Về nơi "đàn trời thánh thót"... nghe chuyện "mực nhảy" ở Thiên Cầm
- Thứ tư - 06/06/2018 04:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ một "đàn trời thánh thót"...
Sáng tháng năm này, mặt trời thức dậy sớm hơn mọi ngày. Mới tám giờ sáng nhưng bãi biển Thiên Cầm đã nườm nượp du khách ra biển tắm. Những chú bé, khi nhìn con sóng từ ngoài khơi tung tăng như đàn cừu chạy vào bờ, vỗ tay reo thích thú. Một số cậu bé hiếu động, bày ra đủ các trò chơi như xây lâu đài trên cát, đuổi bắt dã tràng.
Thú vui thể thao trên bãi biển Thiên Cầm |
Từ đầu bãi đến cuối bãi, không chỗ nào vắng bóng những trò chơi trẻ con. Vài cặp vợ chồng ngoại quốc đeo kính râm đang gối đầu trên chiếc phao bơi, thân thể choài ra giữa bãi cát vàng đón nắng sớm ngon lành. Các cô gái trẻ nũng nịu với chàng trai, tạo dáng chụp hình. Dường như các cặp uyên ương đều muốn tranh thủ ghi lại tất cả trời mây, biển biếc Thiên Cầm để làm kỷ niệm.
Một chàng trai Hà Nội xuýt xoa với bạn: “Chưa bao giờ mình được thưởng ngoạn vẻ đẹp mùa hè với không khí trong lành yên tĩnh như ở đây”.
Từ bao đời nay, địa danh Thiên Cầm đã gắn tên tuổi với làng Nhượng Bạn. Một làng nghề đánh bắt cá truyền thống và có nhiều hải sản ngon nổi tiếng đất Hà Tĩnh, từ những thế kỷ trước. Trời đất đã kiến tạo cho làng Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên ngày nay) một vị trí khá huyền diệu: “Trên Đàn Trời thánh thót. Dưới Đầu Voi đứng chầu”.
“Đàn Trời” tức là ngọn núi Thiên Cẩm, dân làng Cẩm Nhượng thường gọi Rú Cùm. Núi Thiên Cầm, vừa là kho cổ tích, vừa là pho sử thi tráng kiệt của bao anh hùng đứng lên dựng nước và giữ nước. Cụ Nguyễn Quốc Khuyên, người cao tuổi ở làng biển Cẩm Nhượng, nhắc lại rằng: Vào đời vua Hùng thứ 13, trong cuộc tuần du phương Nam, khi vua tới đất này, chợt nghe gió nồm trên chóp núi gần biển thổi, ngân lên hay như tiếng đàn trời. Vua bèn đặt tên cho ngọn núi này là Thiên Cầm. Trải qua bao phong ba bão táp, núi Thiên Cầm lại lớn hơn, cao hơn giữa cuộc đời, giữa lòng người. Những du khách leo lên đỉnh Thiên Cầm thưởng ngoạn cảnh quan và thả hồn bay theo tiếng đàn trời thánh thót. Dần dần những dấu chân nhỏ ấy đã trở thành lối mòn kỷ niệm. Đứng từ trên đỉnh núi Thiên Cầm, với tầm mắt phóng khoáng, du khách khá mãn nguyện khi được chiêm ngưỡng: hòn Chụp Mẹ, Chụp Con, hay Hòn Én, Hòn Muỗng từ đảo Lan Châu.
Nơi biển một bên và núi một bên, chắc hẳn ai đã một lần đến sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị. Họ tới Thiên Cầm, tâm hồn họ sẽ phong phú hơn lên, khi họ được trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hóa lịch sử dân tộc, những giá trị văn hóa tâm linh mà người dân xứ biển đã nâng niu, gìn giữ tự bao đời.
... đến chuyện bà chủ “hút” khách bằng “mực nhảy”
Biển Thiên Cầm về đêm |
Trong la liệt quán hàng hải sản được dựng lên dọc bờ biển Thiên Cầm, tôi mạnh dạn ghé vào xem thực đơn của bà chủ quán đông khách nhất nơi đây.
Chợt nghe một hành khách nói: “Mực nhảy bà Hiền ngon ra phết đấy. Bà bảo nhân viên làm cho đám nhậu này một đĩa nữa để uống bia nhé”.
