Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) toàn diện, bền vững, tiến tới xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, bảo đảm cuộc sống ổn định cho nhân dân… là mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ea Nam (Ea H’leo, Đắk Lắk).
Cuộc cách mạng lớn
Về Ea Nam (xã về đích NTM năm 2017), được đi trên các tuyến đường bê tông giữa các khu dân cư, qua những vườn đồi đất đỏ cao nguyên bazan bạt ngàn cà phê, ca cao, hồ tiêu, sầu riêng, bơ… xanh trĩu quả, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về những nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ea Nam trong XDNTM.
Ông Phạm Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Ea Nam,cho biết: Ea Nam nằm trong đặc thù chung của vùng đất Tây Nguyên, địa hình rộng, dân cư không tập trung; nhiều đối tượng tội phạm trốn truy nã về ẩn náu, phức tạp về an ninh trật tự…; tỷ lệ hộ nghèo cao.
Thực hiện Chương trình XDNTM, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nhân dân, cũng như các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó, người dân còn đóng góp ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, phá bỏ các công trình và cây công nghiệp có giá trị để làm các công trình giao thông cũng như các công trình công cộng.
“Chương trình XDNTM là cuộc cách mạng lớn làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đường sá giờ đây thuận tiện cho người dân đi lại trong sinh hoạt và phát triển sản xuất. Xã không còn nhà dột nát, tạm bợ; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khang trang…; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, bình quân thu nhập đầu người ước đạt 34,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,56%”.
Thu nhập là tiêu chí cốt lõi
Ông Phạm Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Ea Nam nhấn mạnh: “Chương trình XDNTM là “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội; tạo đà cho địa phương nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư, hoàn thiện các công trình phúc lợi; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “đẹp nhà, sạch đường, sạch ruộng nương”, chỉnh trang khu dân cư gắn với khuôn viên sân vườn… nhằm hướng tới XDNTM kiểu mẫu”.
Theo ông Kiên, hiện tình hình kinh tế - xã hội địa phương đang trên đà phát triển, xã đã thu hút 8 doanh nghiệp cung ứng vật tư; 1 doanh nghiệp xăng dầu đầu tư trên địa bàn; mở ra 218 cơ sở kinh doanh, thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp tại khu vực chợ trung tâm; 8 xe vận tải hành khách, hàng hóa (hạng trung trở lên) phục vụ, đáp ứng cao nhu cầu đi lại và đời sống của nhân dân.
Xác định thu nhập là tiêu chí cốt lõi trong XDNTM, xã đã nhanh chóng sắp xếp lại hình thức tổ chức sản xuất; triển khai thực hiện nhiều mô hình kinh tế, sản xuất; nuôi trồng xen canh đa cây, đa con; thành lập các HTX nông nghiệp (trong đó có 3 HTX đang hoạt động hiệu quả) và các tổ sản xuất cà phê bền vững; kết nối, sản xuất hàng hóa theo chuỗi, đồng thời áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật; lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ sản xuất; tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển…
Chị Đặng Thị Nguyệt ở thôn 3 chia sẻ: “Gia đình có 2ha rẫy, qua các buổi chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn nông nghiệp do xã tổ chức, tôi đã thay đổi cách làm. Được hỗ trợ vay vốn, tôi mạnh dạn chuyển đổi mua các giống cây ăn trái như bơ, sầu riêng… trồng xen trong vườn hồ tiêu. Trừ đi chi phí, gia đình có nguồn thu ổn định 300 triệu đồng/năm”.
Nhờ ổn định kinh tế, chị Nguyệt mở rộng kinh doanh thu mua nông sản, phân bón, có điều kiện giúp đỡ, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.