Ứng dụng khoa học và công nghệ vào các sản phẩm chủ lực
- Thứ hai - 10/08/2015 04:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo ông Đoàn Hồng Phong- Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - đến nay các chương trình, đề án, nhiệm vụ KH&CN được triển khai ứng dụng trên địa bàn đã góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công nghệ thông tin được triển khai ứng dụng tại hầu hết các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; tiếp nhận công nghệ mới trong nông nghiệp để sản xuất một số giống thủy sản, giống khoai tây sạch bệnh, giống lúa, giống đậu tương các loại, công nghệ sản xuất muối tinh để hỗ trợ diêm dân, công nghệ chăn nuôi theo trang trại, sản xuất thức ăn vi sinh cho chăn nuôi... Trong công nghiệp đã ứng dụng các công nghệ ép song động sản xuất gạch không nung; công nghệ đúc bằng mẫu tự thiêu sản xuất phụ tùng bằng thép đúc, gang đúc thay thế sản phẩm nhập ngoại; công nghệ chiết xuất dược liệu, màng bao phin thuốc tân dược…
Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh cũng hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng và duy trì việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 cho 46 cơ quan trong tỉnh. Quản lý chặt chẽ công tác đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, công tác an toàn bức xạ tại 41 cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ và 10 cơ sở có nguồn phóng xạ, phát triển công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật trở thành phòng trào thi đua trong tỉnh, tổ chức thành công 3 hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh.
Giai đoạn 2016-2020, hoạt động KHCN của tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh CNH-HĐH, xây dựng nông thôn mới và quyết tâm tạo ra bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; triển khai mạnh mẽ, toàn diện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, thu hút đầu tư, xây dựng Nam Định trở thành trung tâm giống cây trồng, vật nuôi của khu vực.
Để giúp Nam Định thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã giao các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ phối hợp với tỉnh Nam Định nghiên cứu hỗ trợ tỉnh thực hiện nhiệm vụ KHCN. Đặc biệt tập trung hướng dẫn doanh nghiệp tham gia vào Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; đưa công nghệ cao ứng dụng vào thực tế thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện của bộ tại nước ngoài; tăng cường kêu gọi đầu tư và trực tiếp đầu tư để tỉnh hoàn thành các mục tiêu. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu thời gian tới, tỉnh tiếp tục bố trí hợp lý nguồn kinh phí KH&CN được ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện tốt các nhiệm vụ KH&CN ở địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh với thị trường.nTrong giai đoạn 2011-2015, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai và các hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng... Tuy nhiên, với đặc thù là một tỉnh mạnh về lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, hoạt động KHCN của tỉnh vẫn còn tồn tại hạn chế trong việc hỗ trợ để tạo ra bước đột phá trong sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử