Vì sao nông dân quay lưng với đồng ruộng?
- Chủ nhật - 20/10/2013 00:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Càng làm ruộng càng nghèo
Xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) là nơi có nhiều nông dân bỏ ruộng nhất. Xã này có tổng diện tích đất tự nhiên 767,7ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 395,5ha. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, gần 30ha đất sản xuất nông nghiệp của xã đang bị bỏ hoang, trong đó tập trung nhiều nhất ở làng Ngọ và làng Sơn. Theo ông Hoàng Văn Thiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, sở dĩ người dân trong xã quay lưng với ruộng đồng như vậy bởi ở đây có nghề rèn sắt mang lại công việc và thu nhập cao. Bà Trịnh Thị Quyền - thôn Sơn xã Tiến Lộc cho hay mấy năm nay năm nào làm ruộng cũng lỗ. Chi phí từ công làm đất đến cấy hái, gặt, tuốt lúa và phân bón, giống đã cao hơn cả tổng thu nhập từ sào ruộng mang lại.
Không chỉ tại Thanh Hóa, nhiều vùng quê phía Bắc đang chứng kiến cảnh nông dân bỏ ruộng. Theo Bộ NNPTNT, việc bỏ hoang ruộng đất đã xảy ra ở một số tỉnh. Trước năm 2011, hiện tượng bỏ hoang ruộng đã xảy ra ở một số tỉnh như: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh... nhưng chủ yếu là ở địa bàn xung quanh các doanh nghiệp, khu cụm công nghiệp, do đất bị chia nhỏ không đủ canh tác và chất lượng đất cũng không còn tốt khi ở gần các nhà máy này. Hiện nay, tình trạng bỏ hoang ruộng đất đang mở rộng ra các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…
Ước tính hiện nay, số diện tích ruộng bị bỏ hoang bình quân mỗi tỉnh khoảng 100ha, tỉnh nhiều như Hải Dương là trên 200ha. Con số này có xu hướng tăng lên và diện tích ruộng bị trả chủ yếu là ruộng làm 2 vụ lúa hoặc 2 lúa 1 màu. Trong vòng 5 năm qua, diện tích đất nông nghiệp thu hồi trên toàn quốc lên tới hơn 154.000ha, đồng nghĩa việc diện tích đất trồng lúa giảm 7,6%. Chỉ tính riêng vùng Đồng bằng sông Hồng và miền Trung đã có 6 tỉnh xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng hoặc trả lại ruộng với diện tích lên tới 1.000ha.
Qua khảo sát của Bộ NNPTNN, nguyên nhân chính khiến người nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng, ngay cả tại khu vực đông dân và đất ít như Đồng bằng sông Hồng, là do người dân có những công việc khác thay thế cho việc làm nông nghiệp và cho thu nhập cao hơn. Với giá thuê nhân công từ 150.000 -200.000 đồng/ngày thì thu nhập bình quân một tháng cũng được từ 2,5 - 3 triệu đồng.
Trong khi đó, chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp khá cao nên làm nông nghiệp chẳng thu về được bao nhiêu. Ông Nguyễn Xuân Nhị - thôn Đông Văn, xã Quảng Đông, Quảng Xương ghi chép cụ thể mỗi sào ruộng (500m2) ông phải chi: Giống 100.000; công cày bừa: 250.000đ, công cấy: 300.000đ, đạm, lân kali: 550.000đ, gặt lúa, chở lúa về, tuốt lúa: 400.000. Tổng chi hết 1.400.000 đồng.
Tổng thu của ông từ mỗi sào ruộng trên chỉ được 2 tạ, bán với giá chưa đến 700.000đồng/tạ thì làm ruộng chẳng những không có lãi mà còn lỗ. Chưa kể hàng loạt khoản phải đóng góp cho hợp tác xã, ủy ban xã và tổ chức xã hội khác. Thêm vào đó, giá vật tư nông nghiệp tăng quá cao, trong khi giá thành sản phẩm lại quá thấp, đầu ra bấp bênh.
Thu nhập thấp trong khi các khoản đóng góp ở nông thông như: Tiền bảo vệ đồng ruộng, giao thông nông thôn, kênh mương, vệ sinh môi trường… khá cao và được tính theo đầu sào cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người dân có tâm lý trả lại ruộng. Ông Nhị kết luận: “Gắn bó với ruộng thì phải làm, bỏ ruộng là có tội với tổ tiên, nhưng càng làm càng lỗ thế này thì ai còn mặn mà”.
Cục Trồng trọt cũng cho biết, hiện tốc độ tăng trưởng của ngành trồng trọt đang có xu hướng suy giảm về giá trị, năng suất cây trồng đạt thấp. Công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch rất hạn chế, chủ yếu dừng ở việc xuất khẩu nông sản thô - chính những điều này không tạo ra giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất thấp, đồng nghĩa với việc thu nhập của nông dân và doanh nghiệp chưa cải thiện.
Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận: “Trong một thời gian dài, ngành nông nghiệp đã tập trung quá nhiều về việc tăng số lượng nhưng lại ít quan tâm đến chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản. Chúng ta đã kéo dài mô hình tăng trưởng dựa trên hộ sản xuất nhỏ lẻ. Khoa học công nghệ chưa chú trọng đến chất lượng, thực tế là có nhiều giống cây trồng đã nghiên cứu chứng minh có chất lượng, song chưa đưa vào sản xuất rộng rãi. Nông dân vẫn nghèo và thiếu ăn trên chính mảnh đất của mình, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc”.
Đột phá nào cho nông dân?
Chính những lý do trên, đề án tái cơ cấu nông nghiệp mà Bộ NNPTNT công bố mới đây đã “khoanh vùng” trọng tâm, đó là tập trung giải quyết vấn đề về sử dụng hợp lý hơn nữa quỹ đất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho nông dân. Với mục tiêu tổ chức lại sản xuất theo hướng chú trọng khoa học công nghệ, tăng giá trị gia tăng.
Theo Bộ NNPTNT, đề án nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất chất lượng, tạo ra giá trị gia tăng cao nhất cho nông dân. Trong đó, 3,8 triệu ha diện tích đất lúa duy trì nhiều năm nay sẽ có sự thay đổi linh hoạt như giảm diện tích gieo trồng lúa ở những vùng sản xuất kém hiệu quả. Thay vào đó là các cây trồng khác cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Lựa chọn cây trồng nào phù hợp sẽ do các địa phương chủ động quyết định và định hướng cho bà con.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát thì thay vì trồng lúa chỉ mang lại 60 triệu/ha mỗi năm thì nhiều mô hình khác có thể cho giá trị kinh tế cao hơn, thậm chí có nơi tạo ra hàng trăm triệu trên chính mảnh đất trồng lúa. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ giữa các nông hộ nhỏ lẻ để tạo nên các tổ đội, hợp tác xã…
Như vậy, ngành nông nghiệp đang “lộ diện” quyết tâm thay đổi tình thế của nông dân với mục tiêu nâng cao thu nhập cho bà con. Những vùng đất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sẽ được định hướng bằng cây trồng cho giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, Bộ sẽ có nhiều chính sách ưu đãi hơn đối với DN nhằm thu hút họ tham gia vào sản xuất kinh doanh cùng nông dân bằng các hình thức liên kết, tạo sự ổn định đầu ra cho nông dân.
Để làm được điều này, cần nhất là sự quyết tâm của từng địa phương và của chính người nông dân. Chính quyền xã Tiến Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) nhiều năm nay đã làm đủ mọi cách vận động bà con làm ruộng, kể cả việc hỗ trợ máy cày bà con vẫn không mặn mà. Nhiều thôn xóm ra sức vận động nhân dân dồn điền đổi thửa cho sản xuất lớn nhưng đang gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng nào thật cụ thể. Trước mắt huyện Hậu Lộc đang kêu gọi các DN, cá nhân có nhu cầu năng lực đầu tư sản xuất trên đồng ruộng. Hiện DN phân bón Tiến Nông (Thanh Hóa) đã đặt vấn đề trồng lúa giống trên đất Tiến Lộc. Huyện rất ủng hộ việc này. Cùng với đó, huyện sẽ hỗ trợ nông dân 500.000đ/sào theo chính sách của Nhà nước.
Về lâu dài, theo nhiều địa phương, phương án linh hoạt sử dụng đất lúa sẽ phù hợp với điều kiện khó khăn hiện tại của nhiều nông dân, khi mà họ không muốn giữ diện tích đất lúa vì càng làm càng lỗ. Về điều này, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: “Mục tiêu lớn nhất của đề án chính là tăng thu nhập cho nông dân, thông qua việc cơ cấu linh hoạt hơn quỹ đất lúa sẽ là cơ hội cho nông dân đi theo tín hiệu thị trường. Làm được điều này thì cần phải thu hút sự tham gia của khối DN”.
Theo ông Sơn, DN sẽ là cầu nối giữa sản xuất với thị trường. Chính DN sẽ cùng nông dân đầu tư vào sản xuất và kinh doanh bên cạnh dòng vốn của nhà nước, đồng thời chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản xuất. Cũng theo ông Đặng Kim Sơn, những chính sách thu hút DN đầu tư vào khu vực nông thôn đang được liên Bộ KHĐT và Công thương xây dựng hệ thống. Tuy nhiên, muốn thật sự có đột phá cho DN, ông Sơn cho rằng cần tính toán kỹ các phương án giảm thuế, miễn thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng và các chính sách bảo hiểm để mời gọi sự chú ý của DN.
Xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) là nơi có nhiều nông dân bỏ ruộng nhất. Xã này có tổng diện tích đất tự nhiên 767,7ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 395,5ha. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, gần 30ha đất sản xuất nông nghiệp của xã đang bị bỏ hoang, trong đó tập trung nhiều nhất ở làng Ngọ và làng Sơn. Theo ông Hoàng Văn Thiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, sở dĩ người dân trong xã quay lưng với ruộng đồng như vậy bởi ở đây có nghề rèn sắt mang lại công việc và thu nhập cao. Bà Trịnh Thị Quyền - thôn Sơn xã Tiến Lộc cho hay mấy năm nay năm nào làm ruộng cũng lỗ. Chi phí từ công làm đất đến cấy hái, gặt, tuốt lúa và phân bón, giống đã cao hơn cả tổng thu nhập từ sào ruộng mang lại.
Không chỉ tại Thanh Hóa, nhiều vùng quê phía Bắc đang chứng kiến cảnh nông dân bỏ ruộng. Theo Bộ NNPTNT, việc bỏ hoang ruộng đất đã xảy ra ở một số tỉnh. Trước năm 2011, hiện tượng bỏ hoang ruộng đã xảy ra ở một số tỉnh như: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh... nhưng chủ yếu là ở địa bàn xung quanh các doanh nghiệp, khu cụm công nghiệp, do đất bị chia nhỏ không đủ canh tác và chất lượng đất cũng không còn tốt khi ở gần các nhà máy này. Hiện nay, tình trạng bỏ hoang ruộng đất đang mở rộng ra các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…
Ước tính hiện nay, số diện tích ruộng bị bỏ hoang bình quân mỗi tỉnh khoảng 100ha, tỉnh nhiều như Hải Dương là trên 200ha. Con số này có xu hướng tăng lên và diện tích ruộng bị trả chủ yếu là ruộng làm 2 vụ lúa hoặc 2 lúa 1 màu. Trong vòng 5 năm qua, diện tích đất nông nghiệp thu hồi trên toàn quốc lên tới hơn 154.000ha, đồng nghĩa việc diện tích đất trồng lúa giảm 7,6%. Chỉ tính riêng vùng Đồng bằng sông Hồng và miền Trung đã có 6 tỉnh xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng hoặc trả lại ruộng với diện tích lên tới 1.000ha.
Qua khảo sát của Bộ NNPTNN, nguyên nhân chính khiến người nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng, ngay cả tại khu vực đông dân và đất ít như Đồng bằng sông Hồng, là do người dân có những công việc khác thay thế cho việc làm nông nghiệp và cho thu nhập cao hơn. Với giá thuê nhân công từ 150.000 -200.000 đồng/ngày thì thu nhập bình quân một tháng cũng được từ 2,5 - 3 triệu đồng.
Trong khi đó, chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp khá cao nên làm nông nghiệp chẳng thu về được bao nhiêu. Ông Nguyễn Xuân Nhị - thôn Đông Văn, xã Quảng Đông, Quảng Xương ghi chép cụ thể mỗi sào ruộng (500m2) ông phải chi: Giống 100.000; công cày bừa: 250.000đ, công cấy: 300.000đ, đạm, lân kali: 550.000đ, gặt lúa, chở lúa về, tuốt lúa: 400.000. Tổng chi hết 1.400.000 đồng.
Tổng thu của ông từ mỗi sào ruộng trên chỉ được 2 tạ, bán với giá chưa đến 700.000đồng/tạ thì làm ruộng chẳng những không có lãi mà còn lỗ. Chưa kể hàng loạt khoản phải đóng góp cho hợp tác xã, ủy ban xã và tổ chức xã hội khác. Thêm vào đó, giá vật tư nông nghiệp tăng quá cao, trong khi giá thành sản phẩm lại quá thấp, đầu ra bấp bênh.
Thu nhập thấp trong khi các khoản đóng góp ở nông thông như: Tiền bảo vệ đồng ruộng, giao thông nông thôn, kênh mương, vệ sinh môi trường… khá cao và được tính theo đầu sào cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người dân có tâm lý trả lại ruộng. Ông Nhị kết luận: “Gắn bó với ruộng thì phải làm, bỏ ruộng là có tội với tổ tiên, nhưng càng làm càng lỗ thế này thì ai còn mặn mà”.
Cục Trồng trọt cũng cho biết, hiện tốc độ tăng trưởng của ngành trồng trọt đang có xu hướng suy giảm về giá trị, năng suất cây trồng đạt thấp. Công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch rất hạn chế, chủ yếu dừng ở việc xuất khẩu nông sản thô - chính những điều này không tạo ra giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất thấp, đồng nghĩa với việc thu nhập của nông dân và doanh nghiệp chưa cải thiện.
Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận: “Trong một thời gian dài, ngành nông nghiệp đã tập trung quá nhiều về việc tăng số lượng nhưng lại ít quan tâm đến chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản. Chúng ta đã kéo dài mô hình tăng trưởng dựa trên hộ sản xuất nhỏ lẻ. Khoa học công nghệ chưa chú trọng đến chất lượng, thực tế là có nhiều giống cây trồng đã nghiên cứu chứng minh có chất lượng, song chưa đưa vào sản xuất rộng rãi. Nông dân vẫn nghèo và thiếu ăn trên chính mảnh đất của mình, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc”.
Đột phá nào cho nông dân?
Chính những lý do trên, đề án tái cơ cấu nông nghiệp mà Bộ NNPTNT công bố mới đây đã “khoanh vùng” trọng tâm, đó là tập trung giải quyết vấn đề về sử dụng hợp lý hơn nữa quỹ đất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho nông dân. Với mục tiêu tổ chức lại sản xuất theo hướng chú trọng khoa học công nghệ, tăng giá trị gia tăng.
Theo Bộ NNPTNT, đề án nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất chất lượng, tạo ra giá trị gia tăng cao nhất cho nông dân. Trong đó, 3,8 triệu ha diện tích đất lúa duy trì nhiều năm nay sẽ có sự thay đổi linh hoạt như giảm diện tích gieo trồng lúa ở những vùng sản xuất kém hiệu quả. Thay vào đó là các cây trồng khác cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Lựa chọn cây trồng nào phù hợp sẽ do các địa phương chủ động quyết định và định hướng cho bà con.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát thì thay vì trồng lúa chỉ mang lại 60 triệu/ha mỗi năm thì nhiều mô hình khác có thể cho giá trị kinh tế cao hơn, thậm chí có nơi tạo ra hàng trăm triệu trên chính mảnh đất trồng lúa. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ giữa các nông hộ nhỏ lẻ để tạo nên các tổ đội, hợp tác xã…
Như vậy, ngành nông nghiệp đang “lộ diện” quyết tâm thay đổi tình thế của nông dân với mục tiêu nâng cao thu nhập cho bà con. Những vùng đất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sẽ được định hướng bằng cây trồng cho giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, Bộ sẽ có nhiều chính sách ưu đãi hơn đối với DN nhằm thu hút họ tham gia vào sản xuất kinh doanh cùng nông dân bằng các hình thức liên kết, tạo sự ổn định đầu ra cho nông dân.
Để làm được điều này, cần nhất là sự quyết tâm của từng địa phương và của chính người nông dân. Chính quyền xã Tiến Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) nhiều năm nay đã làm đủ mọi cách vận động bà con làm ruộng, kể cả việc hỗ trợ máy cày bà con vẫn không mặn mà. Nhiều thôn xóm ra sức vận động nhân dân dồn điền đổi thửa cho sản xuất lớn nhưng đang gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng nào thật cụ thể. Trước mắt huyện Hậu Lộc đang kêu gọi các DN, cá nhân có nhu cầu năng lực đầu tư sản xuất trên đồng ruộng. Hiện DN phân bón Tiến Nông (Thanh Hóa) đã đặt vấn đề trồng lúa giống trên đất Tiến Lộc. Huyện rất ủng hộ việc này. Cùng với đó, huyện sẽ hỗ trợ nông dân 500.000đ/sào theo chính sách của Nhà nước.
Về lâu dài, theo nhiều địa phương, phương án linh hoạt sử dụng đất lúa sẽ phù hợp với điều kiện khó khăn hiện tại của nhiều nông dân, khi mà họ không muốn giữ diện tích đất lúa vì càng làm càng lỗ. Về điều này, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: “Mục tiêu lớn nhất của đề án chính là tăng thu nhập cho nông dân, thông qua việc cơ cấu linh hoạt hơn quỹ đất lúa sẽ là cơ hội cho nông dân đi theo tín hiệu thị trường. Làm được điều này thì cần phải thu hút sự tham gia của khối DN”.
Theo ông Sơn, DN sẽ là cầu nối giữa sản xuất với thị trường. Chính DN sẽ cùng nông dân đầu tư vào sản xuất và kinh doanh bên cạnh dòng vốn của nhà nước, đồng thời chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản xuất. Cũng theo ông Đặng Kim Sơn, những chính sách thu hút DN đầu tư vào khu vực nông thôn đang được liên Bộ KHĐT và Công thương xây dựng hệ thống. Tuy nhiên, muốn thật sự có đột phá cho DN, ông Sơn cho rằng cần tính toán kỹ các phương án giảm thuế, miễn thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng và các chính sách bảo hiểm để mời gọi sự chú ý của DN.
Nguồn laodong.com.vn