Vượng lên từ xoay nghề, đổi vận
- Thứ bảy - 16/12/2017 23:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chuyển hướng, phất lên từ làm nghề
Nguyễn Thị Thạo, người làng Đại Chu, xã Long Châu, huyện Yên Phong, Bắc Ninh là phụ nữ linh hoạt, vừa là nhân viên làm công tác Dân số ở xã, vừa là Ủy viên BCH Phụ nữ huyện Yên Phong, Chủ tịch Câu lạc bộ nữ doanh nhân huyện, vì vậy được Hội Phụ nữ giao làm Tổ trưởng tổ vay vốn ngân hàng.
Khởi đầu kinh doanh của Thạo là xưởng làm đinh đóng gỗ, lúc đó vay vốn TCNT 400 triệu đồng. Nay làm xưởng gỗ mỹ nghệ, thành lập từ năm 2010, chuyên xuất hàng Trung Quốc. Xưởng gỗ giao cho cậu con trai Nguyễn Trung Đức, tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội đứng tên, nhưng thực ra Thạo mới là chủ. Con gái Nguyễn Thị Lan lấy chồng ở Hưng Yên thì mở xưởng nhựa ở Như Quỳnh, là nơi tiêu thụ phế liệu nhựa thu gom của “bà ngoại” Thạo.
Chúng tôi gặp Thạo ở xưởng đồ gỗ giữa ngổn ngang bàn ghế. Xưởng gỗ có dư nợ TCNT 1,2 tỉ đồng, chủ yếu làm hàng thô gỗ Hương vân, phía bạn nhập về lắp ráp, hoàn thiện. Nào mẫu bàn ghế Sơn Thủy, Minh Trọc, Minh Đế, nào Tai Quan, bàn Đôn. Thạo cười vui: “Là Tàu họ gọi thế, mình gọi theo”. Bình quân mỗi lần xuất hàng 70-80 bộ. Bộ Sơn Thủy 10 (đường kính tay vịn 10cm) 165 triệu đồng, bộ bàn Đôn 5 khoảng 30 triệu đồng, bàn Đôn 3 là 15 triệu đồng. Thời điểm hiện tại đang giá thấp, có thể Trung Quốc giảm nhu cầu, có thể họ ép giá?
Làm ăn khó khăn nhất là dịp giàn khoan 981 Trung Quốc xâm phạm vùng biển của ta. Thợ sống ra sao khi tiền vốn ứ đọng trong gỗ mà nhiều tháng không xuất được? Bài học rút ra là, làm ăn với Trung Quốc phải có sách và chủ động, khi Trung Quốc chậm tiêu thụ thì phải chuyển làm hàng nội địa, không để xưởng dừng hoạt động. Làm sao vốn được bảo toàn, lấy ngắn nuôi dài, từng bước vẫn phát triển. Có thời Trung Quốc dừng hàng gần 2 năm, Thạo vẫn duy trì bán nội địa, làm đồ gỗ vụn. Gỗ vụn làm ghế nhi (cho trẻ), tràng hạt…
Tính chủ động, linh hoạt ở người phụ nữ năng động này chính là sự nhanh nhạy chuyển đổi ở nhiều nghề khác. Ngoài làm mộc, chị thu mua phế liệu nhựa, sắt, linh kiện lỗi... bình quân 100 tấn/tháng. Sắt thì bán cho làng nghề Đa Hội, nhựa thì bán cho xưởng của con gái ở Như Quỳnh. Một cán bộ ngân hàng bảo: “Bà Thạo buôn... nước bọt, chỉ mất công giao dịch, người ta gom về đại lý, đủ xe thì bà gọi xe chở thẳng về Đa Hội, Như Quỳnh và thu tiền”. Thạo cười: “Ít tiền lắm, mỗi tháng lời vài ba chục triệu thôi ạ”. Ít ư? Lời ở xưởng gỗ còn giữ kín, phế liệu mỗi tháng vài chục triệu, thù lao dịch vụ cho ngân hàng cũng dăm, bảy triệu; lại là Giám đốc công ty mới, “Hợp tác Phát triển Phát đạt (từ 11.2016)!
