Văn hóa nông thôn: Xử lý tồn tại 'nóng'

Văn hóa nông thôn: Xử lý tồn tại 'nóng'
Bên cạnh những vụ việc đình đám trên nhiều khía cạnh liên quan đến lĩnh vực giải trí, truyền hình, biểu diễn nghệ thuật, phim ảnh… đa phần diễn ra ở khu vực đô thị, thì nông thôn, với không gian rộng lớn và truyền thống văn hóa lâu đời, cũng không khỏi có những xáo trộn, những vấn đề nan giải đặt ra trong đời sống văn hóa.


 

Cần bớt đi hệ thống vật chất để người dân có chỗ tham dự sự kiện.
Cần bớt đi hệ thống vật chất để người dân có chỗ tham dự sự kiện.


Nhiều điểm “nóng”

Năm qua và nhìn thêm khoảng thời gian trước nữa, đã có những hiện tượng, sự việc diễn ra trong không gian nông thôn, trở thành tâm điểm của dư luận hay tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Nổi cộm là những trao đổi, tranh cãi xung quanh nghi lễ chém lợn trong lễ hội làng Ném Thượng (xã Khắc Niệm, TP Bắc Ninh). Và câu chuyện chém lợn cũng chỉ là một ví dụ trong nhiều băn khoăn khác liên quan đến sự phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống nhưng lại làm phát sinh những điều không mong muốn. Ví dụ như những vụ chen chúc, tranh giành dẫn tới ẩu đả trong lễ hội ở một số địa phương khi người dân tham gia trò chơi dân gian cướp phết hoặc xông vào giành hoa tre…

Thực trạng khác cũng vẫn còn dai dẳng, là việc sử dụng tượng sư tử đá theo mẫu ngoại lai tại cổng các di tích. Cho đến nay, mặc dù ngành văn hóa đã có những chủ trương, chỉ đạo và những cuộc ra quân dẹp bỏ, cùng nỗ lực phổ biến, tuyên truyền các mẫu linh vật được coi là thuần Việt, nhưng việc hạn chế sử dụng, loại bỏ tượng sư tử đá ngoại lai vẫn chưa được dứt điểm. Đi qua một số cổng di tích ở nông thôn, vẫn có thể thấy tượng sư tử đá án ngữ.

Rộng hơn nữa, dư luận cũng đã và đang quan tâm đến những điểm nóng di tích, bị coi là đi ngược lại Luật Di sản, như chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội)… Cũng không chỉ với những địa chỉ bị báo chí phản ánh, đi qua nhiều vùng nông thôn, có thể thấy không ít di tích tiếp tục được sang sửa, xây đắp, tô vẽ một cách sặc sỡ, lòe loẹt và có tính phô trương.

Có thể nói, tính thẩm mỹ và chất lượng mỹ thuật ở những công trình, hạng mục, di tích này đang trên đà đi xuống, thiếu sự tư vấn của giới chuyên môn về kiến trúc, mỹ thuật tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa truyền thống, cũng như sự ngăn chặn, can thiệp của các cơ quan chức năng.

Mới đây, vụ chen lấn dẫn đến nhiều người ngạt thở, ngất xỉu trong lễ hội đếm ngược ở trung tâm Hà Nội, lại nhắc nhớ nhiều đến những cảnh chen chúc, ách tắc thường xuyên ở các lễ hội truyền thống mà đa phần diễn ra ở khu vực nông thôn.

Tại các lễ hội này, việc quy hoạch, bố trí không gian thường bị “phá vỡ” bởi lượng người quá tải, cộng thêm hệ thống hàng quán, dịch vụ dày đặc “chia sẻ” diện tích, thêm các bãi gửi xe tự phát chiếm lĩnh nhiều không gian công cộng, khiến cho việc di chuyển của các dòng người, đám người luôn khó khăn. Những nguyên nhân này khiến cho khung cảnh không ít lễ hội trở nên hỗn tạp, chen chúc, dồn nén, làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của hoạt động văn hóa truyền thống.

Cần những giải pháp tức thời

Vậy là, nhìn về thời gian tới, còn ngổn ngang nhiều những câu chuyện kém vui trong đời sống văn hóa làng quê- một không gian đang biến đổi về cả vật chất và tinh thần với không ít những hệ lụy của sự phá vỡ không gian truyền thống, của làn sóng đô thị hóa, bê tông hóa nông thôn, của sự du nhập những hoạt động văn hóa, dịch vụ mới, quan niệm và lối sống mới.

