Vạn tấm lòng nhung nhớ “cha đẻ” Truyện Kiều
- Thứ năm - 19/11/2015 22:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
650 nghệ sĩ biểu diễn trong đêm đại lễ
Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh tại kinh thành Thăng Long (nay là Hà Nội), nguyên quán lại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông được UNESCO công nhận là 1 trong 150 danh nhân văn hóa thế giới. Tác phẩm “Truyện Kiều” gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát là tác phẩm vĩ đại đã đưa Nguyễn Du trở thành danh nhân thế giới. Tính đến nay, Truyện Kiều đã được chuyển ngữ và giới thiệu trong 37 bản dịch với hơn 20 ngôn ngữ khác nhau.
Chia sẻ về đại lễ kỷ niệm 250 ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, ông Nguyễn Thiện- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hoạt động chính là tuần văn hóa từ ngày 28.11 ngày 5.12 tại huyện Nghi Xuân- quê hương Nguyễn Du. Sẽ có nhiều hoạt động như liên hoan nghệ thuật quần chúng tại Tiên Điền với chủ đề “Tiếng tơ Tiên Điền”, hội thi thuyết minh viên du lịch Hà Tĩnh. Đặc biệt, trong tuần văn hóa sẽ trình chiếu các bộ phim về chủ đề Nguyễn Du và “Truyện Kiều” như: “Long thành cầm giả ca”; “Chân dung đại thi hào Nguyễn Du”...
Đêm kỷ niệm đại lễ với chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” có thời lượng 90 phút do Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện, tổng đạo diễn của đêm nghệ thuật này là NSND Trần Bình. Ước tính, có hơn 600 diễn viên của các đơn vị tham gia biểu diễn. 1.300 diễn viên quần chúng xuất hiện trên sân khấu.
“Chương trình nghệ thuật được chia làm 5 chương, được thực hiện trên nền nhạc của dân ca ví, giặm, dân ca quan họ Bắc Ninh và phảng phất làn điệu ca trù. Dự kiến, đêm đại lễ sẽ có khoảng 1.000 đại biểu và khoảng 10.000 người dân sẽ tham gia”- ông Nguyễn Thiện cho biết.
Quảng bá rộng rãi “Truyện Kiều”
Ngoài chương trình nói trên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho biết, sẽ có 2 đề án cùng được thực hiện trong dịp đại lễ tôn vinh danh nhân thế giới – Đại thi hào Nguyễn Du.
Đề án thứ nhất là tổ chức các hội thảo trong nước và quốc tế do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì, xuất bản “Truyện Kiều” do Hội Kiều học Việt Nam khảo đính và chú giải; ra mắt bản Kiều dịch sang tiếng Nga; tổ chức dịch và xuất bản Truyện Kiều, các tác phẩm của Nguyễn Du ra nhiều thứ tiếng khác nhau.
Đề án thứ hai là đẩy mạnh tuyên truyền thân thế sự nghiệp và các tác phẩm của Nguyễn Du. Đây là đề án sẽ được phối hợp với rất nhiều ban, ngành, nhiều đơn vị, lĩnh vực nghệ thuật để giới thiệu các tác phẩm của Nguyễn Du với nhiều hình thức phù hợp từng lứa tuổi.
Đây là đề án đầu tiên mà qua đó kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được tập trung tuyên truyền bằng nhiều loại hình nghệ thuật như: Nghệ thuật chèo, cải lương, dân ca ví- giặm Nghệ Tĩnh, dân ca quan họ, cân ca bài chòi, ca trù, hát văn, hát xẩm, ca Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ qua những góc nhìn mới qua việc sử dụng một cách đa dạng hoá việc hiểu tác phẩm cũng như phương thức lưu truyền, quảng bá di sản của Nguyễn Du.
Nhạc sĩ Quang Long cho biết: “Lâu nay, những lời thơ trong Truyện Kiều đã đi vào đời sống, tâm thức của người dân thành những tiếng ca, lời ru trong dân gian.
Thế nhưng, giống như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, cái khó khi triển khai đề án là làm sao lan tỏa được tới các bạn trẻ. Hy vọng khi thực hiện đề án này, lớp trẻ sẽ thấm và yêu hơn những câu Kiều tuyệt tác của dân tộc.
Đây là lần đầu tiên kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được tập trung tuyên truyền bằng nhiều loại hình nghệ thuật như: Chèo, cải lương, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, dân ca quan họ, dân ca bài chòi, ca trù, hát văn, hát xẩm, ca Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ... |