Công ty “Phát đạt” làm cung ứng lao động cho Sam Sung (Nhà máy ở Yên Trung, Yên Phong - mới được Chính phủ đồng ý tăng vốn đầu tư 2,5 tỉ USD), dịch vụ cho thuê đất, dịch vụ vận tải với 3 ôtô vận chuyển hàng cho Sam Sung. Sam Sung không chỉ giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, còn tăng thu nhập cho nhiều người làm nghề phế liệụ, dịch vụ nhà trọ công nhân, nhà nghỉ, khách sạn, phòng karaoke mọc lên bời bời. Tốc độ đô thị hóa ở hai xã Yên Trung, Long Châu làm giá đất lên vù vù.
Xưa làng thuần nông, nhà Thạo nghèo lắm. Nhờ sự tháo vát làm ăn và những đồng vốn TCNT nói riêng và ngân hàng nói chung, cuộc sống ở vùng quê này đang những ngày chuyển đổi. TCNT cho người vay vốn cái “cần câu” chứ không cho “cá”. Thập niên 90, một vài ngân hàng cho nông dân miền núi vay, đáng lẽ phải đầu tư dạy nghề, dạy cách làm ăn, cung cấp giống, xem xét “trồng cây gì, con gì?” thì chỉ đưa tiền. Các bố nông dân có tiền là nhao ra chợ, nhào vào chảo thắng cố, rượu uống hàng bát, đã đời lăn ra chợ, ra vệ đường ngủ. Những món “nợ xấu” ấy có mà đòi “lên giời”. Có cá thì “mình phải chén thôi”.
Thạo còn hô “đồng bọn”, tức bạn bè cùng vay vốn cho trang trại lợn, cá, vịt. Em trai Thạo là Nguyễn Văn Đỉnh, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân hẳn hoi, về quê mở nhà máy sản xuất cám chăn nuôi, mở 2 điểm karaoke, có trại lợn 2.000m2, nuôi 500 lợn thịt, lợn nái giống. Tổng dư nợ các ngân hàng 7 tỉ đồng. Tự bê mình lên làm ông chủ, bộn tiền.
Cặp vợ chồng đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu
Câu thành ngữ ấy khá phù hợp với cặp vợ chồng chính gốc nhiều đời nông dân nghèo ở thôn Vạn Ty, Thái Bảo, huyện Gia Bình: Nguyễn Đức Đình và Nguyễn Thị Trang. Chồng sinh 1966, vợ 1965, gần đạt tiêu chí dân gian “nhất gái hơn hai...”. Trong nhà, Đình được vợ “phân công” chuyên buôn bò, còn Trang phụ trách trang trại.
Khi chúng tôi đến thì Đình đang đi chuẩn bị hàng lên biên giới. Trang, trông vẻ ngoài rất nữ thôn, từ dáng người, gương mặt quê hiền hiền nhưng bạn sẽ bất ngờ bởi sự táo bạo, xoay trở làm ăn trong mọi hoàn cảnh, có phần phiêu lưu, hiếm có, khi nghe những câu chuyện của gia đình chị.
Chị bảo: “Nhà chồng em xưa nghèo nhất làng. Cuối những năm 1980, sau khi Đình xuất ngũ, cuộc sống lúc ấy quá khó khăn nên năm 1997 hai vợ chồng để lại hai đứa con trai nhỏ cho ông bà nội, dông thẳng vào TP Hồ Chí Minh ở trọ sinh kế.
Đình chạy xích lô, Trang đẩy xe bán hàng rong. Khi tiền chạy xích lô và bán hàng rong được 25 triệu, vợ chồng bàn mở xưởng gỗ. Do là Đình chuyên chở đồ gỗ cho một chủ xưởng, nên khi nhờ chủ giúp mở xưởng gỗ nhỏ, chính ông chủ cũng ái ngại cho cặp vợ chồng chân ướt chân ráo đến xứ lạ, không biết sẽ làm ăn ra sao? Vậy là ngay năm 1999 Đình - Trang bỏ bán hàng rong làm chủ xưởng gỗ.