Những bài toán về quản lý, duy trì và điều chỉnh đối với đời sống văn hóa chung ấy đang đặt ra rất nhiều câu hỏi. Nhưng để sớm can thiệp nhằm có những tác động tốt hơn đến một số biểu hiện sa sút, những tiêu cực, tồn đọng đời sống văn hóa nông thôn, rất cần có ngay những giải pháp cụ thể của ngành văn hóa và chính quyền các cấp.

Cần có cuộc kiểm tra rộng ở khắp các di tích để phát hiện và loại bỏ ngay những tượng linh vật ngoại lai, không phù hợp. Công việc này có lẽ không cần những chuyến thanh kiểm tra “tiền hô hậu ủng” mà lực lượng cán bộ văn hóa cấp huyện, xã có thể thực hiện được nhờ những tài liệu hướng dẫn cụ thể, cặn kẽ của ngành văn hóa.

Trong tiến trình xây dựng đời sống văn hóa hôm nay, hướng tới những tiêu chí văn minh, thể hiện tinh thần tôn trọng con người, tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng sự vật, có lẽ, việc phục hồi, bảo tồn những nghi thức, tập tục văn hóa truyền thống cần có sự chọn lựa, cân nhắc kỹ. Với những nghi lễ có hành động chém giết súc vật, gây đổ máu, dễ tạo ra sự kích động và thỏa mãn nhu cầu chứng kiến của đám đông, có lẽ nên dừng lại để nghĩ ra hình thức mới phù hợp.

Có thể chỉ cần hành động tượng trưng, sau đó thực hiện việc thịt lợn như cách làm thông thường ở vị trí khác, ít người chứng kiến, tiếp cận. Cũng nên, như có ý kiến chuyên gia đã nêu, nghĩ đến việc nghệ thuật hóa nghi lễ này bằng những điệu múa mô phỏng và trình diễn cho toàn dân xem.

Với các di tích, cần tiếp tục xây dựng và phổ biến những chế tài luật pháp trong việc quản lý, bảo vệ, tu sửa, bổ sung, xây lắp mới. Những chế tài này, cũng như Luật di sản văn hóa phải được phổ biến xuống tất cả các đối tượng quản lý, trông nom, bảo vệ di tích. Đồng thời cần xây dựng ngân hàng hồ sơ di tích, chú trọng việc “mạng hóa” kho dữ liệu này. Đó sẽ là cơ sở tư liệu quan trọng cho việc so sánh, đối chiếu mỗi khi có các hoạt động tu bổ, tôn tạo, sửa chữa, xây lắp mới diễn ra tại di tích.

Và với những tiêu cực lễ hội có khả năng tái diễn trong thời gian tới, các địa phương cơ sở rất cần có nghiên cứu, tính toán kỹ trong việc quy hoạch, bố trí không gian lễ hội. Cần có sự phân khu vực rõ ràng giữa các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật với các khu vui chơi, dịch vụ, tập kết phương tiện giao thông. Đặc biệt, cần hạn chế hơn nữa các loại dịch vụ này để dành không gian, diện tích cho công chúng đi hội, thưởng thức văn hóa nghệ thuật.

Một mùa hội xuân lại sắp mở, cùng nhiều hoạt động văn hóa khác diễn ra ở khu vực nông thôn. Làm thế nào để giúp cộng đồng dân cư ở đây vốn hiện nay không chỉ thuần nông dân cùng duy trì một đời sống văn hóa chung bình ổn, hài hòa các yếu tố truyền thống - hiện đại, cũ - mới, văn hóa - văn minh?

Làm thế nào để tiếp tục loại bỏ, hạn chế và ngăn chặn mầm mống của những biểu hiện văn hóa lệch lạc, thái quá, cực đoan và bảo thủ? Chính những thực trạng đang tồn tại hiện nay đang là phép thử, là những bài kiểm tra cho năng lực, lòng nhiệt tình và sáng tạo của giới quản lý văn hóa và chính quyền các địa phương.    
 

Theo Đại đoàn kết