Vì sao sẽ tạm dừng thí điểm thi tuyển lãnh đạo?

Vì sao sẽ tạm dừng thí điểm thi tuyển lãnh đạo?
Sẽ có đề án chung để thi tuyển chức danh cấp trưởng thay vì các cơ quan tự làm như hiện nay...
 
Vì sao sẽ tạm dừng thí điểm thi tuyển lãnh đạo?

Một cuộc thi tuyển cán bộ vừa được tổ chức tại Đà Nẵng


Bộ Chính trị vừa ra Thông báo số 202-TB/TW, thông báo kết luận của Bộ Chính trị về đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.

Theo thông báo này, vừa qua, sau khi xem xét tờ trình của Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”, Bộ Chính trị đã thảo luận và cơ bản đồng ý với đề án, nhưng cũng có một số “lưu ý”.

Thứ nhất là việc đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng được xem là “nhiệm vụ quan trọng, nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”.

Việc đổi mới cách tuyển chọn “phải bảo đảm, giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ; góp phần khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong từng khâu của công tác cán bộ nói chung, trong tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng nói riêng”.

Thông báo cũng lưu ý cần cụ thể hơn nữa về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và tương đương.

Thứ hai là đối tượng được đăng ký dự tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là cán bộ, công chức, viên chức nằm trong quy hoạch ở các chức danh cùng cấp hoặc tương đương, “nhưng không giới hạn trong phạm vi cơ quan, đơn vị đó mà mở ra bao gồm cán bộ, công chức, viên chức đã được quy hoạch ở các vị trí, chức vụ tương đương, đang làm việc trong cùng bộ, ban, ngành, địa phương nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định”.

Trường hợp các đối tượng không nằm trong quy hoạch, thì phải được cấp ủy quản lý các chức danh đó đồng ý.

Về phạm vi và thời gian thực hiện thí điểm cơ chế mới, thông báo nêu rõ là “thực hiện thí điểm tại 1/3 số bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương (trong đó có Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và 1/3 số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đại diện cho các vùng trong cả nước).

Thời gian thực hiện thí điểm từ quý 3/2015, đến hết quý 3/2018, sau đó sẽ tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả thực hiện thí điểm.

"Từ nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo đề án này (sau khi đề án được ban hành chính thức); không tổ chức thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý theo các đề án do địa phương, đơn vị... tự xây dựng”, thông báo viết tiếp.

Như vậy, với chỉ đạo này, tất cả các kế hoạch thi tuyển cán bộ cấp trưởng mà các bộ ngành, địa phương đang tiến hành đều sẽ phải tạm dừng để chờ đề án mới.

Theo VnEconomy