Xây dựng HTX kiểu mới, khâu đột phá để phát triển nông nghiệp bền vững

Xây dựng HTX kiểu mới, khâu đột phá để phát triển nông nghiệp bền vững
Ngày 27/11, tại Trà Vinh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị chuyên đề “Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã kiểu mới tại Trà Vinh”. Tham dự có trên 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo tỉnh, đại diện các hội, đoàn thể, các HTX và người nông dân toàn tỉnh Trà Vinh.

 

Quang cảnh Hội nghị tại Trà Vinh.

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh, đến nay toàn tỉnh có 100% HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và được Liên minh HTX Việt Nam đánh giá là một trong năm tỉnh dẫn đầu của cả nước.

Đến nay, toàn tỉnh hiện có 93 HTX (trong đó có 46 HTX nông nghiệp, 10 HTX xây dựng, 7 HTX giao thông vận tải, 6 HTX tiểu thủ công nghiệp, 2 HTX điện, 6 HTX thương mại - dịch vụ và 16 quỹ tín dụng nhân dân) với 32.016 thành viên tham gia, với tổng số vốn điều lệ 114.789 triệu đồng, vượt 50% kế họach đề ra trong năm 2016. Năm 2016 Trà Vinh thành lập mới 15 HTX. Bình quân 1 xã viên góp vốn vào HTX 13 triệu đồng…

Tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.

Nông nghiệp Việt Nam nhiều bất cập kéo dài

Việt Nam có 10 sản phẩm cây, con có năng suất sinh học cao hơn năng suất bình quân thế giới: Cá tra, hạt điều, tiêu, cà phê, nho, dừa, cao su, sắn, gạo, chè. Nhiều mặt hàng xuất khẩu nằm ở tốp đầu thế giới như: Tiêu và hạt điều (đứng thứ nhất), các mặt hàng đứng thứ 2 gồm cà phê, sắn hoa tươi, dừa…

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra 4 bất cập của nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang vướng phải. Đó là: Hiện tượng được mùa rớt giá năm nào cũng xảy ra; Các hộ nông dân thường xuyên thiếu vốn mặc dù đã có chính sách hỗ trợ của Nhà nước; Thu nhập của nông dân thấp hơn nhiều so với lao động trong công nghiệp và dịch vụ; Nông nghiệp chiếm khoảng 47% lao động nhưng chỉ đóng góp 19% vào tổng sản phẩm nội địa; Xuất khẩu nông sản không ổn định về giá và lượng, bị động trong tiêu thụ.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Phương thức sản xuất của chúng ta không tương thích với kinh tế thị trường”. Cụ thể, diện tích canh tác và quy mô sản xuất nhỏ. Theo thống kê của Bộ kế hoạch - Đầu tư, Việt Nam có 11,9 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 80% số hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 1 ha.

Quy mô lao động nhỏ và trình độ lao động thấp, cứ bình quân 1 hộ nông dân thì có 2 lao động và 2 người phụ thuộc. Trong tổng số 21 triệu lao động nông nghiệp thì 97,05% không được đào tạo nghề.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ các mâu thuẫn trong sản xuất nông nghiệp là nguyên nhân chính dẫn ra các bất cập kéo dài đó là: Sản xuất trong cơ chế thị trường song lại không biết nhu cầu của thị trường; hộ nông dân cần vay vốn song không đủ điều kiện vay vốn; năng suất tăng liên tục song thu nhập tăng rất chậm; nông dân phải liên kết với doanh nghiệp, song các doanh nghiệp không thể liên kết trực tiếp với hàng vạn hộ nông dân riêng lẻ; thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hoá, song các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm không thể giám sát trực tiếp hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha mỗi hộ; nông dân cần ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, song các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ khoa học - công nghệ không thể hướng dẫn trực tiếp cho gần 10 triệu hộ riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha và nuôi trồng những loại cây, con khác nhau.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Khi nào mà nền sản xuất nông nghiệp nước ta còn là các hộ riêng lẻ, không liên kết với nhau, thì 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi là 10 triệu hộ yếu thế. Giải pháp cơ bản để giải quyết các mâu thuẫn này chính là thành lập các HTX kiểu mới, theo Luật HTX năm 2012”.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.

