Vụ ĐX 2014-2015: Trung bộ tập trung chống hạn, xâm nhập mặn
- Chủ nhật - 09/11/2014 21:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hồ đập cạn kiệt
Theo Tổng cục Thủy lợi, tổng lượng mưa 10 tháng đầu năm trên toàn khu vực Trung bộ hầu hết đều thiếu hụt so mức trung bình nhiều năm, phổ biến ở mức từ 50-70%, một số nơi có lượng mưa đạt thấp như Quỳ Hợp 49%, Đông Hà 48%, Nam Đông 43%, Nha Trang 55%, Phan Rang 45%.
Tính đến đầu tháng 11/2014, dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bình Thuận đang ở mức trữ khoảng 70-90%. Các tỉnh còn lại dung tích trữ chỉ ở mức từ 40-60%, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-30%.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh có 20 hồ chứa với tổng dung tích 192 triệu khối, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 40 triệu khối. Do vậy tình hình nước tưới phục vụ cho vụ ĐX sắp tới rất căng thẳng nếu những tháng cuối năm trời tiếp tục không mưa.
Tương tự, ông Hồ Xuân Hòe, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, tính đến nay lượng mưa bình quân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chỉ ở mức hơn 1.000 mm đạt 48,2% so với trung bình nhiều năm. Việc lượng mưa giảm đã khiến mực nước các hồ chứa cạn kiệt.
Cụ thể, mực nước tại hồ Nghĩa Hy (Cam Lộ) chỉ còn 0,32/3,48 triệu m3; Trâu Kim 6,35/39 triệu m3; Kim Môn 4,7/21,8 triệu m3; La Ngà 8,93/36 triệu m3.
Theo dự báo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong thời gian cuối năm 2014 và đầu năm 2015, hiện tượng ENSO (sự phối hợp hoạt động giữa El Nino và La Nina) đang ở trạng thái trung gian nhưng nghiêng hơn về pha nóng.
Vì vậy khả năng xuất hiện EL Nino trong vụ ĐX 2014-2015 được đánh giá vào khoảng 50-60%, nhưng nếu xuất hiện đây cũng chỉ là EL Nino yếu so với các EL Nino đã xuất hiện trong khoảng 50 năm gần đây.
Còn về bão và áp thấp nhiệt đới, từ nay đến hết cuối mùa mưa bão được dự báo chỉ còn 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Do vậy tình trạng khô hạn, thiếu nước có khả năng ảnh hưởng đến SXNN vụ ĐX 2014-2015 ở các tỉnh ven biển Trung bộ.
Theo dự kiến kế hoạch cấp nước SX lúa vụ ĐX tới cho toàn khu vực Trung bộ chỉ khoảng 530.000 ha, giảm khoảng 23.000 ha so với vụ ĐX 2013-2014. Tuy nhiên kế hoạch này có thể điều chỉnh tùy thuộc vào điều kiện nguồn nước sau khi mùa mưa năm 2014 kết thúc.
Giải pháp
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng chống hạn của từng địa phương, đồng thời kiến nghị Tổng cục Thủy lợi hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn nhằm đảm bảo SX vụ ĐX 2014-2015.
Ông Nguyễn Trọng Phủ, Phó Giám đốc Cty TNHH Khai thác CTTL Bình Định chia sẻ: “Để thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm nước được hiệu quả, thời gian qua tỉnh Bình Định đã thành lập các tổ điều tiết nước cho từng tuyến kênh tưới từng đơn vị.
Đồng thời thành lập và kiện toàn các đội thủy nông từng địa phương, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho tổ thủy nông trong việc dẫn nước vào ruộng, chứ không để người dân tự lấy nước”.
Còn ông Nguyễn Văn Mỹ, PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận khẳng định, sẽ tuyệt đối không để người dân gieo cấy lúa trên những diện tích có nguy cơ bị hạn hán; ưu tiên dự trữ nước sinh hoạt cho người dân và chăn nuôi gia súc.
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), nhận định xu thế thời tiết, thủy văn vụ ĐX 2014-2015 ở khu vực Trung bộ có xu hướng thiếu hụt mưa và dòng chảy; xuất hiện khô hạn và thiếu nước; nền nhiệt độ tăng cao nhưng rét đậm, rét hại có khả năng đến sớm. Trong khi đó các hồ chứa hiện tại mới đảm bảo tưới chủ động cho khoảng 11% diện tích gieo trồng vụ ĐX. Như vậy còn đến 89% diện tích gieo trồng phải tưới nhờ các đập dâng, trạm bơm là những công trình sử dụng dòng chảy cơ bản ở các sông, suối. Tuy nhiên nếu dòng chảy ở các sông trong vụ ĐX tới bị sụt giảm so trung bình nhiều năm thì sẽ rất khó khăn trong vấn đề cấp nước nên các địa phương cần chủ động ứng phó chống hạn kịp thời. |
Liên quan vấn đề xâm nhập mặn, ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho rằng: “Những năm gần đây tình hình xâm nhập mặn trên sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Bàn Thành diễn ra gay gắt gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và SXNN của người dân.
Vì vậy để ngăn chặn tình trạng này tỉnh Quảng Nam đã đắp các đập tạm trên sông Vĩnh Điện, Bến Giá, Sông Đầm để ngăn mặn giữ ngọt, đảm bảo phục vụ SX cho hơn 3.500 ha lúa”.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi kết luận: Để tăng cường phòng, chống hạn, đảm bảo việc cấp nước phục vụ SX, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp chống hạn được Bộ NN-PTNT chỉ đạo tại Chỉ thị số 7071/CT-BNN-TCTL ngày 3/9/2014.
Đồng thời các địa phương cần sớm xây dựng phương án cấp nước phục vụ SX và tích nước hợp lý. Và khi mùa mưa kết thúc cần kiểm tra ngay các nguồn nước sẵn có ở các hồ chứa để lên phương án SX cụ thể.
Tuy nhiên nếu nguồn nước các hồ chứa không có thì phải dừng SX, còn nếu nguồn nước tương đối, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo tinh thần nơi nào không đảm bảo nguồn nước, phải chuyển đổi sang cây trồng cạn.
Ngoài ra tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng; khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm ngăn mặn…
Còn ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo các tỉnh Nam Trung bộ cần xuống giống tập trung từ ngày 10/12-31/12 (không gieo muộn hơn sau ngày 5/1/2015) và thu hoạch trước ngày 30/4/2015.
Các giống lúa gieo sạ phải đảm bảo ổn định về năng suất, có thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu với thời tiết hạn hán, sâu bệnh. Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp tưới tiết kiện nước, áp dụng quy trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, IPM…
Ông Vũ Xuân Khu, PGĐ Trung tâm Điều độ hệ thống điện (EVN) cho biết, tổng lượng nước về trên toàn hệ thống tính đến thời điểm hiện nay tương đương với năm 2013, nhưng riêng khu vực miền Trung thì lượng nước rất kém, thấp hơn so trung bình nhiều năm khoảng 16,82 tỷ m3.
Đặc biệt, các hồ từ Quảng Nam trở ra Hà Tĩnh, tổng lượng nước về các hồ trong giai đoạn từ tháng 7-10 chỉ đạt khoảng 50% so năm 2013. Vì vậy trong thời gian tới các hồ ở khu vực này vẫn ở lưu lượng nước thấp thì khó mà đáp ứng nhu cầu SXNN.
Do đó các nhà máy cần chủ động báo cáo với các địa phương, tính toán đưa ra khả năng cấp nước phù hợp với tình hình thực tế.
KIM SƠ
Theo: nongnghiep.vn