Vĩnh biệt người tiên phong “Cởi trói nông dân”
- Thứ ba - 21/04/2015 23:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
xin giới thiệu bài viết của Nhà báo Khuynh Diệp (nguyên Thư ký riêng của ông Nguyễn Thành Thơ) để tưởng nhớ một người cán bộ của Đảng, của Hội Nông dân có công lớn đối với nước nhà.
Ông Nguyễn Thành Thơ, tên khai sinh là Nguyễn Kiến Lập (thường gọi Mười Thơ, Mười Khẩn) sinh ngày 3.10.1925 tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Cha ông là Nguyễn Ngươn Hanh một nho sỹ yêu nước, theo phong trào Cần Vương. Năm 1930, ông Nguyễn Ngươn Hanh theo nhà cách mạng Châu Văn Liêm (một trong 6 người tham gia Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam), trở thành đảng viên cộng sản, bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo và hy sinh năm 1942 tại đây.
Cống hiến trọn đời cho Cách mạng
Thừa kế truyền thống yêu nước của gia đình, năm 14 tuổi (1939) Nguyễn Thành Thơ đã được giác ngộ Cách mạng, năm 1942 được đứng trong hàng ngũ Đảng. Năm 1943, ông làm Bí thư chi bộ xã Vĩnh Xuân, 1948 bí thư huyện ủy Cầu Kè (Vĩnh Long), năm 1950 – 1951 là Tỉnh ủy viên rồi Thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Trà. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông giữ chức Phó bí thư tỉnh ủy Cần Thơ, hai lần làm bí thư Khu ủy Tây Nam Bộ (T.3). Năm 1969, ông được rút lên làm Trưởng ban binh vận Trung ương Cục Miền Nam. Cuối năm 1971, ông Nguyễn Thành Thơ được điều về tham gia Ban thường vụ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định (I.4). Sau hội nghị Bình Giã V (hội nghị Khu ủy I.4), ông được phân công Phó bí thư Khu ủy trực tiếp phụ trách cánh B (nông thôn vùng ven và ngoại thành Sài Gòn – Gia Định). Hiệp định Pari ký kết, ông táo bạo chuyển một bố phận của cơ quan Khu ủy (cánh B) bí mật áp sát vùng ven phía tây nam thành phố, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng của quần chúng nông dân bung về ruộng vườn cũ mưu sinh, bảo vệ cơ sở Đảng vừa hồi sinh sau tổng công kích Mậu Thân (1968), đưa con em tham gia các lực lượng vũ trang… Sau ngày thành phố giải phóng (30.4.1975), ông Nguyễn Thành Thơ làm Giám đốc Sở nông nghiệp thành phố, thực hiện công tác di dân xây dựng các vùng kinh tế mới và một số nông trường của TP.HCM. Tại Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) ông được bầu vào BCH Trung ương Đảng rồi ra Trung ương làm Phó ban Ban cải tạo nông nghiệp Miền Nam. Năm 1982, Ban này giải thể, ông được phân công làm Phó ban trù bị Đại hội Hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam (HLHNDTTVN). Đại hội Hội NDVN làn thứ nhất (1988) ông giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN cho tới ngày nghỉ hưu (1992).
Trong cuộc đời hoạt động Cách mạng, ông Mười Thơ nổi tiếng liêm khiết, có cuộc sống giản dị, tính cách thẳng thắn và trung thực, không ham công danh địa vị nên được mọi người kính nể và tin tưởng. Suốt 40 năm nay, ông cùng vợ – bà Mười Nga (cán bộ lão thành Cách mạng) và các con vẫn sống trong ngôi nhà do thành phố cấp ở số 39 đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh.
Cởi trói cho nông dân
Trong những “nghi oan” ông Mười Thơ từng hứng chịu, lâu lâu nhắc lại, ông rất khoái, coi đó như một đóng góp của cá nhân với nông dân và kinh tế nông thôn cách nay hơn hai con giáp. Ấy là, năm ông đang phụ trách Phó ban thường trực Ban trù bị Đại hội HLHNDTTVN, cũng là thời kỳ ông Nguyễn Văn Linh đắc cử Tổng Bí thư của Đảng (1986).
Một hôm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gọi ông Mười Thơ đến báo cáo tình hình nông dân cả nước, trong đó có nông dân ĐBSCL. Sau khi nghe ông trình bày, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: “Anh thương dân, thương nước thì phải đi cởi trói nông dân. Anh không còn cách nào khác đâu. Phải đi cởi trói nông dân thôi!”. Để yên tâm trong việc tiếp nhận ý kiến Tổng Bí thư, sáng hôm sau ông tranh thủ gặp lại ông Nguyễn Văn Linh và được Tổng Bí thư nêu ra bốn vấn đề đang đặt ra cần được giải đáp, tháo gỡ trong tình hình nông dân – nông nghiệp và nông thôn lúc bấy giờ. Trong đó, mô hình Tập đoàn sản xuất và Hợp tác xã nông nghiệp (TĐSX – HTXNN) cùng ruộng đất của nông dân đưa vào trong các tổ chức kinh tế hợp tác này đang gây nhiều bức xúc trong xã hội ở nông thôn, đặc biệt là nông thôn vùng ĐBSCL.
