Vững tin trên đường lớn
- Chủ nhật - 15/01/2017 06:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Và rồi không lâu sau đó, ngày 5-6-1911, thầy rời bến cảng Sài Gòn đi tìm đường cứu nước. Anh Văn Ba, tên thầy khi làm phụ bếp trên tàu, đinh ninh lời dặn của người Cha kính yêu: “Thượng y trị quốc, trung y trị dân” (Bác sĩ giỏi chữa bệnh cho nước, bác sĩ bậc trung thì chữa bệnh cho dân). Con đường cứu dân, cứu nước khỏi nô lệ, lầm than đã có bao người đi trước chẳng quản chông gai, xương máu đi tìm. Yêu nước có thừa nhưng các sĩ phu yêu nước thời bấy giờ chưa tìm thấy con đường tới tương lai dân tộc. Chỉ đến Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc mới le lói, mới dần hiện rõ trong mù sương lịch sử. Những lớp sương mù ở Luân Đôn, hay Pa-ri, Mát-xcơ-va chỉ tan dần khi ánh nắng của tư tưởng Lê-nin soi sáng. Phải mất chín năm sau ngày rời xa đất nước, tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc mới tìm thấy con đường ấy. Qua báo Nhân đạo (L’Humanité) Pháp, Người được đọc Luận cương của V.I Lê-nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Sau này nhớ lại, Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Đây là con đường giải phóng chúng ta! Con đường ấy không phải là một phép màu, không phải là một giấc mơ, mà là một cuộc hành trình vĩ đại của cả dân tộc, như điều Bác đã tổng kết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đảng ta ra đời là để gánh trên vai sứ mệnh cao cả đó. Từ mùa xuân năm 1930, trải qua ba cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, Đảng được tôi rèn trong bão táp. Ngọn lửa Xô-viết Nghệ Tĩnh rừng rực cháy thắp sáng những làng quê, những xưởng thợ, những đồn điền cao-su... Tiếng gọi đồng chí thiêng liêng và những tiếng thét căm thù giục bước đoàn người biểu tình đòi kẻ thù phong kiến, đế quốc trả lại cái búa cho người thợ, trả lại cái liềm cho nông dân, trả lại ruộng đất và bầu trời tự do cho những người dân Việt. Trong cuộc đấu tranh ấy nhiều đồng chí lãnh đạo, chiến sĩ cộng sản trung kiên đã anh dũng hy sinh trong nhà tù đế quốc, trước họng súng quân thù, như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Hoàng Văn Thụ... Tổng Bí thư Trần Phú trước lúc hy sinh còn dặn lại: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Chí khí chiến đấu đã sáng ngời trong gian nan, máu lửa. Nhưng phải đến mùa Thu cách mạng Tháng 8-1945, cuộc lên đường vĩ đại nhất của cả dân tộc trong nửa đầu thế kỷ 20 mới tới đích. Người đi như thác đổ. Triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam nát vụn. Xích xiềng, gông cùm nô lệ đã bị tháo bỏ. Nhà nước Việt Nam mới ra đời - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông-Nam Á. Nhưng những cuộc lên đường tiếp theo của dân tộc lại bắt đầu ngay sau ngày độc lập. Toàn dân đứng lên, toàn dân kháng chiến. Chín năm kháng chiến thánh thần kết vành hoa chiến công Điện Biên Phủ. Và 21 năm sau, ngày 30-4-1975, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân đội ta phấp phới bay trên nóc Dinh Độc lập; cây cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng thống nhất non sông. Con đường Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã về tới đích! Nhưng trong “nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng” của ngày toàn thắng, Đảng ta đã thấy nhiều việc cần làm. Việc cần làm trước tiên là nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp dân tộc, đồng bào cả nước cùng tiến lên dựng xây Tổ quốc mạnh giàu. Không được phép chần chừ, do dự, cái đích sau lại bắt đầu ngay từ chính cái đích vừa đến. Sau 30 năm đổi mới, cả nước một lòng góp công, góp sức xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trên chặng đường lịch sử ấy thành tựu rất lớn, nhưng thiếu sót, khuyết điểm còn nhiều. Chặng đường sắp tới, đích đến đã được Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: Phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ta lại cùng Ta trên đường lớn - con đường dân tộc, con đường thời đại. Thời đại ấy được xác định bởi sự phát triển cao của kinh tế, khoa học, của một xã hội văn minh và thịnh vượng. Theo cách nói của Găng-đi (1869-1948), người Anh hùng dân tộc Ấn Độ: “Hãy thay đổi thế giới theo cách mà bạn muốn nhìn nó”. Tại Đại hội XII của Đảng, người Cộng sản Việt Nam “nhìn” rõ: Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức tiếp tục được đẩy mạnh... Trong thời cơ lớn ấy chúng ta vững tin, vượt qua mọi khó khăn, thách thức bằng chính sức mạnh nội lực. Nếu như nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý được coi là “của trời cho” thì những yếu tố chủ quan tạo nên nội lực của một dân tộc là điều quyết định. Nguồn nội lực đó bao gồm sức mạnh tài chính; sức mạnh của nguồn lực con người, tức lực lượng lao động; sức mạnh trí tuệ. Một nguồn nội lực vô cùng quan trọng là sức mạnh của nhân tố lãnh đạo. Lãnh đạo là yếu tố đặc biệt để kết hợp và phát huy có hiệu quả các nhân tố nêu trên. Đảng ta đã chỉ rõ: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII, mới đây một lần nữa khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, nhân dân ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”. Đã qua một năm, đồng bào, đồng chí cả nước nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát, việc cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu, an sinh xã hội được chú trọng... Nhưng hạn chế, yếu kém còn nhiều. Trong đó đáng lo ngại là tình trạng đầu tư thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của một số dự án. Hàng chục công trình nghìn tỷ phơi nắng, phơi mưa, đi kèm với nó là sự thất thoát tài chính, người lao động mất việc làm, cán bộ thoái hóa, biến chất. Chưa có bao giờ người dân lại quan tâm đến những câu chuyện nhức nhối này đến thế. Từ những vị nguyên bộ trưởng, phó chủ tịch tỉnh, tổng giám đốc đến các vị trí khác trong bộ máy công quyền, doanh nghiệp có sai phạm đều được đại diện cử tri hỏi, đại biểu Quốc hội trả lời; đều được điều tra, xem xét, xử lý nghiêm minh, không để “chìm xuồng”. Công khai, minh bạch, tăng cường đối thoại, lắng nghe tiếng nói nhiều chiều của nhân dân không sợ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, trái lại đó là những dấu hiệu tốt lành của dân chủ - dân chủ gắn với dân trí, kỷ cương và trách nhiệm. Xuân Đinh Dậu, 2017, đang về. Một mùa xuân đất nước đổi mới, Đảng ta đổi mới và chỉnh đốn. Vẫn biết đổi mới, chỉnh đốn đảng là nhiệm vụ thường xuyên, rất hệ trọng và cũng rất khó khăn. Đảng mạnh phải từ chi bộ, đảng viên mạnh. Chừng nào còn nhiều cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, sống xa dân, tham nhũng, vô cảm, thực dụng... thì cơ thể đảng chưa thể khỏe mạnh. Những con người có văn hóa cao bao giờ cũng biết cách để đi vào đám đông. Họ hòa vào đám đông không phải để đứng cao hơn, để cao giọng phán xét, mà là để nhấn chìm sự gào thét của cái cá nhân luôn muốn trỗi dậy. Bấy lâu chúng ta thường nói về văn hóa trong Đảng, về những đảng viên trọng đạo đức, trọng nhân cách. Họ chính là những người “đi giữa mọi người” như thế. Dù trong mọi phong ba bão táp, còn Đảng - còn mình; còn dân, còn nước - còn mình. Lòng yêu nước bình dị mà cao cả đến vậy. Như sớm xuân nay, nắng ấm chan hòa trên nhành cây, ngọn lá. |
Theo TRẦN QUANG/ Nhân dân |