Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm: Cần nhiều giải pháp

Dù mang lại hiệu quả rõ rệt, nhưng việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, để mở rộng diện tích tưới tiết kiệm, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, cần thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt...
So với phương pháp tưới truyền thống, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm bằng kỹ thuật nhỏ giọt, phun mưa, phun sương... kết hợp với tưới phân, các loại cây trồng cạn như cà phê, hồ tiêu, chè, mía, điều… có thể cho năng suất tăng từ 10 đến 50%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập từ 20 đến 50% và tiết kiệm nước từ 20 đến 40%... Đơn cử, nếu áp dụng công nghệ tưới truyền thống thì 1ha trồng cây chè cần đến 30 giờ tưới, 5 công lao động, 340m3 nước. Nhưng nếu áp dụng công nghệ phun mưa thì chỉ cần 1,5 giờ tưới, 0,25 công lao động, 30m3 nước. Hoặc nếu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cà phê thì 1ha cần 17 giờ, 19m3 nước, gần như không cần công lao động; trong khi áp dụng phương pháp tưới truyền thống cần đến 31 giờ, 310m3 nước và 5 công lao động…

Mặc dù có nhiều ưu điểm nổi trội so với phương pháp tưới truyền thống nhưng hiện cả nước mới có 51/63 tỉnh, thành phố ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, với tổng diện tích 276.093ha. Nếu so với mục tiêu đặt ra đến năm 2017, diện tích cây trồng cạn được tưới bằng công nghệ tiết kiệm là 200.000ha thì diện tích đạt được đã vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, so với mục tiêu đến năm 2020, diện tích được tưới bằng công nghệ tiết kiệm là 500.000ha thì con số nêu trên còn chậm...

Thực hiện kế hoạch của Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 2.000ha cây trồng cạn được tưới bằng công nghệ tiết kiệm nước. Tuy nhiên kết thúc năm 2017, thành phố mới có 116ha cây lâu năm, cây ăn quả, rau, hoa trồng ở trang trại thuộc địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Sóc Sơn, Ba Vì… được áp dụng công nghệ tưới này. Theo ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), diện tích tưới bằng công nghệ tiết kiệm của TP Hà Nội đạt thấp là do chi phí đầu tư cho hệ thống tưới còn cao hơn so với thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân, tổ chức để đưa ứng dụng tưới tiết kiệm vào sản xuất còn chưa hoàn thiện, đồng bộ nên chưa tạo động lực cho việc áp dụng công nghệ này…

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 500.000ha cây trồng cạn được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi gắn với lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu về giống, đưa các giống cây trồng ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu cao, thích nghi với biến đổi khí hậu vào sản xuất… 

Theo Thứ trưởng Bộ NN &PTNT Hoàng Văn Thắng, để ứng phó với nguồn nước ngày càng cạn kiệt, nâng cao năng suất, tăng thu nhập của người dân, việc phát triển công nghệ tưới tiết kiệm là xu hướng tất yếu, nhiệm vụ cấp thiết. Vì vậy, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát, triển khai các chính sách hỗ trợ cho hoạt động này; chủ động quy hoạch các vùng chuyển đổi sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đối với các địa phương chưa có kế hoạch hành động phát triển tưới tiết kiệm, cần đẩy nhanh tiến độ để ban hành trong năm 2018. Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu phương án giao các tỉnh, thành phố chỉ tiêu phát triển diện tích tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn…
 
 
Kim Nhuệ/ Hà Nội mới