“Làm ăn lúc ấy sướng lắm kia, bọn em cứ mua đồ cũ như cánh cửa, tủ gỗ... thuê thợ tân trang, bán giá mềm, chạy ơi là chạy! - Trang hào hứng - Người ta khen em có duyên bán hàng”. Đúng lúc đồ gỗ bán chạy thì người nhà đưa con của Trang vào chơi. Lúc Đình đưa tiễn con ra tàu hỏa về Bắc thì bọn trẻ khóc ngằn ngặt, nhất định không theo thím, đòi xuống tàu với bố. Người đàn ông đa cảm, thương con nghĩ “đường ra Bắc còn dài, không biết con còn khóc đến bao giờ?”. Lập tức Đình đưa con xuống tàu, trở lại quyết định bán xưởng gỗ, cả nhà cùng ra Bắc, no đói có nhau chứ sống xa con mãi thế này, sao chịu được, “tiền tấn cũng bỏ”! Giờ Trang vẫn tiếc lắm. Thực ra, Trang muốn chồng ra trước, cô ở lại thêm một thời gian nữa vì đang lúc bán được hàng. Nhưng “không chịu nhau thì phải chiều nhau”. Vốn mở xưởng gỗ 25 triệu đồng (tương đương 4,5 cây vàng), chỉ một thời gian ngắn bán 60 triệu. Giờ xưởng ấy phải mấy chục cây vàng.
Ra Bắc được đúng một năm, năm 2000, Trang lại xin đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan. Quả là máu làm ăn, không “hoãn” được ý chí đổi đời của cô nông dân táo bạo này. Lúc đầu sang Đài Loan làm cau cho chủ xưởng ở Đài Bắc (Đài Loan là hòn đảo bạt ngàn trầu, cau). Chủ thấy làm tốt, cho Trang đứng ghi công, làm sổ sách. Nhưng xưởng cau lương thấp, Trang bảo chủ “muốn về Việt Nam”. Lấy hộ chiếu xong cô “phắn” về Đài Trung. May gặp một gia đình chuyên bán đồ ăn sáng nhận vào làm. Họ giấu láng giềng, bảo Trang là “cháu”. Trang có duyên bán hàng thật, cô bán thì hàng rất chạy. Bà chủ yêu mến cho phép cô sáng đứng bán cho chủ, chiều bán riêng cải thiện. Lương 10 triệu (VND)/ tháng, bán thêm được bao nhiêu thu gọn bấy nhiêu. Bán đồ ăn được 3 năm thì phải về nước do Cảnh sát bắt được việc trốn ở lại Đài Loan. Họ buộc nhà chủ đóng tiền phạt và mua vé máy bay cho Trang về nước ngay.
Về nước, có vốn hơn 100 triệu, hai vợ chồng đi buôn bò. “Lời lắm anh ơi”. Dân miền Nam ra ăn nằm tại nhà đợi hàng. Mỗi lần chở vào Nam 40-50 con bê, bò nuôi. “Buôn bò sướng, có lúc dư dả mua hàng nạm đô la”. Còn vào Đà Nẵng mở xưởng mây tre đan chung nhau, nhưng không thích cảnh “lắm thầy thối ma” nên lại về Bắc mở xưởng bạc. Do một người cháu đứng thợ cả, chưa đủ kỹ thuật hoàn thiện, nên buộc phải bán xưởng được hơn 200 triệu, lỗ một nửa.
Đang lúc chán, Trang ra ngoài bãi sông Đuống, thấy đất phù sa tốt, lại nghĩ “đất tốt thế, sao không mở trang trại nhỉ?”. Về bàn với chồng, lúc đầu chồng ngủng ngoẳng. Trang một mình ra bãi thuê đất, lấp trũng, đào ao thả cá, trồng cà rốt, khoảng 1,5 mẫu, đầu tư 5 cây vàng. Khi cà rốt lên xanh tốt, trông thích quá Đình mới chịu ra trang trại với Trang.
Bây giờ họ đã làm ngôi nhà xây ba gian, chỉ hai vợ chồng ở để trông nom, điều hành sản xuất trên tổng diện tích 7ha đất bãi, gồm 2 ao cá, 7 mẫu cà rốt, 2ha măng tây, chuồng trại nuôi bò, lợn; đang làm chuyển đổi từ đất thuê 20 năm thành 50 năm. Vợ chồng Đình và Trang đã vay vốn TCNT 500 triệu, đang có nhu cầu vay thêm từ 1,5-2 tỉ đồng để đầu tư mở rộng trại nuôi bò vỗ béo, cứ sau 3 tháng lại xuất chuồng. Năm 2016, thu cá 300 triệu; cà rốt bán tại ruộng, 6,5 triệu đồng/sào, 7 mẫu được 450 triệu đồng; măng tây 20 tấn/2ha, 60.000 đ/kg thu 1,2 tỉ đồng/năm.
