“Vua chuối” đất Bắc hiến kế “giải cứu” chuối
- Thứ hai - 06/03/2017 10:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Được mệnh danh là “vua chuối” đất Bắc, anh Thành cho biết, hiện nay anh có khoảng hơn 60 ha đất trồng chuối ở Hưng Yên (chưa kể diện tích liên kết), sản lượng 3-4 nghìn tấn mỗi năm. Giá chuối hiện ở phía Bắc khoảng 10 nghìn đồng/kg từ giữa năm ngoái đến nay, và gần như không có chuối để bán.
Theo anh Thành, vùng chuối tiêu hồng của anh chủ yếu để tiêu thụ trong nước tại các siêu thị, chợ, một phần để xuất đi Nga, Hàn Quốc và một vài nước Trung Đông và anh “gần như không quan tâm việc Trung Quốc mua hay không mua” có thể ảnh hưởng đến vựa chuối của anh.
Anh Thành cho rằng, sở dĩ chuối của bà con Đồng Nai ế vì đó là dạng chuối tiêu (còn gọi là chuối già Nam Mỹ), chỉ trồng chủ yếu xuất đi Trung Quốc, nên khi Trung Quốc dừng mua, đương nhiên mình ế.
Cũng là chuối tiêu, nhưng nếu bà con trồng chuối tiêu hồng sẽ an toàn hơn nhiều, giá cao tới gấp 3 lần, thị trường rất rộng lớn, đặc biệt là nội địa nhu cầu rất lớn.
Theo anh Thành, nếu bà con ở Đồng Nai trồng chuối tiêu hồng, với mạng lưới tiêu thụ ở phía Bắc, của anh hiện tại, cũng có thể hỗ trợ mua mỗi ngày một container 20 tấn để bán nội địa, vì nhu cầu đang rất lớn. Tuy nhiên, giống chuối già Nam Mỹ đó, thì quả thật rất khó tiêu thụ.
“Giống chuối già Nam Mỹ năng suất cao hơn giống chuối tiêu hồng, thời gian thu hoạch ngắn hơn, nhưng chất lượng không bằng, ăn nhạt hơn. Thậm chí quả chuối to quá, buông chuối lên tới 50-70 kg, nên người dân đôi khi cũng ngại không dám mua”- anh Thành nói.
Theo anh, với giống chuối mà bà con trong Nam đang trồng nhiều, muốn xuất khẩu thì phải trồng liên kết theo hợp tác xã, có người “đứng mũi chịu sào”. Đặc biệt phải trồng ở vùng tập trung, có thời gian cách ly với thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất đồng loạt mẫu mã mới đẹp, mới xuất khẩu được. Chứ làm như bà con ở vùng Trảng Bom (Đồng Nai) thì rất khó xuất”.
Theo chia sẻ của "vua chuối" đất Bắc, bà con còn trồng kiểu tự phát, không tập trung, thì không xuất khẩu được. Không cứ gì chuối, nhiều loại hoa quả khác cũng vậy, nên mới sinh ra cảnh “thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa”.
Do vậy, bà con phải liên kết dạng hợp tác xã, trồng quy mô lớn, thống nhất cùng một giống, ngày nào phun thuốc, ngày nào bón phân… phải ghi chép rõ ràng. Lúc thu hoạch cần có thời gian cách ly, không thể xuề xoà với nước ngoài.
Theo “vua chuối” đất Bắc, ngay cả anh cũng phải liên kết với hợp tác xã, với các doanh nghiệp tiêu thụ mua. Anh nói: “Cái quan trọng là kỹ thuật, đầu vào, đầu ra chúng tôi lo tất. Trước khi thu hoạch 1-2 tháng, chúng tôi đã ký hợp đồng, đặt tiền cọc cho bà con nông dân, mua theo giá thị trường nên họ yên tâm. Không thể hứa khơi khơi bằng mồm được. Đã ký kết lo đầu ra, thì đắt rẻ thế nào tôi cũng là người chịu trách nhiệm”.
Theo Phạm Anh/ Tiền Phong