Vượt thách thức mới phát triển bền vững

Vượt thách thức mới phát triển bền vững
Mục tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Đã có nhiều kịch bản, mô hình để khu vực này thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), song theo nhiều chuyên gia, nhà khoa học, thì phải chỉ ra được những thách thức chủ yếu để giải quyết thấu đáo mới đưa ĐBSCL phát triển bền vững.

Những thách thức sống còn

ĐBSCL nằm ở cuối nguồn châu thổ sông Mê Công, giáp với biển, được hình thành trong quá trình kiến tạo phù sa, do đó chịu tác động của các biến đổi tại chỗ, từ phía thượng nguồn lưu vực Mê Công và từ phía biển. Là một châu thổ trẻ, ĐBSCL đang chịu tác động kép từ BĐKH, nước biển dâng và từ việc sử dụng nước ở thượng nguồn. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, cho rằng: “Khu vực này hiện đang đối mặt với các thách thức lớn, đó là: BĐKH, khai thác quá mức nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Công và những vấn đề phát triển thiếu bền vững ở ĐBSCL, bao gồm: Quản lý Nhà nước thừa chồng chéo, thiếu phối hợp; chất lượng nguồn nhân lực thấp; hạ tầng cơ sở chưa tương xứng; sụt lún, sạt lở, ô nhiễm nguồn nước… Những thách thức trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, ở phạm vi tại vùng, khu vực và toàn cầu”.

 

Sạt lở nghiêm trọng ở một nhánh sông Hậu trên địa bàn thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: HỒNG HIẾU  
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ năm 1992 trở lại đây, sạt lở càng ngày càng nghiêm trọng. Hiện tại, hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL đang sạt lở. Tổng sạt lở bờ sông, bờ biển lên tới 891km với mức độ thiệt hại vô cùng lớn. Ước tính mỗi năm, nước ta mất khoảng 300ha đất và xu hướng ngày càng tăng. Đó không chỉ do BĐKH, nước biển dâng mà còn do chính con người gây nên. Nạn khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu tràn lan, rồi đào giếng lấy nước ngầm, xây dựng công trình trên bờ sông, bờ biển sát mép nước… Chỉ tính riêng ở Cà Mau đã có hơn 10.000 giếng khoan nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, phân tích: Sự can thiệp vào hệ thống điều hòa tự nhiên đã làm tăng sạt lở, ngập và hạn, mặn. Trong 20 năm qua, rất nhiều diện tích đất ở 2 “túi nước” Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã bị đê bao khép kín để canh tác lúa vụ ba (thu đông). Đê bao khép kín làm thu hẹp không gian và thể tích hấp thu lũ của ĐBSCL, nên những khối nước khổng lồ này gây ngập ở vùng hạ lưu và chảy hết ra biển trong mùa lũ. Đến mùa khô, 2 “túi nước” lại không có nước để bổ sung cho dòng chính đẩy mặn ra, làm gia tăng xâm nhập mặn. Hậu quả đó chính do con người, do công tác quy hoạch thiếu bền vững gây ra.

 

Nhấn mạnh về những thách thức lớn đặt ra đối với vùng ĐBSCL, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Phong, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khẳng định: BĐKH, nước biển dâng là thách thức lớn ảnh hưởng tới cả khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, thách thức về việc khai thác quá mức tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong khi nhu cầu về nước dưới hạ lưu vùng đồng bằng ngày càng tăng rất đáng quan tâm. Thêm nữa là thách thức trong quy hoạch thiếu bền vững, về nông nghiệp vẫn coi trọng số lượng; năng suất lao động thấp, mức độ cơ giới hóa và mạng kết cấu hạ tầng kinh tế-kỹ thuật phát triển chậm… khiến ĐBSCL chưa phát triển tương xứng.

Giải pháp nào cũng phải vì cuộc sống người dân

Từ những thách thức, các chuyên gia khuyến cáo, cần chủ động thích ứng, chuyển hóa thách thức thành cơ hội để phát triển bền vững ĐBSCL trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên và phải vì lợi ích người dân. Đối với ĐBSCL, nếu thiên về công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng sẽ không phù hợp, bởi điều kiện tự nhiên vùng sông nước không cho phép; nhưng nếu chỉ sản xuất nông nghiệp thuần túy sẽ không thoát khỏi lối mòn. Bởi vậy, nhiều chuyên gia kiến nghị phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa, sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ số lượng sang chất lượng, ứng dụng công nghệ cao.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng: Lâu nay, chúng ta quy hoạch, phát triển thường là duy ý chí, riêng lẻ từng ngành và ngành nào cũng tưởng ngành mình là quan trọng nhất. Cho nên muốn phát triển bền vững, trước hết cần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng quy hoạch tích hợp. Nguyên tắc chung là, còn để nông dân làm ăn cá thể, đất đai manh mún, tự cung tự cấp, tự do canh tác thì nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Bởi vậy, phải tích hợp lại, tìm ra những cây, con đang và sắp cần, có giá trị và mang tính chiến lược cao để đầu tư từ sớm, từ xa vì một ĐBSCL phát triển thịnh vượng.

Bằng những phân tích khách quan về thực trạng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và thách thức hiện hữu ở vùng ĐBSCL, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện đề xuất: Công trình, đê bao cũng gây ra những hệ lụy. Cho nên cần hạn chế các công trình lớn như đắp cửa sông và ngọt hóa, vừa kém hiệu quả, vừa đảo lộn điều kiện tự nhiên, không thể cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất được. Tác động lớn nhất của các công trình ngăn sông, ngăn mặn là làm mất chế độ thủy triều, tạo thành vùng nước tù ô nhiễm, mất sự trao đổi sinh thái với biển, ảnh hưởng đến sinh thái nội địa và sinh thái biển. Đồng thời chú trọng chuyển hướng chiến lược sang nông nghiệp bền vững, chú trọng giá trị hơn số lượng. Đối phó với sụt lún, sạt lở thì con đường duy nhất để cứu ĐBSCL là phải giảm sử dụng nước ngầm, quản lý khai thác cát chặt chẽ để bảo đảm duy trì bờ sông, bờ biển và đẩy mạnh phục hồi rừng ven biển. Ngành thủy lợi phải chuyển từ làm đập ngăn mặn sang kiểm soát mặn, làm cống 2 chiều tưới tiêu thích hợp…

Song, dù chuyển đổi hay chiến lược có đúng đắn, khoa học, bền vững đến đâu thì vẫn nhằm mục tiêu cao nhất là phục vụ con người và con người vẫn là yếu tố quan trọng để tạo nên một diện mạo mới cho chính khu vực mình đang sống. “Phải có những con người tâm huyết, am hiểu, có trách nhiệm để thực thi chiến lược; đồng thời chủ động nâng cao dân trí, dạy nghề phi nông nghiệp, chuyển đổi lao động ra ngoài vùng và đầu tư khoa học công nghệ theo từng lĩnh vực, phục vụ yêu cầu thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững ĐBSCL vì chất lượng cuộc sống người dân”-chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường Tô Văn Trường nhấn mạnh.

CHÂU GIANG/QDND