Nhân nói về cà rốt, tôi lại vừa mới xem một phóng sự VTV về chuyến hàng cà rốt Bắc Ninh 100 tấn đầu tiên xuất khẩu sang Malaysia thông qua đối tác Supreme Freshfarm, sau ba mặt hàng vải thiều, nhãn, thanh long của Việt Nam. Tuy giá cà rốt Bắc Ninh ở hệ thống siêu thị tại Malaysia chỉ tương đương 10.200đ/kg nhưng bước đầu là để quảng bá thương hiệu. Cà rốt được người Malay rất ưa chuộng, dùng làm bánh, sốt cà ri, nước sinh tố. Các cửa hàng cũng như khách mua đều có thiện cảm với cà rốt Việt Nam, họ cho rằng cà rốt Việt Nam củ to, rất tươi, đẹp mã hơn cà rốt Trung Quốc, giá lại rẻ nên nhiều người mua. Đây là thị trường triển vọng cho cà rốt Bắc Ninh phát triển trong thời gian tới.
Khởi đầu trồng măng tây là mua giống ở Nghệ An, 3.000 cây giống hết 450 triệu đồng (15.000đ/cây) nhưng sau khi trồng chết già nửa, chưa kể chi phí giàn phun nước. Người nhà đều khuyên bỏ măng tây, đầu tư vào cây, con khác. Trang vẫn tự tin, điện cho các cháu đang ở Mỹ, Hàn Quốc hỏi mua giống. Một người cháu đã mua hạt măng tây xách tay từ Mỹ về. Trang đọc các sách về kỹ thuật gieo trồng, và gieo hạt. Bây giờ, diện tích măng tây 2ha, có thể cung cấp cây giống cho nhà nông quanh vùng. Năm ngoái giá măng 60.000đ/kg, năm nay lên 100.000đ/kg. Vụ thu hoặch măng tây năm 2016, trừ mọi chi phí, Trang còn lãi 1 tỉ đồng. Vợ chồng cô quyết định đầu tư cho cậu trai lớn một cửa hàng ăn ở thành phố Bắc Ninh và hai anh em, mỗi người một xe taxi.
Có người muốn mua lại trang trại 3 tỉ đồng nhưng Đình và Trang không bán. Họ đang muốn mở rộng diện tích cà rốt nếu xuất khẩu tốt; muốn mở trại bò, nếu được vay thêm vốn. Hàng ngày họ thuê lao động thường xuyên 5 người, khi cao điểm thu hoạch cà rốt, măng tây có thể 20-25 người. Đình buôn bò, một con bò mua về vỗ béo để bán, trừ chi phí có thể lãi 1,5 triệu đồng/con. Xưa mua trâu, bò đổ cho các lò thịt ở Mai Động, Hà Nội, nhiều chuyến hàng Đình phải sang tận Nam Ninh, Trung Quốc mua về. Nay thì đưa bò ngược lại từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Cuối chiều Đình cũng vừa kịp về. Tôi bảo: “Vợ chồng chú đúng là đồng thanh tương ứng”, vợ chồng cùng máu mê làm ăn, lại rất hòa hợp, may mắn trong thương trường. Cảm động nhất là chi tiết vì con mà chú bỏ xưởng gỗ đang “thuận buồm xuôi gió” ở phương Nam. Đình cười, bắn một điếu thuốc, nhả khói phì phèo, “người ta có số cả đấy anh ạ”, vợ chồng em cứ chân quê nhịp nhàng thế thôi. Tối nay em phải theo xe chở 11 con bò lên cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn đây, vất vả lắm.
Về nông thôn Bắc Ninh, gặp những mẫu người như Nguyễn Thị Thạo, vợ chồng Nguyễn Đức Đình và Nguyễn Thị Trang... họ chẳng đã làm cho cuộc sống từng ngày thoát nghèo, vượng dần lên đó sao!
Theo Lao động