Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đến đỉnh điểm bức xúc tại Quốc hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XIV, sáng qua (25/7), QH đã tiến hành thảo luận về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2017.
Về dự kiến chương trình giám sát, ĐB Bé đề nghị Quốc hội tập trung vào vấn đề an toàn thực phẩm.

Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đề xuất các đại biểu xem xét lựa chọn 2 trong số 4 chuyên đề để tiến hành giám sát gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 — 2016; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đổi mới ngay hoạt động giám sát

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng hoạt động giám sát của QH vừa qua vẫn còn hình thức, chưa thực sự quyết liệt và mạnh mẽ để thể hiện hết vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. QH sau giám sát đã đưa ra kiến nghị nhưng các ngành chức năng, các địa phương thực hiện chưa tốt. Do đó, ĐB cho rằng để đổi mới hoạt động của QH thì cần đổi mới ngay hoạt động giám sát của QH.

Về dự kiến chương trình giám sát của QH, ĐB này đề nghị QH tập trung vào vấn đề an toàn thực phẩm vì “vấn đề mất an toàn thực phẩm hiện đã đi đến đỉnh điểm bức xúc của cộng đồng”, thực phẩm không an toàn đã và đang có tác động tiêu cực, hủy hoại chất lượng cuộc sống của con người. ĐB cho rằng việc thực hiện giám sát như vậy sẽ tạo điều kiện để QH đánh giá lại việc thực hiện của các cơ quan chức năng đối với những kiến nghị của các QH khóa trước về vấn đề an toàn thực phẩm.

Tán thành ý kiến đề nghị QH giám sát vấn đề về thực phẩm, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng tất cả các khâu từ chế biến đến tiêu dùng tại nước ta đều đang có vấn đề nên việc ngăn chặn thực phẩm bẩn chưa được hiệu quả.

“Quyền được sống trong môi trường trong sạch của người dân bị đe dọa nghiêm trọng. Trong khi đó về mặt quản lý nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Do không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chung và công tác điều hành, phối hợp còn chưa có đầu mối chỉ đạo nên thẩm quyền của một số đơn vị còn chồng chéo, chưa rõ thẩm quyền cá nhân. Bên cạnh đó, giám sát vấn đề này còn giúp làm trong sạch đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có biểu hiện tha hóa trong việc ngăn chặn thực phẩm. Việc giám sát cũng sẽ làm rõ những hạn chế, yếu kém, giúp QH kịp thời sửa đổi bổ sung luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý để ngăn chặn các hành vi vi phạm”, ĐB Tám phân tích

Cán bộ “họp hành quá nhiều”

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng những bức xúc của người dân lâu nay đều có chung một nguyên nhân là sự vận hành của bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

“Chúng ta ai cũng nhận thấy nếu có một bộ máy cán bộ tốt, một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức biết đến trách nhiệm và bổn phận của mình thì sẽ không có một nền hành chính còn nhiều ách tắc, phiền hà; không có đầu tư dàn trải, kém hiệu quả để hàng tỉ, hàng triệu USD lãng phí mỗi năm được cộng thêm vào gánh nợ công vốn đã quá sức chịu đựng; không có việc xả thải làm ô nhiễm môi trường khủng khiếp như ở các tỉnh miền Trung vừa qua; không có tình trạng phá rừng; không có nạn cấp khống giấy chứng nhận hợp chuẩn phân bón, chất lượng thủy sản, thức ăn chăn nuôi, không có tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, không có hàng chục vạn hộ dân nghèo khốn đốn về đa cấp”, ĐB này nhận định.

Theo ĐB Cương, dường như các cán bộ bây giờ “họp hành quá nhiều” mà cứ mỗi khi có việc gì xảy ra, người dân kêu cứu, nhà báo đề nghị gặp để tìm hiểu thì kêu bận. “Qua các phân tích trên đây, tôi nhận thấy sự vận hành của bộ máy nhà nước và việc thực hiện trách nhiệm của các cán bộ, công chức, viên chức đang là nguyên nhân chủ yếu của mọi vấn đề bức xúc trong xã hội, rất cần QH giám sát”, ĐB này nói và bày tỏ đồng tình cao với việc giám sát cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Ông Cương cũng đề nghị cần đi vào nội dung cụ thể của việc giám sát, làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. “Thực hiện công cuộc giám sát này ngay từ đầu nhiệm kỳ sẽ góp phần kiện toàn, củng cố Nhà nước vững mạnh. Cuộc giám sát này sẽ giúp chúng ta đạt được sự tăng trưởng, không phải là sự tăng trưởng về kinh tế mà tăng trưởng về niềm tin của người dân đối với Nhà nước, chế độ”, ĐB Cương nói.

