Vay tiêu dùng sẽ theo lãi suất thỏa thuận
- Thứ tư - 09/11/2016 11:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng
Theo Dự thảo Thông tư, lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ do công ty tài chính (CTTC) và khách hàng thỏa thuận. Điều này đồng nghĩa, mức trần 20% mà Bộ luật Dân sự 2015 quy định và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 sẽ không áp dụng với các tổ chức tín dụng, trong đó có CTTC.
Đánh giá về Dự thảo Thông tư này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho rằng, đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thể hiện quan điểm tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận trong nền kinh tế thị trường. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng điều hành của NHNN bấy lâu nay, cũng như phù hợp với tinh thần tại Luật Các tổ chức tín dụng, cho phép bên cho vay và đi vay được thỏa thuận lãi suất.
Lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ do công ty tài chính và khách hàng tự thỏa thuận. |
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, 20% là lãi suất “trong mơ”. Mức trần này quá thấp để ngân hàng và CTTC có thể bù trừ được rủi ro tín dụng khi cho vay tiêu dùng. Theo nguyên tắc thị trường, thì rủi ro càng cao, lãi suất sẽ càng cao. Do vậy, nếu khống chế trần lãi suất đối với ngân hàng và CTTC, thì đó sẽ là một biện pháp can thiệp hành chính phi thị trường.
Một điểm mới nữa được các chuyên gia đánh giá cao, đó là NHNN đã tách bạch cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại và cho vay tiêu dùng của CTTC. Nếu như tại Dự thảo Thông tư được đưa ra lấy ý kiến vào năm 2014, cho vay tiêu dùng của 2 nhóm đối tượng này vẫn còn bị “nhốt” chung một khung khổ pháp lý, cho dù có sự khác biệt về phương thức huy động vốn, quy mô khoản vay, mức độ rủi ro, cách tính lãi…, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các CTTC, thì nay, với dự thảo thông tư mới, các doanh nghiệp này đã có một “sân chơi” riêng phù hợp với “sức vóc” của mình.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sau khi hoàn tất bước lấy ý kiến, việc NHNN tới đây sẽ ban hành Thông tư quy định hoạt động cho vay tiêu dùng dành riêng cho khối CTTC thực sự là một “bước ngoặt lớn” có tác động góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng mạnh mẽ trong tương lai.
Lãi suất theo tỷ lệ %/năm hay tháng, ngày đều không thay đổi bản chất
Khoản 2, Điều 5, Dự thảo Thông tư lại yêu cầu các CTTC đưa ra mức lãi tính theo năm chứ không cho tính theo tháng, đồng thời yêu cầu CTTC tính lãi trên số tiền nợ thực tế còn lại, tránh việc tính lãi trên tổng số tiền vay ban đầu. Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico, với những quy định này, Dự thảo đang đi ngược với hướng đi của nền kinh tế thị trường.
“NHNN dường như đang lo quá về câu chuyện lãi suất”, ông Hải nói và phân tích, quy định lãi suất tính theo năm, tháng hay ngày, có mức trần hay không, phương thức tính trên số dư nợ nào... là để dễ quản lý, nhưng quy định cứng là không phù hợp với đặc thù của ngành tài chính - ngân hàng. “Lãi suất thế nào là để tự thỏa thuận với nhau. Tính lãi trên dư nợ giảm dần hay nợ gốc cũng chỉ là một trong các phương thức tính lãi, không khác nhau về giá trị tuyệt đối về lãi”, ông Hải nhận định.
Liên quan vấn đề này, bà Vương Thủy Tiên, đại diện Công ty Tài chính Home Credit cũng cho rằng, các tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận với khách hàng thể hiện mức lãi suất theo tỷ lệ %/tháng hoặc tỷ lệ %/ngày trên hợp đồng cho vay. Thỏa thuận này hoàn toàn không làm thay đổi bản chất của lãi suất, không trái luật và thuận tiện cho khách hàng theo dõi. Do vậy, để đảm bảo tính linh hoạt, bà Tiên đề xuất, Dự thảo Thông tư cần cho phép CTTC và khách hàng thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng mức lãi suất có thể theo tỷ lệ % trên ngày hoặc trên tháng hoặc trên năm.
http://baodautu.vn/