VinEco và văn hóa làm nông nghiệp an toàn

VinEco và văn hóa làm nông nghiệp an toàn
“Mục tiêu lớn nhất của chương trình là tạo được văn hóa sản xuất nông nghiệp an toàn. Khi văn hóa “làm sạch” được lan rộng, trở thành thói quen và cách làm đương nhiên, “tức là VinEco đã thành công” bà Vũ Tuyết Hằng, Tổng Giám đốc VinEco nói.

250 hợp tác xã và hộ sản xuất (HSX) đầu tiên thuộc các lĩnh vực rau, nấm, gạo, trái cây đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty VinEco theo khuôn khổ của dự án liên kết 1.000 hộ sản xuất. Bà Vũ Tuyết Hằng – Tổng Giám đốc Công ty VinEco đã có cuộc trao đổi với phóng viên về chương trình đang được đánh giá là mô hình tiên phong, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt.

 vineco va van hoa lam nong nghiep an toan hinh anh 1

Các Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016 thăm trang trại rau công nghệ cao của VinEco tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Ảnh:T.L

250 Hộ sản xuât và hợp tác xã ký kết với VINECO
Tại lễ tổng kết giai đoạn 1 và hội thảo “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” do Tập đoàn Vingroup – Công ty VinEco và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội, 250 hợp tác xã và hộ sản xuất đầu tiên thuộc các lĩnh vực rau, nấm, gạo, trái cây đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty VinEco theo khuôn khổ của dự án liên kết 1.000 hộ sản xuất.

 

 

Đã có nhiều mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, xin bà cho biết khi tham gia chương “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”, người nông dân sẽ được hỗ trợ gì?

- Chúng tôi có 4 chính sách hỗ trợ chính: Hỗ trợ về tư vấn và đào tạo như quy trình sản xuất sạch khép kín, các kỹ thuật sản xuất, chăm sóc cây trồng; hướng dẫn hoàn thành các thủ tục để làm chứng nhận VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và kiểm soát thực hiện; thu mua và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo sản lượng kế hoạch đã cam kết với giá ổn định và cạnh tranh. Đặc biệt, đối với những hộ đủ điều kiện, VinEco sẽ hỗ trợ tài chính tối đa 300 triệu đồng/hộ  để giúp trang bị cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, vốn, giống phục vụ cho sản xuất sạch, hoặc thương hiệu riêng của HSX.

Điều kiện để các HSX được lựa chọn làm đối tác tham gia chương trình là gì, thưa bà?

- Các HSX được lựa chọn tham gia chương trình phải có đủ 3 điều kiện: Đang sản xuất sản phẩm nông sản như rau củ quả, nấm, trái cây, gạo, ưu tiên hộ sản xuất có VietGAP. Thứ hai là diện tích trồng nông sản của mỗi hộ tối thiểu 1ha. Thứ ba, các hộ thuộc vùng quy hoạch tiêu thụ và sản xuất của VinEco. Các cây ăn quả đặc sản vùng miền gồm tất cả các tỉnh trong cả nước. Với rau và nấm, VinEco có 6 vùng quy hoạch tiêu thụ ở các tỉnh, thành: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc, Nha Trang. Theo đó, các tỉnh lân cận vùng tiêu thụ và có sản xuất nông nghiệp sẽ được đưa vào quy hoạch vùng sản xuất.

Bà nghĩ sao về ý kiến một số HSX cho rằng, họ chưa nhận được hỗ trợ nhiều của Vingroup nhưng lại đang bị kiểm soát quá chặt chẽ?

- Trong quá trình triển khai, thực tế cho thấy việc tổ chức sản xuất của các HSX còn rất nhiều bất cập, nhất là việc sử dụng tùy tiện thuốc BVTV. Đây là yêu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATTP, sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu HSX thực hiện đúng mọi quy định về an toàn thì mức hỗ trợ của chúng tôi dành cho bà con nông dân sẽ lớn hơn. Nhưng nếu các HSX không tuân thủ quy trình sản xuất thì chúng tôi cương quyết loại bỏ, không thu mua và không tiếp tục hợp tác.

Khi tạo ra chuỗi sản phẩm nông sản sạch, vai trò của VinEco là gì?

-Vai trò của VinEco là vừa là người sản xuất, vừa là người kết nối để đưa sản phẩm ra thị trường. Lợi thế của chúng tôi là có đầu ra thông qua các hệ thống siêu thị có sẵn. Do đó, khi nông dân làm việc với VinEco sẽ được cam kết về tiêu thụ sản phẩm nên nông dân yên tâm với mục đích tạo ra các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng.

Vì sao VinEco lại hướng đến việc liên kết với nông dân thay vì tự xây dựng một mạng lưới sản xuất hoàn toàn mới?

-Chúng tôi mong muốn hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm thay đổi và tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, tiến tới từng bước xây dựng các thương hiệu nông sản Việt có tầm quốc tế. Mục tiêu lớn nhất của chương trình là tạo được văn hóa sản xuất nông nghiệp an toàn.

Với số vốn đầu tư lên tới 4.000 tỷ đồng vào nông nghiệp, VinEco cân đối lợi nhuận thế nào?

- Riêng với những sản phẩm về nông nghiệp, Tập đoàn Vingroup vẫn đang hỗ trợ rất lớn về đầu vào.

Nhiều HSX lo lắng về việc doanh nghiệp chỉ hỗ trợ thời gian đầu rồi sẽ bị “bỏ rơi”. Bà có thể cho biết kế hoạch tiếp theo của chương trình?

- Đây là một chương trình dài hơi. Thời gian 1 năm là thời gian khởi động và nhiệm vụ chính của VinEco là duy trì và phát triển số hộ sản xuất làm nông nghiệp an toàn. Ngay từ bây giờ, ngoài việc lựa chọn các HSX để ký hợp đồng liên kết, chúng tôi đã quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp để có định hướng phát triển đặc biệt là trái cây.

Chúng tôi có chiến lược phát triển bền vững, lâu dài về nông nghiệp và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và các tổ chức quốc tế cũng như sự đồng hành của bà con nông dân.

Tác giả bài viết: Hải Minh

Nguồn tin: danviet.vn