Vào HTX để làm lúa "sạch"
- Chủ nhật - 19/08/2018 21:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mới có mặt trên thị trường từ đầu tháng 8-2018, gạo "sạch" Hương Xuân - sản phẩm từ sự hợp tác của HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) với Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) - được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Từ năm 2016, gạo Jasmine từ vùng trồng này cũng chiếm được nhiều cảm tình của người tiêu dùng, tiêu thụ tốt.
Lãi hơn 50 triệu đồng/ha/năm
Ông Dương Văn Thành, Chủ tịch HĐQT HTX Tân Tiến, cho biết hơn 40 ha đất trồng lúa của HTX đã "thay da đổi thịt" sau 3 năm kiên trì thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản lượng lúa tăng đáng kể, từ bình quân gần 4 tấn/ha vụ hè thu 2016 lên hơn 6 tấn/ha trong vụ đông xuân 2017-2018. Thu nhập bình quân của các hộ nông dân đạt mức hơn 14 triệu đồng/ha lên đến hơn 30 triệu đồng/ha; lợi nhuận ước tính từ 20 triệu đồng/ha năm 2016 lên hơn 40 triệu đồng/ha năm 2017 và hơn 50 triệu đồng/ha năm 2018.
Bên cạnh đó, nhờ nói không với phân thuốc hóa học nên môi trường tự nhiên dần cải thiện, hệ sinh thái tự nhiên phục hồi, tôm cá sinh sôi phát triển trong ruộng lúa, đất đai tốt dần lên. "Thời gian đầu chuyển đổi từ sản xuất sử dụng phân thuốc hóa học sang sinh học, cây lúa chậm phát triển. Thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh nhiều cũng gây áp lực cho bà con.
Diện tích sản xuất nhỏ, khó áp dụng cơ giới hóa và bà con không quen ghi chép nhật ký đồng ruộng nên chưa thực hiện thường xuyên, đầy đủ… Tuy nhiên, những khó khăn đó đã được khắc phục dần; năng suất, chất lượng tăng theo từng vụ, lúa làm ra được Saigon Co.op bao tiêu nên các xã viên yên tâm gắn bó" - ông Thành cho biết.
Hợp đồng bao tiêu cũng như chính sách thu mua lúa tươi sản xuất theo hướng hữu cơ luôn cao hơn lúa thường khoảng 40% của Saigon Co.op đã bảo đảm lợi nhuận cho nông dân. Một số xã viên HTX Tân Tiến cho hay năng suất hiện tại ở HTX tuy đã cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với năng suất trồng bên ngoài theo phương pháp hóa học. Trồng lúa hướng hữu cơ bị kiểm soát nghiêm ngặt về quy trình nhưng nếu kiên trì sẽ được hưởng lợi lâu dài về cả kinh tế, môi trường lẫn sức khỏe. Một số nông hộ bên ngoài bắt đầu nhìn ra những lợi ích này nên muốn tham gia HTX.
Một góc ruộng lúa của HTX Nông nghiệp Tân Tiến
Đầu ra ổn định
Mô hình HTX sản xuất lúa gạo sạch theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Mỹ Lộc, cụ thể là HTX Tân Tiến, là điển hình của sự kết hợp 4 nhà: nhà khoa học, nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huỳnh, Trường ĐH Cần Thơ, mô hình này không chỉ sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế tốt mà còn có đầu ra ổn định.
"Bà con nông dân ngại sản xuất gạo "sạch" do khó có đầu ra. Ở đây, Saigon Co.op vừa hợp tác với nhà khoa học để tư vấn quy trình sản xuất, cung ứng nguyên liệu, vật tư vừa hỗ trợ một phần chi phí đầu tư và bao tiêu sản phẩm nên mô hình đã đạt kết quả tốt" - PGS Huỳnh nhìn nhận.
Theo ông Kiên, Saigon Co.op vẫn đang trong giai đoạn trợ giá cho dự án để bảo đảm lợi nhuận cho nông dân. Trước đây, nông dân thích gì trồng nấy, không theo nhu cầu thị trường nên hiệu quả thấp. Thông qua hợp tác, Saigon Co.op cung cấp thông tin cụ thể về nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, giá cả cũng như yêu cầu cao về quy trình sản xuất. "Phải nâng dần trình độ sản xuất theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng trang thiết bị nông nghiệp vào sản xuất vì việc duy trì sản xuất theo kiểu truyền thống vừa vất vả vừa kém hiệu quả" - ông Kiên nhận xét.
Từ năm 2016 đến nay, HTX Tân Tiến đã cung cấp cho Saigon Co.op hơn 100 tấn gạo đạt tiêu chuẩn chứng nhận các loại. Sản phẩm gạo này bảo đảm các tiêu chí: sử dụng 100% phân bón hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật; không dùng hóa chất bảo quản, chất tẩy trắng; 100% gạo không pha trộn; có giá trị dinh dưỡng cao và dễ dàng truy xuất nguồn gốc.