Vai trò giám sát của người dân

Vai trò giám sát của người dân
Để nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ đã chủ trì phối hợp với các tổ chức, đoàn thể thành lập đoàn giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Vai trò giám sát của người dân

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ kiểm tra các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại nhà máy Z4.

Theo ông Trần Phù Tiêu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ, triển khai kế hoạch giám sát năm 2017, sau khi thống nhất giữa các tổ chức đoàn thể và các cơ quan liên quan, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập đoàn giám sát và tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các huyện Đoan Hùng, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ.

Kết quả giám sát tại huyện Cẩm Khê cho thấy, UBND huyện quan tâm  bố trí nguồn kinh phí từ sự nghiệp môi trường và các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ khác để tực hiện công tác bảo vệ môi trường. Công tác phối hợp giữa chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên được duy trì. 

Để xử lý chất thải ở khu vực nông thôn, huyện Cẩm Khê đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện kiểm tra hướng dẫn các xã, trị trấn ký cam kết bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, hộ chăn nuôi quy mô dưới 50m2, hướng dẫn các biện pháp xử lý chất thải thức ăn chăn nuôi như sử dụng hầm bigoga, đệm lót sinh học. 

Trong năm 2017, huyện Cẩm Khê đã phân bổ  tổng kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường gần 5 tỷ đồng cho các xã xây dựng bãi tập kết rác thải, mua thùng đựng rác. Huyện cũng đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng lò đốt rác thải với công suất 8 tấn/ngày tại thị trấn Sông Thao, xây dựng khoảng 200 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật và chất thải nông nghiệp trên địa bàn các xã, thị trấn.

Tại huyện Lâm Thao, qua giám sát cũng cho thấy công tác bảo vệ môi trường đã được chú trọng. 100% các xã trên địa bàn đã tiến hành thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Việc thu gom xử lý rác thải tại bệnh viện, trạm xá được xử lý triệt để bằng lò đốt chất thải y tế theo quy định. 

Các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trong Cụm công nghiệp Hợp Hải - Kinh Kệ, điểm công nghiệp thị trấn Hùng Sơn và khu làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xã Sơn Vi đã tuân thủ theo đúng các nội dung bảo vệ môi trường. 

Từ thực tế giám sát tại các địa phương, ông Trần Phù Tiêu đánh giá, công tác bảo vệ môi trường trong những năm gần đây đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo. Các địa phương đã thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Công tác phối hợp giữa chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên. 

Bên cạnh những kết quả tích cực Đoàn giám sát cũng chỉ ra thực trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở khu vực nông thôn và đô thị. Việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi cũng như việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở các địa phương thực hiện chưa đảm bảo theo yêu cầu. 

Ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa cao.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ông Trần Phù Tiêu cho rằng trong thời gian tới MTTQ các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Song hành với đó phải tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh, các hộ chăn nuôi kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi gây ô nhiễm. Đặc biệt cần phát huy vai trò giám sát của người dân, các tổ chức đoàn thể đối với công tác bảo vệ môi trường.    

Tác giả bài viết: Trung Hiếu

Nguồn tin: daidoanket.vn