Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 4.200 doanh nghiệp
- Thứ ba - 05/09/2017 04:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo đó, thực hiện Nghị quyết về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, tỉnh Vĩnh Long khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của địa phương.
Tỉnh phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, công ty cổ phần. Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 4.200 doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 5.700 doanh nghiệp và đến năm 2030 có hơn 7.500 doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh chiếm khoảng 45% tổng vốn đầu tư và khoảng 50 đến 60% GRDP trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, tỉnh Vĩnh Long xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của địa phương để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 cùng cả nước từng bước hoàn thiện và vận hành có hiệu quả thể chế về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp và công thương, từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực hiện Nghị quyết về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, tỉnh Vĩnh Long cơ cấu lại, cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Tỉnh thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách mới để doanh nghiệp nhà nước thật sự vận hành theo cơ chế thị trường; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước.
* Quảng Trị xây dựng cánh đồng mẫu lớn
Tỉnh Quảng Trị triển khai sản xuất thử nghiệm cánh đồng mẫu lớn, bước đầu mang lại hiệu quả tốt. Đối với cây lúa, trên cánh đồng lớn, người nông dân có điều kiện thực hiện các khâu cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong các quy trình sản xuất, thúc đẩy nhanh sự phát triển nền nông nghiệp ở cấp độ cao, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, chủ trương sản xuất cánh đồng lớn của tỉnh đã triển khai rộng với tổng diện tích 2.000 ha. Đi đôi với việc tăng diện tích trên mỗi thửa ruộng, nông dân được chuyển giao các biện pháp khoa học kỹ thuật canh tác tự nhiên tạo ra sản phẩm nông sản sạch, góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp lên gấp nhiều lần.
Theo đánh giá, mức thu nhập của nông dân thực hiện cánh đồng lớn tăng từ 10 đến 20% so với phương thức sản xuất truyền thống. Xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất lúa cùng với việc phát triển thương hiệu gạo sạch Quảng Trị là một trong những mũi phát triển đột phá về trồng trọt của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Theo Nhân Dân