Cũng chung những trăn trở về bộ máy nhà nước hiện nay, ĐB Bùi Việt Phương (đoàn Ninh Bình) nhận định vấn đề không phải ở năng lực mà nằm ở phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức. “Họ đều biết cả nhưng vì có lợi ích chi phối nên người ta mới làm ngơ đi để cho xả thải chất độc ra môi trường một cách thoải mái, làm ngơ để cho hàng gian, hàng giả. Đấy là phẩm chất đạo đức”, ĐB này nhấn mạnh.

ĐB Phương cũng đề nghị cần trách nhiệm hóa người phụ trách bởi nếu không quy trách nhiệm cá nhân thì không xử lý được. “70% tiền nhân dân đóng thuế để nuôi bộ máy nhưng họ không làm tròn trách nhiệm mới để xảy ra tình trạng như vậy. Cần xem lại việc quy trách nhiệm cá nhân. Không thể cứ để bộ máy làm sai xong trách nhiệm lại cứ đổ loanh quanh, dưới đổ cho trên, trên đổ cho dưới”, ông nói thêm.

Quốc hội cần giám sát những dự án lớn

Tại phiên họp, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) kiến nghị QH điều chỉnh, đưa thêm chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và nước ngoài liên quan đến việc phòng chống vi phạm pháp luật bảo vệ tài nguyên, môi trường. Bởi, theo ĐB này, những sự cố môi trường vừa qua đã làm cho một bộ phận lớn cử tri rất băn khoăn, bức xúc, “ăn không ngon, ngủ không yên”. Trong đó, ông cho biết có nhiều kiến nghị của cử tri phải giám sát Formosa vì đây là thời điểm thuận lợi khi dự án này chưa bắt đầu nên việc xem xét, xử lý có hiệu quả.

ĐB của TP HCM cũng đề nghị thực hiện giám sát chuyên đề các quy định pháp lý về trình tự thủ tục, trách nhiệm trong việc xem xét, phê duyệt, giám sát các dự án đầu tư nước ngoài liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên môi trường trong năm 2017, bởi “hiện nay đang nổi lên vấn đề phải chăng quy định của chúng ta về trình tự thủ tục chưa hoàn chỉnh, có sơ hở”. “Những dự án đầu tư 5-10 tỉ USD có tác động rất lớn nên không thể để tỉnh tự quyết. Sắp tới sẽ kiến nghị phải sửa luật với những dự án đầu tư tư nhân mà có tác động rất lớn về mặt xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng thì QH cũng phải có giám sát ở khâu rà soát, cấp phép”, ĐB này nói.

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho biết có gần 30 đoàn ĐB của các tỉnh nêu đề nghị nên giám sát về môi trường vì trong các tháng đầu năm nay đã nổi lên nhiều vấn đề về môi trường, không chỉ ở Formosa mà còn ở các nơi khác như sông Bưởi (Thanh Hóa). Do đó, ĐB này đề nghị trong năm 2017, QH nên thực hiện giám sát thi hành Luật Bảo vệ Môi trường một cách toàn diện, để giám sát xem “văn bản luật của chúng ta có đi vào thi hành hay không để có biện pháp sửa nhằm đảm bảo tính khả thi của luật”.

Ở một góc nhìn khác, ĐB Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre), kiến nghị: “QH cũng nên rà soát chặt những công trình đầu tư lớn nhưng không hiệu quả, không tác động đến kích thích kinh tế, đặc biệt là những công trình mà hôm nay vốn như thế này nhưng sau đó đội lên. Để như thế là có tội với dân”./.

Hà Dung