Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp: Thu nhập của người sản xuất sẽ tăng
- Thứ hai - 27/11/2017 09:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hội thảo do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Long An tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo
Theo các đại biểu, lựa chọn và ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong nông nghiệp đang là hướng đi của nông nghiệp thế giới cũng như tại Việt Nam. Mục tiêu giúp nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Việt Nam cần thực hiện nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, diễn biến của biến đổi khí hậu... Nông nghiệp công nghệ cao phải đạt 3 yêu cầu là hiệu quả hơn so với mô hình sản xuất hiện tại. góp phần bảo vệ môi trường và ứng dụng này mang lại hiệu quả cho xã hội.
Theo Tiến sĩ Mai Thành Phụng, Ủy viên Thường trực Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam hàm lượng chất xám trong sản phẩm nông nghiệp phải nâng cao và con đường tiến lên chỉ có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thì nông nghiệp công nghệ cao là không thể tránh khỏi.
"Muốn tái cấu trúc ngành nông nghiệp phải nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất, nâng cao hiệu quả xã hội môi trường và đặc biệt phải ứng dụng khoa học công nghệ. Và mục tiêu sản xuất là tăng năng suất, tăng chất lượng, giảm chi phí, hạ giá thành, tăng hiệu quả kinh tế, tăng bảo vệ môi trường, đó là nông nghiệp bền vững", ông Phụng nói.
Hiện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tiểu vùng Đồng Tháp Mười nói riêng, sản xuất nông nghiệp gần đây đã có những chuyển biến về sản xuất sạch, an toàn, tiêu thụ sản phẩm nhưng vẫn còn những khó khăn về thị trường tiêu thụ chưa ổn định, vấn đề thất thoát, bảo quản sau thu hoạch...
Tại tỉnh Long An, hiện có một số mô hình, HTX nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả, bà Định Thị Phương Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An, cho biết trên từng lĩnh vực, từng loại cây con đã có nhưng đánh giá hiệu quả, thấy rõ nhất hiện nay là trên vùng trồng rau ứng dụng 2 loại, đó là xây dựng nhà lưới, thứ hai là kết hợp với tưới nước tiết kiệm và chuyển sản xuất từ hóa học sang hữu cơ. Về vấn đề tiêu thụ, tỉnh hiện nay hỗ trợ cho các HTX ký kết với các siêu thị trên địa bàn TPHCM, các chợ đầu mối và sau khi ký kết với Ban An toànThực phẩm TPHCM sẽ làm mặt hàng được kiểm soát theo chuỗi, để dán tem nhận diện mặt hàng được kiểm soát theo chuỗi, qua đó thuận lợi hơn khi vào TPHCM.
"Nhìn chung những HTX ứng dụng công nghệ cao này đầu ra ổn định và có hiệu quả kinh tế rất là cao", bà Thanh nói.
Vấn đề tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đang được các đơn vị sở ban ngành địa phương hỗ trợ, ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Long An, cho biết với nhóm cây đặc sản mà tìm được đầu ra cho thị trường lớn, TPHCM, đi theo hướng là thuyết phục người nông dân củng cố lại nhóm hợp tác. Từ hợp tác này tiếp tục cho nông dân kết với những tiến bộ kỹ thuật như là tưới tiết kiệm, tưới thông minh, tưới hòa phân, giảm bệnh, quản lý dịch hại và môi trường, giảm bớt hóa học, tăng cường sinh học... qua đó xây dựng những thương hiệu.