Tôi liếc nhìn tấm biển của nhà hàng “Hiền Phương”, bà chủ quán năm nay khoảng ngoài tuổi bốn mươi, cả hai vợ chồng đều kinh doanh hải sản. Thực đơn bà Hiền trưng lên đủ các loại để chiều khách: mực nhảy, ghẹ đỏ, mực một nắng, mực tươi, mực khô, tôm sú, cá chim, cá vược, sò hấp, ốc hương, cua gạch. Lại còn có thêm cả vị hến, nhâm nhi cùng bánh đa vừng nổi tiếng nữa.
Nhưng theo bà Hiền cho biết: Món ăn khách chuộng nhất của nhà hàng bà hiện nay là mực nhảy. Bà Hiền kể: Tôi làm nghề kinh doanh các món ăn hải sản, nên tôi thường hay tìm hiểu những món ăn vừa ngon, vừa bổ, đặc biệt là sạch và hợp với túi tiền của họ. Sau khi nắm được thông tin mực nhảy tại khu vực biển Vũng Áng đang trở thành món hải sản hấp dẫn khách du lịch nhất hiện nay, bà Hiền bàn với chồng mình là Đặng Thế Phương, cất công đi tìm hiểu. Qua tham khảo, 2 vợ chồng mới đầu đều ái ngại, bởi tuy cùng giống mực nhưng khu vực này lại có khí hậu và địa hình khác nhau.
Dân kinh doanh hải sản ở Vũng Áng thường nuôi giữ được mực tốt, vì ở Vũng Áng có vịnh nước sâu. Nhờ thế, sóng nhẹ không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của loài mực lúc mới câu về. Còn ở Thiên Cầm, biển sóng lớn. Nếu không biết cách bảo quản, mực rất dễ chết yểu. Nhưng trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày, cái gì cũng sợ sệt và chán nản cả, thì khó thành công lắm. Bà Hiền động viên chồng mạnh dạn làm thử xem sao, nếu “thua keo này ta bày keo khác”.
Lần đầu tiên, vợ chồng bà Hiền mua 1 yến mực về, nhưng chỉ sau vài giờ, hàng trăm con mực đang tung tăng bỗng chết không còn một mống. Sang lần thứ hai, bà Hiền mua 1 yến nữa, mẻ mực này cũng “lặp lại” tình cảnh như cũ. Nhưng từ lần thứ hai, vợ chồng bà Hiền rút ra được bài học kinh nghiệm, do bể chật, nước biển sử dụng để nuôi mực trong bể lại chưa sạch.
Sau đó, bà Hiền nhanh chóng cải tiến lại bể chứa, lấy nguồn nước biển từ ngoài khơi thật sạch, thật trong, số lượng mực câu về mỗi lần cho vào bể chỉ khoảng từ 5-7kg. Quả nhiên, vợ chồng bà Hiền đã thành công trong món kinh doanh “mực nhảy” này. Thấy vợ chồng bà Hiền làm được, những người kinh doanh hải sản khác cũng làm theo.
Tôi hỏi bà Hiền: Chế biến mực nhảy để phục vụ khách có cầu kỳ lắm không?
Bà Hiền trả lời : Mọi thứ đều đơn giản thôi. Cách gì cũng chiều theo ý khách, khách ưng luộc có món luộc, khách thích mực hấp bia, ăn gỏi cũng đều có ngay. Mực nào, cũng cho lửa lên bằng than hoa cả!.
Theo bà Hiền, quán bà và nhiều quán khác nữa kinh doanh “mực nhảy” mới chỉ hơn một tháng thôi, nhưng món “mực nhảy” vẫn là món khách du lịch, nghỉ dưỡng ưa chuộng nhất. Những ngày cao điểm, chỉ riêng quán bà số khách ăn "mực nhảy" đông tới 80 người.
Khai thác ngư trường, điểm tựa cho du lịch biển
Biển Thiên Cầm là điểm đến lý tưởng của du khách |
“Mặc nguồn khai thác hải sản có thấp hơn so với mọi năm, nhưng nhờ chính sách kích cầu của nhà nước, nên ngư dân làng biển Cẩm Nhượng, vẫn phấn khởi ra khơi vào lộng. Đối với Cẩm Nhượng, nghề biển không chỉ là cuộc mưu sinh của ngư dân để ổn định cuộc sống hàng ngày cho mỗi gia đình, mà chính là điểm tựa cho du lịch biển nữa.”, ông Nguyễn Sĩ Huyền, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho hay.
