Vì sao nông nghiệp khó hút vốn?

Vì sao nông nghiệp khó hút vốn?
Trong bối cảnh hội nhập, ngành nông nghiệp vẫn rất khó thu hút vốn đầu tư để cạnh tranh với hàng hóa thế giới sắp tràn vào Việt Nam

 

Ngành nông nghiệp vẫn cần nhiều chính sách thiết thực để thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư và kéo nền sản xuất đi lên khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã cận kề. Đó là mong muốn của nhiều chuyên gia và DN chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư vào nông nghiệp thời TPP do Kênh Thông tin kinh tế - tài chính (CafeF) và Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ngày 21-11 tại TP HCM.

Nhiều khó khăn, ít hỗ trợ

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Vũ Văn Tám, ngành nông nghiệp đang gặp nhiều thách thức khi chất lượng tăng trưởng giảm sút, hiệu quả sản xuất chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng. Năm 2014, toàn ngành xuất khẩu được 31 tỉ USD, là ngành xuất siêu duy nhất nhưng tổng vốn đầu tư xã hội vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 5,4% - 5,6%, trong đó tỉ trọng DN đầu tư vào nông nghiệp chỉ khoảng 1% toàn nền kinh tế; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp cũng rất thấp, chỉ đạt 3,1% về dự án và 1,46% tổng vốn đăng ký.

 

Quá nhiều rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp khiến doanh nghiệp e ngạiẢnh: Ngọc Trinh
Quá nhiều rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp khiến doanh nghiệp e ngạiẢnh: Ngọc Trinh

 

Là chuyên viên Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt, phụ trách mảng nông nghiệp, bà Trần Hải Yến cho rằng thời gian qua, tuy có nhiều tập đoàn lớn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp như: Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Masan, Hòa Phát... nhưng nhìn chung còn rất đơn lẻ. “Hiện số lượng các DN hoạt động thuần túy trong lĩnh vực nông nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ chiếm 3% quy mô toàn thị trường, với khoảng 20 DN. Trong khi đó, một vài DN vừa tham gia đã vội rút khỏi lĩnh vực nông nghiệp như Công ty CP Gemadept, Công ty CP Liên doanh đầu tư Quốc tế...” - bà Yến dẫn chứng.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng ngành nông nghiệp thời gian qua tuy có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư nhưng thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Lớn nhất là về đất đai, DN phải bỏ 2 lần tiền (thỏa thuận đền bù của dân và tiền chuyển đổi mục đích sử dụng) nhưng vẫn không được sở hữu. Về tín dụng thì vướng về điều kiện thế chấp, quỹ bảo lãnh tín dụng hạn chế và các vướng mắc về thuế, thủ tục... khiến họ nản lòng.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển dẫn thêm một khó khăn với DN khi đầu tư vào nông nghiệp là phụ thuộc lớn vào thời tiết và sâu bệnh, trong khi chính sách bảo hiểm với nông nghiệp chưa hình thành đầy đủ.

Chú trọng bài toán an toàn vệ sinh thực phẩm

Ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cho rằng để tồn tại trong hội nhập, các bên liên quan phải tham gia vào chuỗi giá trị, nếu đơn thương độc mã chiến đấu sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Hoàng Anh Gia Lai dự định chuyển giao con giống và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nuôi, khi bò đạt 300 kg, công ty sẽ thu mua về vỗ béo rồi bán ra thị trường. Trước tình hình các hệ thống phân phối bị chi phối bởi các tập đoàn nước ngoài, nếu không liên kết thì không thể nào đáp ứng được tiêu chuẩn họ đưa ra. “Nuôi bò chi phí thấp nhưng tiền vận chuyển từ Tây Nguyên ra đến Hà Nội lên đến 4 triệu đồng/con (gồm phí chính thức và phi chính thức). Do vậy, nhà nước cần đầu tư những trục đường cho phép vận chuyển tải trọng lớn, rút ngắn thời gian để giảm chi phí cho DN và tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm” - ông Sơn kiến nghị.

Theo phân tích của bà Trần Hải Yến, Hoàng Anh Gia Lai là cái tên đáng chú ý nhất trong ngành nông nghiệp với biên độ lợi nhuận rất lớn (30%-40%), vượt xa các DN cùng ngành (từ 10%-20%). Nguyên nhân là do DN này chuyển hướng kịp thời sang nuôi bò khi giá cao su lao dốc từ 5.000 USD/tấn xuống 1.500 USD/tấn. Có được điều này là do sự đầu tư bài bản, dài hạn và sản xuất trên quy mô lớn, kết hợp với việc áp dụng khoa học kỹ thuật triệt để.

