Về U Minh Hạ săn “lộc rừng” đặc sánh, bán chơi cũng có tiền triệu
- Thứ năm - 30/01/2020 21:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mật ong U Minh Hạ nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng mật hảo hạng, để lâu năm không đổi màu, không biến chất và không bị đọng đường, mang hương vị đặc biệt của hoa tràm. Mật ong ở rừng U Minh Hạ được người dân ví như “lộc rừng” quý giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng.
Gác kèo ong là nghề truyền thống ở Cà Mau vửa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Chúc Ly.
Tại đây, nhờ điều kiện sinh trưởng tốt nên các tổ ong thường rất to, có tổ dài hơn 1m, mỗi tổ ong có trung bình từ 3-5 lít mật, có khi cả chục lít. Đây cũng là nguồn lợi tự nhiên mang lại thu nhập cao cho nhiều người thợ chuyên nghề gác kèo ong.
Mới đây, nghề truyền thống gác kèo ong thuộc huyện U Minh được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vào những ngày này, những người theo nghề càng phấn khởi khi giá mật ong được bán với giá cao.
Dụng cụ để đi lấy mật ong trông rừng gồm một chiếc gùi, thùng, thau, đuốc, hộp quẹt, dao. Ảnh: Chúc Ly.
Người dân di chuyển vào rừng lấy mật bằng xuồng máy - một phương tiện di chuyển trên sông nước. Ảnh: Chúc Ly.
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử DANVIET.VN, ông Trần Văn Nhì (thành viên hợp tác xã 19/5, ngụ ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), người có hơn 44 năm kinh nghiệm trong nghề ăn ong, chia sẻ: “Việc ăn ong lấy mật là nghề truyền thống của nhiều xã viên. Nhờ có kinh nghiệm nên việc ăn ong lấy mật đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ. Tại đây, mật ong lấy về được bán lại ngay, có khi không đủ bán, nên chúng tôi không cần phải pha loãng mật”.
Việc gác kèo để ong đến làm tổ nhiều hay ít đều do kinh nghiệm. Khi xác định được kèo ong có mật, người ăn ong đốt đuốc để ong say khói và lấy mật. Ảnh: Chúc Ly.
Một tảng ong chứa đầy mật vừa được cắt xuống từ tổ ong. Ảnh: Chúc Ly.
Theo ông Nhì, mật ong mùa này là thơm ngon nhất năm, mật có màu vàng sậm, đặc sánh; còn ở mùa mưa do hoa tràm dính nước nên mật loãng hơn.
Thông thường, sau khoảng 15-20 ngày kể từ khi ong xuống làm tổ sẽ cho đợt mật đầu tiên. Sau đó, cứ khoảng hơn 10 ngày lấy được 1 đợt mật. Mật ong rừng U Minh Hạ có 2 mùa, mùa nước (mua mưa) và mùa hạn. Mật ở mùa nước bắt đầu từ cuối tháng 5 đến khoảng tháng 8 âm lịch, mùa hạn bắt đầu từ khoảng tháng 10 đến tháng 3 âm lịch.
Ông Nhì người có hơn 44 năm kinh nghiệm trong nghề ăn ong cho biết, những người thợ ăn ong ở U Minh luôn trân trọng và gìn giữ thương hiệu mật ong rừng U Minh Hạ. Ảnh: Chúc Ly.
Mật ong lấy về được vắt ngay. Ảnh: Chúc Ly.
Nhờ chất lượng mật hảo hạng, sánh đặc, vàng ươm hiện mật ong được bán với giá khoảng 500.000 đồng/lít mùa mưa, 600.000 đồng/lít ở mùa hạn. Ảnh: Chúc Ly.
Hiện, mỗi năm ông Nhì có thể thu về từ 500-600 lít mật ong. Mật trong mùa nước thường loãng hơn mùa khô nên có giá thấp hơn với khoảng 500.000 đồng/lít, còn mùa hạn thì có giá 600.000 đồng/lít. Từ nghề gác kèo ong mỗi năm gia đình ông Nhì thu về hàng trăm triệu đồng.
Theo Chúc Ly/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/ve-u-minh-ha-san-loc-rung-dac-sanh-ban-choi-cung-co-tien-trieu-1053938.html