẩm sinh học, nguồn chất thải trở thành phân bón chứa hàm lượng dinh dưỡng, được các nhà vườn tin dùng”. 

Ở lĩnh vực trồng trọt, người dân cũng thu được kết quả cao khi sử dụng chế phẩm sinh học. Đơn cử như mô hình sử dụng chế phẩm THANH HA KH.No.3 cho 500 cây bưởi Diễn tại xã Phi Mô (Lạng Giang) giúp cây phục hồi nhanh khi bị bệnh sương mai, khô đầu lá, vàng lá, nghẹt rễ; đồng thời làm quả không bị nám, giúp đất tơi xốp. Hay mô hình ủ rơm rạ thành phân vi sinh tại các huyện Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa đã hạn chế tình trạng đốt rơm rạ vào cuối vụ, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hoặc cách sử dụng chế phẩm sinh học vào xử lý môi trường nước, nâng tỷ lệ cá sống...

Hỗ trợ nhân rộng

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, việc sử dụng chế phẩm sinh học thời gian qua trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình còn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do nông dân chưa quen với cách thức sản xuất mới, ngại thay đổi. Điển hình trong chăn nuôi lợn, người dân vẫn có tâm lý “sạch mình, bẩn người” và vô tư xả chất thải ra môi trường. 

Ứng dụng, chế phẩm, sinh học, nông nghiệp xanh, nông sản sạch

Nông dân xã Lương Phong (Hiệp Hòa) phun chế phẩm sinh học cho khu chăn nuôi gà.

Gia đình ông Trịnh Văn Toản, thôn Lực, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) nuôi hơn 20 con lợn mỗi lứa song hầm khí biogas quá tải, lại chưa biết cách sử dụng chế phẩm sinh học nên chất thải không được xử lý toàn bộ. Chẳng còn cách nào khác, ông Toản đành phun nước rửa chuồng, xả thải ra cống rãnh gần nhà. Ngoài nguyên nhân trên còn do người chăn nuôi cho rằng sử dụng chế phẩm sinh học giá cao nên không đầu tư.

Trước thực trạng trên, nhân đợt thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp tại TP Bắc Giang, huyện Yên Dũng vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái khẳng định, sử dụng chế phẩm sinh học góp phần tạo ra môi trường xanh, nông sản sạch. Đồng chí phân tích, trồng trọt, chăn nuôi ngày càng phát triển theo hướng thâm canh, chỉ có chế phẩm sinh học là sản phẩm của công nghệ sinh học mới kích thích các vi sinh vật có lợi sẵn có trong môi trường hoạt động, giúp cây, con phát triển tốt mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, các cấp, ngành cần quan tâm nhân rộng mô hình này. 

Thực hiện chỉ đạo trên, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, đơn vị tiếp tục dành kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất an toàn sinh học tại một số địa phương. Đi đôi với biện pháp trên, một số ý kiến cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, giới thiệu để nông dân tiếp cận dễ dàng với biện pháp kỹ thuật tiên tiến. Chính quyền, đoàn thể sở tại thường xuyên nhắc nhở, vận động người dân tích cực áp dụng các giải pháp làm giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất.


Tác giả bài viết: Trịnh Lan

Nguồn tin: baobacgiang.com.vn