Vai trò của khuyến nông trong phát triển sản xuất hàng hóa

Trong những năm qua, hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành cầu nối trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.

Từ năm 2011 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Dự án TNSP và một số công ty giống cây trồng trong, ngoài tỉnh, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố xây dựng và thực hiện được 664 mô hình trình diễn áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, trong đó có 43 mô hình nguồn vốn Trung ương, 621 mô hình nguồn vốn địa phương và các doanh nghiệp.


Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra mô hình lúa chất lượng cao
tại thị trấn Tân Yên (Hàm Yên).
 

Nhiều mô hình thực hiện đạt hiệu quả, được nông dân hưởng ứng nhân rộng ra sản xuất như mô hình giúp các hộ dân gặp khó khăn tại tỉnh cải thiện hiệu quả canh tác lúa một cách bền vững thông qua mô hình khuyến khích các hộ dân tham gia thị trường phân viên nén dúi sâu FDP” giai đoạn 2011-2013.

Kết quả năm 2011 vận động được 4.651 lượt nông dân trên địa bàn tỉnh sử dụng 107 tấn phân viên nén dúi sâu cho 483 ha lúa, chiếm 1,07% tổng diện tích gieo cấy cả năm, đến năm 2015 đã có 153.000 lượt nông dân thuộc 136 xã, phường trong tỉnh áp dụng với 5.119,4 tấn phân viên nén để dúi cho 22.723 ha lúa, chiếm 50,58% tổng diện tích gieo cấy cả năm. 

Tại huyện Chiêm Hóa, Trung tâm khuyến nông đã xây dựng được một số mô hình về chuỗi giá trị cây lạc, trong đó có mô hình trồng, thâm canh, nhân giống lạc mới L26 và giống lạc L14 chọn lọc tại 6 xã vùng sản xuất lạc hàng hóa như: Minh Quang, Phúc Sơn, Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Hà Lang, Trung Hà; đưa năng suất bình quân đạt 30,5 - 31 tạ/ha, cao hơn giống lạc cũ của địa phương từ 0,5 đến 0,7 tạ/ha.

Trung tâm hỗ trợ 48 máy tuốt vặt củ lạc tại 5 xã Minh Quang, Phúc Sơn, Tân Mỹ, Hà Lang, Trung Hà; đồng thời đưa 3 máy sấy khô lạc vỏ thử nghiệm tại 3 xã, gồm: Minh Quang, Phúc Sơn, Tân Mỹ, hàng năm phục vụ sấy được trên 30 tấn lạc vỏ và gần 20 tấn các loại nông sản khác như: ngô, sắn, lúa...

Tại các xã nông thôn mới, trong đó có 7 xã điểm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ phát triển như: Xây dựng mô hình cải tạo đàn trâu tại xã Kim Bình, Chiêm Hóa; mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang; dự án vỗ béo bò thịt tại huyện Yên Sơn, Sơn Dương; dự án nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ tại huyện Nà Hang, Lâm Bình; dự án nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh tại huyện Chiêm Hóa, Nà Hang, Hàm Yên; mô hình máy làm đất đa năng cho mía tại xã Bình Xa, Hàm Yên; cấp phát 150 cuốn sổ tay khuyến nông và 780 băng đĩa kỹ thuật cho các xã điểm thực hiện nông thôn mới... 

Đạt kết quả trên, song theo ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hoạt động khuyến nông cũng bộc lộ nhiều hạn chế, như trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của một số ít cán bộ chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nông dân. Hoạt động khuyến nông mới tập trung vào xây dựng mô hình trình diễn để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chưa có nhiều mô hình tổng hợp, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổ chức quản lý sản xuất, xúc tiến thị trường…

Trong thời gian tới, để hoạt động khuyến nông đạt hiệu quả và đi vào chất lượng, Trung tâm khuyến nông tỉnh sẽ tập trung nguồn lực vào hỗ trợ, hướng dẫn các dự án khuyến nông sản xuất theo quy trình GAP, các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm, khuyến nông công nghệ cao, các dự án phục vụ chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu, mở rộng các dự án khuyến nông hợp tác với doanh nghiệp nhằm huy động các nguồn lực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, liên kết bốn nhà để giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững, đặc biệt là các sản phẩm của tỉnh có lợi thế và khả năng cạnh tranh cao như: Cây cam, mía, chè, lạc, keo, trâu, cá đặc sản,...

Bài, ảnh: Nguyễn Đạt