Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu thành trung tâm sản xuất rau an toàn của cả nước
- Thứ năm - 11/01/2018 04:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, khắp các cánh đồng từ các huyện miền núi Tam Đảo, Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch xuống vùng đồng bằng Vĩnh Tường, Yên Lạc mùa này bạt ngàn một màu xanh rau, củ, quả.
Hiện Vĩnh Phúc đang có trên 9.310 ha rau, chiếm tới gần 1/4 tổng diện tích đất trồng cây hàng năm. Năng suất đạt gần 210 tấn/ha. Tổng sản lượng đạt gần 195 ngàn tấn. Đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh rau.
Những sản phẩm nổi tiếng tiêu thụ hàng trăm tấn mỗi ngày có thể kể đến dưa chuột An Hòa - Tam Dương; thanh long ruột đỏ Lập Thạch; su su Tam Đảo; bí đỏ Vĩnh Tường; chuối tiêu hồng, cà chua Yên Lạc; súp lơ Lập Thạch; rau ăn lá Vĩnh Tường… Giá trị của các loại rau này cao hơn 4 lần so với các loại cây trồng truyền thống.
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trong 1-2 năm tới phải đạt 3.200 ha rau an toàn. Trong vài năm tiếp theo phải đạt 4.400 ha, chiếm trên 10% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm của toàn tỉnh, trong đó diện tích chuyên canh là 3.600 ha, diện tích luân canh là 800 ha.
Để đạt được mục tiêu 4.400 ha rau an toàn, tỉnh đã có chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ hết mức cho tất cả các đối tượng.
Rau an toàn của Vĩnh Phúc được tiêu thụ theo 5 kênh với giá cao hơn rau bình thường từ 35-70%: Người sản xuất trực tiếp bán cho người tiêu dùng; các hộ sản xuất tham gia vào tổ hợp tác, HTX và được tổ hợp tác, HTX bao tiêu một phần thông qua các cửa hàng bán lẻ của tổ hợp tác, HTX tại địa phương; các tổ hợp tác, HTX tiêu thụ một phần cho các thành viên thông qua hợp đồng với siêu thị, nhà hàng, khách sạn, trường học… tại Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận; các tổ hợp tác, HTX tiêu thụ thông qua hợp đồng với doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng uy tín, thương hiệu của mình để cung cấp cho siêu thị, cửa hàng, khách sạn, nhà hàng, trường học, bệnh viện, xuất khẩu...
Cuối cùng là tiêu thụ trực tiếp sản phẩm của doanh nghiệp, HTX đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp, HTX và xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp, HTX tự sản xuất hoặc ký hợp đồng với các tổ hợp tác, HTX sản xuất rau an toàn để cung cấp cho thị trường.
Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc Nguyễn Tiến Phong cho biết, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Cty TNHH đầu tư phát triển nông nghiệp VinEco, Cty An Việt, Cty CP Evergreen, Cty VietRAP, hệ thống siêu thị Fvimart, BigC… liên kết sản xuất tiêu thụ RAT cho các doanh nghiệp, tổ hợp tác và HTX tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.
Tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ rau chất lượng cao của Vĩnh Phúc mới đây đã thu hút trên 350 đơn vị sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ rau an toàn tham gia. Các doanh nghiệp tiêu thụ khẳng định, nếu Vĩnh Phúc đảm bảo sản phẩm an toàn thì có bao nhiêu họ bao tiêu hết bấy nhiêu.
Theo báo Vĩnh Phúc, nhờ làm tốt công tác tập huấn, tuyên truyền, đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 200 cơ sở sản xuất rau an toàn được Sở NN&PTNT tỉnh, Cục Trồng Trọt (Bộ NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và theo quy trình VietGAP.
Cùng với việc nâng cao chất lượng, sản lượng rau an toàn, ngành nông nghiệp chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho từng sản phẩm.
Đến nay, tỉnh đã có 3 thương hiệu tập thể cho rau an toàn là: Rau an toàn Sông Phan (được sử dụng chung cho các cơ sở sản xuất dọc theo hai bờ Sông Phan); rau an toàn Sao Mai (được sử dụng chung cho các cơ sở trên địa bàn tỉnh có sản xuất RAT theo quy trình VietGAP) và rau su su an toàn Tam Đảo (được sử dụng chung cho các hộ nông dân trồng rau su su theo VietGAP ở thị trấn Tam Đảo). Nhờ có thương hiệu nên việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, giá trị kinh tế được nâng cao góp phần khuyến khích người nông dân, các địa phương tích cực sản xuất rau an toàn.
Để đạt mục tiêu đặt ra, ngành Nông nghiệp kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ; xây dựng quy hoạch chi tiết và nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn; mở rộng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm cây trồng; trang bị phương tiện, máy móc, thiết bị dụng cụ phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm cây trồng; có cơ chế, chính sách đối với việc liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành hàng rau, hoa quả trên địa bàn.