Đã nhiều lần, tôi thâm nhập làng biển Cẩm Nhượng, nên vỡ lẽ ra điều ông Huyền nói rất có lý. Bởi Cẩm Nhượng có diện tích đất canh tác nông nghiệp ít, dân sống chủ yếu bằng nghề chài lưới và làm dịch vụ bằng chế biến hải sản như nước mắm, ruốc, cá nướng, cá khô, mực khô...
Khi cuộc sống càng văn minh, thì du lịch nghỉ dưỡng lại càng được nhiều người chú trọng và là nhu cầu thiết yếu của con người.
Ý thức được điều này nên người dân Cẩm Nhượng dù khó khăn nhưng vẫn dẻo dai bám biển, trau dồi kinh nghiệm đánh bắt, đoàn kết, hợp tác với nhau, trong từng chuyến đi biển. Biết vượt qua những biến cố bất ngờ thường ngày. Nhiều năm qua, các chủ thuyền ở làng biển Cẩm Nhượng, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cấp phương tiện đánh bắt hiện đại. Phối hợp tốt với các dịch vụ vệ tinh trên bờ, để phục vụ tốt về lương thực, thuốc men, nhiên liệu, ánh sáng, ngư cụ, vật dụng bảo quản hải sản.
Ông Phạm Quang Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, nhận định: “Nghề biển truyền thống Cẩm Nhượng, thực sự tạo nên cú hích lớn cho du lịch Thiên Cầm phát triển. Dân no, dân ấm, dân yên thì mọi việc đều sáng sủa, kinh tế biển sẽ phất cao hơn”.
Thực tế, tín hiệu vui đã được hiện rõ: Năm 2018, tàu đánh bắt xa bờ ở làng biển Cẩm Nhượng, đã phát triển tới 245 đội thuyền, có công suất 90CV trở lên. Riêng tàu đánh bắt của ông Tôn Đức Vinh, phương tiện khá hiện đại với công suất 820CV. Đội tàu ông Vinh chuyên đánh bắt xa bờ dài ngày, trung bình mỗi chuyến tàu của ông cho thu hoạch hơn 1 tấn cá thu. Mỗi năm, đội tàu này đánh bắt đạt xấp xỉ 50 tấn cá thu. Nhờ có nguồn hải sản của các chủ thuyền đánh bắt khá ổn định, nên nghề dịch vụ trên bờ ở làng biển Cẩm Nhượng vẫn duy trì và phát triển tốt.
Chị Nguyễn Thị Thu, chủ nhiệm một HTX chế biến hải sản nơi đây cho biết: Cách đây vài năm, cơ sở sản xuất của chị gặp không ít khó khăn cả thu mua nguyên liệu chế biến và sản phẩm đầu ra. Nhưng từ cuối năm 2017 lại nay, cơ sở sản xuất của chị đã bắt đầu khấm khá. Hiện nay, ngoài địa điểm sản xuất cũ, chị Thu còn mở rộng thêm diện tích mới là 400m2, bố trí 20 lao động nữ có việc thường xuyên. Sản phẩm chế biến của chị Thu, gồm: Ruốc chua, cá thu, mực một nắng, nước mắm ngon… Các sản phẩm này, không chỉ có mặt xa gần trên thị trường, nó còn chiếm lĩnh được cả khách du lịch.
Ngoài cơ sở chế biến này, còn các cơ sở khác như: Thanh Sang, Tuệ Lan, Sương Chung, Quyền Tý, cũng đều là những cơ sở chế biến hải sản chất lượng cao. Năm 2018, mô hình tư nhân làm kinh tế ở đây đang có chiều hướng phát triển. Hiện tại, Cẩm Nhượng đã có 6 cơ sở tư nhân đứng ra thành lập 6 công ty, và xây dựng được 13 HTX chế biến hải sản.
Bức tranh du lịch tương lai, chắc chắn sẽ rõ ràng hơn, từ những điều mà tôi được mắt thấy, tai nghe khi trở lại Thiên Cầm.
Hà Tĩnh, tháng 5/2018
Theo Infonet