Sự thành công của tập đoàn này đã thu hút nhiều DN tham gia, kể cả các DN vừa khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Lê Chí Duy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Sông Trà Quảng Ngãi, cho biết đang triển khai dự án nuôi bò thịt với mức đầu tư khoảng 1 triệu USD tại Quảng Ngãi, quy mô ban đầu dự kiến 300 con. Vì vậy, ông Duy hết sức quan tâm đến việc Hoàng Anh Gia Lai mở rộng liên kết sản xuất với nông dân và DN nhỏ bên ngoài.

Trong khi đó, theo phân tích của Bộ NN-PTNT, khi tham gia TPP, Việt Nam có điều kiện để tăng xuất khẩu các ngành rau quả, thủy sản mạnh nhất, tiếp đó là gạo, cây công nghiệp và gỗ nhờ thuế suất vào các thị trường thành viên giảm mạnh. Do đó, rất cần DN đầu tư vào các lĩnh vực phụ trợ và chế biến sâu để phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Tuyển, thách thức lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi dù thuế về 0%, DN không bảo đảm được yếu tố này thì các nước cũng không đồng ý tiếp nhận nông sản Việt.

 

TS Trần Tiến Khai (Trưởng Bộ môn Kinh tế NN-PTNT, TRƯỜNG ĐH Kinh tế TP HCM):

Tạo điều kiện cho chuỗi cung ứng nội

 

Vì sao nông nghiệp khó hút vốn?
 

 

Các công ty bán lẻ đa quốc gia ngày nay đang hình thành và dẫn dắt các chuỗi cung ứng thực phẩm hiện đại, tạo ra mối liên kết dọc chặt chẽ từ sản xuất đến bán lẻ thông qua các hợp đồng kinh tế. Hệ thống này, nhân danh vì sức khỏe người tiêu dùng đặt ra các tiêu chuẩn riêng về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật... bên cạnh các tiêu chuẩn do nhà nước buộc các nhà sản xuất phải tuân theo. Từ đây, các nhà bán lẻ bắt đầu nắm giữ và khống chế thị trường, kể cả phía cung (nhà cung cấp) và phía cầu (người tiêu dùng). Đây thật sự là “thòng lọng” cho các nhà sản xuất vì đòi hỏi chất lượng cao mà giá phải rẻ.

Nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam nhưng nông sản Việt rất khó chen chân vào do vướng tiêu chuẩn họ đặt ra. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho các chuỗi cung ứng nội phát triển và hỗ trợ sản xuất để không bị loại khỏi thị trường ngay trên sân nhà.

Bà Trần Thanh Hà (Công ty TNHH thương mại dịch vụ Great Việt Nam):

Tin tưởng nhau là chính

 

Vì sao nông nghiệp khó hút vốn?
 

 

Hiện nay, ngành rau quả đang tồn tại một nghịch lý là người bán hàng giỏi muốn đi trồng trọt, còn người trồng trọt giỏi lại ôm luôn việc bán hàng. Ai cũng muốn làm chủ một chuỗi giá trị từ sản xuất đến bán lẻ trong khi bản thân không đủ tiềm lực và chỉ có thế mạnh ở từng khâu. Để giải quyết vấn đề này rất đơn giản, người bán hàng ký kết với người sản xuất nhưng kéo thêm nhà khoa học tham gia tạo thành hình tam giác đồng đẳng. Ở đó, nhà khoa học tư vấn cho người dân về quy trình trồng, cung cấp vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) để có chi phí sản xuất thấp mà chất lượng sản phẩm lại tốt. Với sự tham gia của nhà khoa học, nông dân yên tâm sản xuất, người bán yên tâm lên kế hoạch kinh doanh vì chất lượng bảo đảm mà giá cả cạnh tranh. Đây là một sự hợp tác mà cả 3 bên đều cần nhau nên không quá lo lắng về việc “bẻ kèo”.

Ông Mai Quốc Thái (nhà vườn có 90 ha đất ở Bình Dương):

Thận trọng khi chuyển đổi cây trồng

 

Vì sao nông nghiệp khó hút vốn?
 

 

Tôi đang vay 10 tỉ đồng gói ưu đãi dành cho nông nghiệp với lãi suất 5,6%/năm, cố định trong 4 năm, để trồng hoa lan và bưởi da xanh. Lãi suất dành cho nông nghiệp hạ đúng vào lúc tôi cần thay thế 24 ha cao su không còn hiệu quả do giá xuống sâu. Bản thân tôi ủng hộ nông dân chặt bỏ những loại cây trồng thừa cung, giá hạ nếu có phương án tốt hơn. Tuy nhiên, việc thay thế cây mới trong thời điểm này nên tính toán vì sẽ ảnh hưởng lớn với nông nghiệp trong nước trong bối cảnh hội nhập, nhất là TPP. Tôi chọn bưởi da xanh vì đây là loại trái cây ngon, dễ bảo quản, vận chuyển nên khi xuất khẩu sẽ có giá cạnh tranh nhưng trước hết thị trường nội địa vẫn có nhu cầu rất lớn.

Ng.Ánh ghi

 

Theo nld.com.vn