Vĩnh Phúc chăm lo giải quyết việc làm cho người nghèo
- Thứ hai - 18/09/2017 20:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các chính sách đi vào cuộc sống
Năm 2011, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2012-2015. Trong đó, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp.
Hàng năm, tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tích cực vào cuộc; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các huyện, thành, thị ký cam kết thực hiện chỉ tiêu giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, vay vốn sản xuất kinh doanh gắn với giảm nghèo bền vững. Trong đó, các hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, vay vốn sản xuất. Ngoài ra, tỉnh còn có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo về: Bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, tập huấn chuyển giao kiến thức, cở sở hạ tầng, đào tạo năng lực cán bộ cơ sở…
Nhờ thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 21.800 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 823,8 tỷ đồng; 7.720 lượt hộ vay vốn để giải quyết việc làm với tổng dư nợ trên 224,3 tỷ đồng. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh xuống còn 3,9%.
Theo ông Nguyễn Duy Quý, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: “Thực hiện các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và giảm nghèo của tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo mọi điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận vốn vay, nhất là trong lĩnh vực giải quyết việc làm. Tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn và đủ tiêu chuẩn đều được giải quyết; đã góp phần giúp các hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn phát triển kinh tế, ổn định đời sống”.
Vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn giải quyết việc làm
Gia đình anh Trần Văn Nghi, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương những năm trước đây kinh tế khó khăn, nguồn thu chỉ trông chờ vào 7 sào ruộng. Nhờ chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người nghèo, năm 2012, gia đình anh được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ nguồn vốn này, anh chị đã mua 1 con bò nái, rồi mạnh dạn vay thêm bạn bè, người thân đầu tư nuôi thêm gà, nuôi ngan, mỗi lứa từ 50-70 con.
Chị Trần Thị Cảnh, vợ anh Nghi cho biết: “Bò nái cứ 3 năm sinh sản 2 lứa, như vậy, gia đình tôi cũng tích cóp được khoảng 15 triệu đồng mỗi năm, đủ để chi tiêu và trang trải nợ nần. Cùng với chăn nuôi gà, ngan và làm ruộng, cuộc sống gia đình dần ổn định hơn”. Hiện tại, gia đình anh Nghi có 3 con bò, anh chị đang gây thêm 1 bò nái nữa. Cũng nhờ khoản tích cóp đó mà đến nay, gia đình anh chị đã trả xong các khoản nợ ngoài và năm 2015 gia đình anh đã thoát nghèo, tiếp tục được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đến nay, huyện Tam Dương có 278 sổ tiết kiệm vay vốn đang hoạt động hiệu quả với khoảng 34% dân số huyện được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, tương đương trên 10.000 hộ dân. Nguồn vốn cho vay tập trung vào 10 chương trình: Nước sạch, học sinh, sinh viên, hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn, cho vay nhà ở theo chương trình của Chính phủ. Trong đó, trên 1.300 hộ nghèo được vay vốn với dư nợ hơn 41,3 tỷ đồng. Theo ông Trịnh Viết Thanh Tùng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Dương: “Nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp các hộ nghèo ổn định sản xuất, chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, thời gian vay vốn ổn định, giúp các hộ được vay có điều kiện trả dần, không áp lực, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn”.
Giống như gia đình anh Nghi, gia đình anh Nguyễn Văn Thức, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch giờ đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Năm 2013, vợ chồng anh được vay 30 triệu đồng. Với nguồn vốn ít ỏi, anh chị đã mua 1 bò nái để sinh sản, kết hợp nấu rượu, đầu tư mua máy nghiền thức ăn cho gia súc; những lúc rỗi rãi, anh còn tranh thủ làm thợ xây kiếm thêm thu nhập cho gia đình; chị Nguyễn Thị Hải, vợ anh Thức thì tần tảo làm 1 mẫu ruộng, nuôi 4 người con ăn học. Đến nay, gia đình anh chị đã có kinh tế ổn định, nuôi 1 người con học đại học và 1 con học cấp 3. Gia đình anh chị lại được vay vốn hộ thoát nghèo với 50 triệu đồng.
Tổng dư nợ các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lập Thạch hiện đạt trên 346,5 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo đạt 160,9 tỷ đồng với trên 3.700 hộ còn dư nợ; tổng số dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 22,8 tỷ đồng cho 690 hộ vay vốn. Năm 2016, thông qua các chương trình vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo đã góp phần giúp 878 hộ vay vốn thoát nghèo.
Theo baophapluat.vn