Vì sao nguyên Phó GĐ Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia bị bắt?
- Thứ ba - 28/04/2015 10:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 27/4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với Phạm Trung Hòa (SN 1972, trú tại phố Định Công Thượng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia (Trung tâm KKNPB); Vũ Tuấn Linh (SN 1975, trú tại phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội), nguyên Phó trưởng phòng Trung tâm KNPB và Phan Thị Quỳnh Hương (SN 1968, trú tại phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), nguyên cán bộ Trung tâm KKNPB.
Các bị can này bị cáo buộc về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 281 BLHS. Các quyết định và lệnh nêu trên đã được Viện KSND Tối cao phê chuẩn để phục vụ cho công tác điều tra mở rộng vụ án.
Thông qua công tác nghiệp vụ của một số đơn vị thuộc Bộ Công an đến nay đã đủ căn cứ xác định các bị can có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Do vậy, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 3 bị can, đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn như nêu trên. Hành vi vi phạm của các đối tượng xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh, thành khác.
Thông tin ban đầu cho biết, Trung tâm KKNPB trực thuộc Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập từ 2012. Trung tâm này được chỉ định hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận hợp quy chất lượng phân bón.
Từ tháng 12/2012 đến tháng 1/2014, Trung tâm KKNPB đã ký hơn 90 hợp đồng chứng nhận chất lượng hợp quy phân bốn với các khách hàng là doanh nghiệp cho hơn 900 sản phẩm và đã cấp gần 800 giấy chứng nhận hợp quy cho khách hàng. Qua đó đã thu hơn 1,5 tỉ đồng trong tổng số hợp đồng đã ký là hơn 1,8 tỉ đồng.
Trong quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận hợp quy phân bón, 3 bị can nêu trên đã không thực hiện đúng theo quy định về trình tự, thủ tục khảo nghiệm phân bón nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận để thu tiền.
Cụ thể, 3 bị can đã không tiến hành lấy mẫu, không đánh giá sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật đối với 7 loại sản phẩm phân bón, trong đó có 6 sản phẩm của Công ty Phân bón Sông Lam, 1 sản phẩm của Công ty Sinh hóa FPC nhưng vẫn lập khống hồ sơ lấy mẫu, biên bản kiểm tra đánh giá và liên hệ với các đối tượng thuộc phòng nghiên cứu khoa học đất để lập khống nhiều phiếu kết quả phân tích, thử nghiệm.
Trong đó có 5 sản phẩm của Công ty Ban Mai, 6 sản phẩm của Công ty Phân bón Sông Lam. Đồng thời sử dụng hơn 150 phiếu kết quả phân tích của Trung tâm Nghiên cứu đất phân bón và môi trường phía nam, Đơn vị chưa được chỉ định công nhận là phòng kiểm nghiệm phân bón để làm căn cứ cấp giấy chứng nhận hợp quy…
Ngoài ra, trong số hơn 90 bộ hợp đồng chứng nhận hợp quy đã thực hiện còn có gần 20 bộ hồ sơ hợp đồng chứng nhận hợp quy không có biên bản lấy mẫu và biên bản kiểm tra sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
Qua công tác điều tra, các cơ quan tố tụng còn làm rõ từ năm 2011, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng khảo nghiệm phân bón với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia (thuộc Cục Trồng trọt) để thực hiện việc khảo nghiệm cho các sản phẩm phân bón của một số công ty.
3 bị can nêu trên còn có hành vi thực hiện không đúng quy định về việc khảo nghiệm phân bón nhưng vẫn cấp chứng nhận cho 16 loại phân bón mới cho các doanh nghiệp.
Các sản phẩm này sau đó đã được các doanh nghiệp đưa vào sản xuất kinh doanh nhưng đến tháng 6/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua thanh tra phát hiện có sai phạm và kết luận 16 sản phẩm phân bón chưa được tiến hành khảo nghiệm nên loại khỏi danh mục phân bón được sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Việc làm của các bị can đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng.
PV
Theo baodientu.chinhphu.vn