Vị ngọt cam sành Bắc Quang

Vị ngọt cam sành Bắc Quang
Nhờ sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương, nhất là sự thay đổi tư duy sản xuất của nhà vườn, những năm gần đây, diện tích cam sành tại huyện Bắc Quang (Hà Giang) trồng theo quy trình VietGAP liên tục tăng.

Kéo theo đó, năng suất, chất lượng, giá bán và lợi nhuận cũng cao hơn. Từ cây cam, hàng trăm hộ dân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

1.jpg
Việc sản xuất cam theo quy trình VietGAP đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

Hiệu quả từ trồng cam VietGAP

Niên vụ 2018 - 2019, huyện Bắc Quang (Hà Giang) có 5.593ha cam, sản lượng ước đạt 39.736 tấn. Trong đó, có 2.291ha cam trồng theo quy trình VietGAP. So với sản xuất truyền thống, năng suất cam VietGAP cao hơn 20-40 tạ/ha, giá trị cao hơn 30-40%. Đặc biệt, cam trồng theo hướng thâm canh đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của Bắc Quang.

Điển hình như hộ anh Hoàng Quyết Thắng, ở thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, có 8ha cam (5,5ha cho thu hoạch, 2,5 ha trồng mới) thì có 4ha được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng thu hoạch bình quân 4 năm trở lại đây đạt 120 tấn/năm. Thu nhập bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 800 triệu đồng. Theo anh Thắng, trồng cam theo quy trình VietGAP, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, quả to, đẹp, khá đồng đều, kéo theo đó giá bán cũng tăng lên.

Ông Hoàng Văn Nhiên, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo, cho biết: Xã hiện có 960ha cam, năng suất ước đạt 130 tạ/ha, sản lượng khoảng 9.000 tấn. Cam hiện là cây trồng mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững, hướng tới sản xuất cam sạch thông qua xây dựng các tổ, hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Nhiên, nhờ được tập huấn, hướng dẫn sản xuất cam theo quy trình VietGAP, nhận thức của nhà vườn đã có sự thay đổi. Trước đây, người dân dùng nhiều loại thuốc, dùng một cách bừa bãi, thì giờ đây, bón phân, dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, đặc biệt là loại bỏ thuốc trừ cỏ trong trồng cam.

“Hiện, 100% số hộ trồng cam trong xã cam kết sản suất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đầu vụ 2018, cam được bán với giá 8.000 đồng/kg, nhà vườn thu lãi 3.000 đồng/kg; cuối vụ có thể lên tới 30.000 đồng/kg”, ông Nhiên nói.

Khác với những loại cam khác, cam Hà Giang quả to, tròn, vỏ sần sùi, cho vị ngọt thanh, mọng nước, có mùi đặc trưng của cam sành. Vì có cùi dày nên loại cam này có thể để được đến 20 ngày mà không bị hỏng.

Từ trồng cam, hàng trăm hộ dân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, hàng chục hộ có thu trên 1 tỷ đồng/năm, cá biệt có hộ thu nhập đến 3 - 4 tỷ đồng/năm. Đến nay, Vĩnh Hảo đã đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm

Để quản lý tốt công tác sản xuất cam, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang đã phối hợp với các đơn vị, huyện, thành phố thành lập Hiệp hội Cam sành và chỉ đạo thành lập 69 tổ sản xuất, HTX sản xuất cam VietGAP tại mỗi vùng chứng nhận, quản lý và xây dựng chỉ dẫn địa lý, đồng thời quản lý tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên thị trường.

Bên cạnh đó, Hà Giang tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, đốn tỉa tạo tán, cải tạo vườn già cỗi, sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,...

4.jpg
Từ trồng cam, hàng trăm hộ dân tại xã Vĩnh Hảo có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cam  2018 - 2019, UBND huyện Bắc Quang đã chỉ đạo Phòng Công Thương, Hội Người trồng cam của huyện tăng cường quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tiêu thụ cam cho nhà vườn.

Theo ông Hà Mạnh Thắng, Trưởng phòng Công Thương huyện Bắc Quang, huyện đã và sẽ có nhiều hoạt động để quảng bá như: Thi người trồng cam giỏi, Thi hái cam nhanh, Thi cách trồng cam cho hiệu quả kinh tế cao, Hội chợ cam Sành,... Huyện sẽ mời các thương nhân, doanh nghiệp, đại diện các siêu thị trong nước tham dự để ký kết hợp đồng tiêu thụ cam cho nông dân. Đặc biệt, huyện sẽ dành một phần kinh phí để hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ cam trong mùa thu hoạch tới đây.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang, cho biết, hiện nay, định hướng của tỉnh là ổn định và bảo vệ diện tích cam hiện có; tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất, đi sâu vào chất lượng, giữ vững thương hiệu. Đồng thời, xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để cam Hà Giang có sức lan tỏa trong cả nước và hướng tới xuất khẩu; xây dựng chính sách hỗ trợ tiêu thụ cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất cam.

Từ nay đến cuối năm, Hà Giang sẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam tại thị trường lớn như Hà Nội, nhằm giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng Thủ đô đặc sản cam sành Bắc Quang. Các ngành của tỉnh đang phối hợp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đưa sản phẩm cam Hà Giang tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm ở các tỉnh, thành trong thời gian tới…

Được biết, ngày 31/10/2018, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch tổ chức Tuần lễ Cam sành, đặc sản tỉnh Hà Giang năm 2018. Theo đó, sẽ tổ chức tuần lễ này từ ngày 19/12 - 25/12/2018, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Trong thời gian này, cam sành và nhiều mặt hàng đặc sản của Hà Giang sẽ được trưng bày, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Tin tưởng rằng, với những kết quả đạt được cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của chính quyền địa phương, một mùa cam ngọt nữa sẽ đến với người dân huyện Bắc Quang.

Hà Giang hiện có trên 8.700ha cam (6.729ha cam sành, 1.988ha cam Vinh và số giống cam khác), trong đó có 5.189ha cam cho thu hoạch, sản lượng ước đạt  63.000 tấn.

2.776ha cam được cấp chứng nhận VietGAP (đầu tháng 12/2018, sẽ cấp mới thêm 771,6ha - PV). Sản lượng cam VietGAP ước khoảng  35.000 tấn.

Cây cam mang lại giá trị ước trên 600 tỷ đồng.

 Hoàng Văn/ Kinh tế nông thôn