Việt Dân - Vùng sản xuất hoa quả an toàn

Việt Dân - Vùng sản xuất hoa quả an toàn
Với mục tiêu xây dựng thương hiệu hoa quả an toàn cho các vùng chuyên canh cây ăn quả tại địa phương, xã Việt Dân (TX Đông Triều) đang từng bước hình thành các tổ hợp tác kinh doanh hoa quả sạch trên địa bàn. Từ đó, bảo đảm đầu ra cho nông sản tại địa phương, nâng cao đời sống cho người dân.


Việt Dân là xã nông nghiệp chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi. Đất đai ở đây tương đối phì nhiêu phù hợp với trồng cây ăn quả, như na, cam đường Canh, bưởi Diễn... Trên địa bàn xã hiện có 4 tổ hợp tác chuyên sản xuất hoa quả an toàn, đó là: Tổ hợp tác hoa quả Trung Mẫn; Tổ hợp tác hoa quả xóm đồng gừng thôn Khe Hạ; Tổ hợp tác bưởi Diễn xã Việt Dân; Tổ hợp tác hoa quả sạch Việt Dân. Đây là những tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, tạo được nhiều sản phẩm hoa quả an toàn, do đó thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt gần 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm khoảng 2,17%.

Vườn bưởi Diễn của gia đình chị Nguyễn Thị Tú, thôn Đồng Ý, xã Việt Dân, TX Đông Triều.
Vườn bưởi Diễn của gia đình chị Nguyễn Thị Tú, thôn Đồng Ý, xã Việt Dân, TX Đông Triều.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Long ở thôn Tân Thành, anh là một hộ có thâm niên trong trồng cây na dai của xã. Anh cho biết, vườn na của anh có diện tích 1,1ha, mỗi năm gia đình anh thu hoạch khoảng 20 tấn na, giá bán từ 40.000-60.000 đồng/kg cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Vườn na của gia đình anh được chăm sóc đúng kỹ thuật, theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm giữ gìn thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đồng thời, việc thu hoạch chủ yếu là na chín cây, thu hoạch đúng thời điểm và không sử dụng thuốc bảo quản nên quả đều, ngọt, đảm bảo được quá trình sản xuất nông sản an toàn.

Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Tú, thôn Đồng Ý, đã có thâm niên trên 10 năm trồng cây bưởi Diễn. Diện tích vườn bưởi của gia đình chị khoảng 1ha, trên 200 gốc bưởi được trồng theo quy chuẩn VietGAP, bảo đảm được quá trình sản xuất nông sản sạch, đáp ứng được nhu cầu của thị trường về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Không chỉ áp dụng VietGAP trong sản xuất, mà gia đình chị Tú còn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng quả và kéo dài thời gian thu hoạch. Mỗi vụ gia đình chị bán ra thị trường khoảng trên 10 tấn quả, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Hiện nay, gia đình chị đang trồng thử nghiệm giống cam Đông Châu (lấy giống từ Thái Bình), nếu hiệu quả sẽ đem trồng đại trà, để cung cấp ra thị trường giống cam mới.

Theo ông Đặng Đình Thế, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Việt Dân, việc thành lập các tổ hợp tác đã tạo thế mạnh cho các vùng sản xuất nông sản tập trung hiện có. Chất lượng sản phẩm được giám sát bởi chính các thành viên tổ hợp tác và kiểm định chất lượng của Phòng Kinh tế TX Đông Triều. Trên cơ sở thành lập các tổ hợp tác, xã sẽ tiến tới xây dựng các HTX trồng, sản xuất các loại hoa quả, từ đó tạo nên thương hiệu hoa quả an toàn Việt Dân. Để làm được điều đó, xã đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, tăng cường công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản sạch, hình thành nên chuỗi nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tác giả bài viết: Vân Anh

Nguồn tin: baoquangninh.com.vn