Trở về Miền Nam, ông Mười Thơ đi ngay xuống tỉnh Vĩnh Long gặp Phó Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đang có mặt ở đấy. Vốn cùng quê Vĩnh Long, cùng tham gia cách mạng từ lúc còn nhỏ cho tới ngày giải phóng, nên khi gặp lại ông Võ Văn Kiệt, ông Mười Thơ nói thẳng ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để tham khảo ý kiến. Cuộc trao đổi giữa hai người còn có ông Sáu Ức - Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long chứng kiến. Được ông Kiệt ủng hộ quan điểm Cởi trói nông dân, ông Mười Thơ lần lượt đến các tỉnh ĐBSCL, ở đâu ông cũng nhận được tiếng nói đồng tình, tán thành việc Cởi trói nông dânđể phát triển sản xuất. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh An Giang phát biểu mạnh mẽ nhất, hứa chủ động trả lại đất cho nông dân. Tại một hội nghị BCH Hội NDVN tổ chức tại Đà Nẵng, ông Mười Thơ tham gia chủ trì bàn thảo nhiều vấn đề bức thiết về nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Ngoài thảo luận ở hội trường, còn chia tổ theo khu vực Bắc – Trung – Nam thảo luận. Vấn đề nông dân xin lấy lại đất để ra khỏi TĐSX – HTXNN được các đại biểu khu vực Nam Bộ thảo luận sôi nổi nhất. Ông Mười Thơ nhớ lại: “Khi đưa vấn đề này ra hội trường biểu quyết, toàn thể BCH tán thành nông dân muốn lấy lại đất khi vô TĐSX – HTXNN để chủ động sản xuất, cần phải chấp thuận ủng hộ nông dân”.
“Danh lợi không sờn lòng”
Một lần, hàng trăm nông dân tỉnh Vĩnh Long kéo lên TP.HCM đến các cơ quan chức năng của Trung ương đóng tại TP và các cơ quan truyền thông đại chúng gửi đơn kiến nghị xin lại đất đưa vào TĐSX – HTXNN trước đây, đồng thời tố cáo một bộ phận ban quản lý TĐSX hà lạm công quỹ tập thể, tham những đất đai. Tình hình lúc bấy giờ khá căng thẳng. Tỉnh ủy Vĩnh Long đưa xe lên động viên đón bà con trở về địa phương giải quyết nhưng họ yêu cầu chính quyền trả lời cụ thể thì mới về. Trước tình hình ấy, vị chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đến nhà riêng ông Mười Thơ nhờ ông thảo thư kêu gọi bà con trở về rồi mời ông ra địa điểm bà con đang chờ đợi đọc trực tiếp nội dung để nông dân hiểu chủ trương của địa phương đối với vấn đề ruộng đất. Nghe xong, hàng trăm nông dân tỉnh này vui vẻ lên xe của tỉnh đưa về địa phương, giải quyết ổn thỏa.
Nói về bản lĩnh và cái tâm vì nông dân của ông Mười Thơ, có lần tướng Hoàng Cầm (nguyên Sư đoàn trưởng sư đoàn 9 anh hùng) gặp ông ở Hà Nội đã nói: “Đất nước hôm nay đi lên được, có phần công sức của anh”. Nghe vậy, ông Mười Thơ trả lời: “Không dám!”. Ông Hoàng Cầm lại nói: “Không dám sao được, không có những người như anh tiên phong cởi trói nông dân, làm sao có nền nông nghiệp đi lên như hôm nay!”. Còn ông Trịnh Văn Lâu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long (cũ) phát biểu: “Nhiều người muốn làm như Mười Thơ nhưng không ai làm được. Mười Thơ lại làm được”.
Năm 1992, ông Mười Thơ được nghỉ hưu theo chế độ, ông lên tỉnh Sông Bé (cũ) gặp ông Sáu Phong (ngyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) lúc này đang làm Bbí thư tỉnh ủy, đặt vấn đề xin khu đất trống đồi trọc hoang hóa ở huyện Tân Uyên để xây dựng trang trại trồng các loại cây ăn quả. Thấy ông “điền viên ẩn sỹ”, các ông Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, ông Trương Tấn Sang (nay là Chủ tịch nước)… lên thăm. Ai cũng cảm kích thái độ lao động và ý chí thực hiện “Chương trình 327 – phủ xanh đất trồng đồi núi trọc” làm trang trại của ông Mười Thơ.
Những tháng ngày sống thanh bạch bên dòng sông Bé oai hùng, thuộc chiến khu D năm xưa, ông thảnh thơi, suy nghĩ sự đời, chắp bút viết hồi ký “Cuối đời nhớ lại” những việc ông từng làm, từng trải. Ông tâm sự:
Nước trong rửa ruột sạch trơn
Một câu danh lợi không sờn lòng đây
Nay voi, mai vịnh vui vầy
Ngày dài hứng gió, đêm chầy chơi trăng../.
TP.HCM, đêm 20 tháng 04 năm 2015