Cần nâng cao nhận thức cho người dân khi tham gia HTX

Muốn vận động, kêu gọi người nông dân tham gia vào HTX, cần phải giúp người nông dân và các xã viên hiểu được các quyền mà họ có khi tham gia vào HTX trong đó quyền đầu tiên là “Được ưu tiên làm việc cho HTX và được trả công lao động theo quy định của Điều lệ HTX”.

Quyền thứ hai là “Hưởng lãi chia theo vốn góp, công sức đóng góp và theo mức độ sử dụng dịch vụ của HTX”.

Tuy nhiên nếu chỉ như vậy, xã viên thực chất là người làm công cho HTX, được trả công và chia lãi theo vốn góp. HTX điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Đây là điều trái với qui luật ra đời và phát triển HTX sản xuất của thế giới 150 năm qua.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Cái gì HTX làm có lợi hơn là xã viên tự làm, hoặc cái gì xã viên không thể làm được thì HTX làm, qua đó làm cho sản xuất của các hộ xã viên hiệu quả cao hơn (mua vật tư trên thị trường; dịch vụ làm đất, thủy lợi; vay vốn cho sản xuất; tổ chức dạy nghề cho nông dân; nghiên cứu nhu cầu thị trường và qui hoạch trồng cây, nuôi con phù hợp với nhu cầu thị trường; tiêu thụ sản phẩm cho hộ nông dân; xây dựng nhà kho, chế biến sản phẩm; xây dựng các quỹ dự phòng rủi ro).

Bản thân các hộ xã viên vẫn là người sản xuất trực tiếp, sản phẩm cây, con mà họ làm ra thuộc sở hữu của họ, không phải của HTX. HTX không phủ định, thay thế kinh tế hộ, mà làm cho kinh tế hộ hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh cao hơn, thu nhập của hộ xã viên cao hơn.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Nông dân liên kết qua HTX là mô hình cơ bản nhất để đảm bảo quyền lợi, quyền làm chủ của nông dân, từ đó làm cơ sở để liên kết sản xuất ở mức độ cao hơn, có lợi cho nông dân hơn qua liên kết thành lập Liên hiệp HTX hoặc liên kết với các doanh nghiệp.

Thông qua phương thức sản xuất HTX và Liên hiệp HTX, vị thế của người nông dân trong đàm phán mua bán trên thị trường được thay đổi căn bản, là tiền đề để phân phối lại giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu tham dự Hội nghị.

“Trà Vinh cần tôi có mặt”

Cũng theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh, trong số các hợp tác xã, số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Trà Vinh chiếm số lớn nhất với 46 HTX có 2.482 thành viên tham gia, giải quyết việc làm thường xuyên cho 452 lao động địa phương. Các HTX nông nghiệp đã thực hiện tốt một số dịch vụ cho thành viên như: cung ứng lúa giống, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp...

Theo đánh giá sơ bộ của Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, mức lợi nhuận trên 100 triệu đồng có 7 HTX, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực thuỷ sản và dịch vụ nông nghiệp, đạt từ 8-100 triệu đồng có 12 HTX…

Hội nghị chuyên đề còn ghi nhận thêm 10 tham luận và ý kiến, kiến nghị của đại diện các HTX tỉnh về quá trình chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới và những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động của HTX kiểu mới.

Ông Phạm Văn Trường, Giám đốc HTX nuôi nghêu Tiến Thành, xã Long Hoà, huyện Châu Thành cho biết: HTX được thành lập từ năm 2005, đến nay có 321 xã viên, vốn điều lệ khoảng 8 tỷ đồng, tăng 12 lần so với khi thành lập. Thu nhập hàng năm của HTX khoảng 10 tỷ đồng.

Ông Trường kiến nghị, do các xã viên chủ yếu là các hộ có thu nhập trung bình hoặc khó khăn vì vậy trung ương cần miễn tiền thuế thu nhập đầu tư vốn cho các xã viên.

Địa phương cần nghiên cứu ra các giống nghêu để cung cấp cho HTX vì thời gian qua, HTX phải mua nghêu giống thiên nhiên từ nơi khác nên nguồn giống không ổn định, giá cả lại thất thường.

Còn ông Trần Văn Công, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Mỹ Châu xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành kiến nghị chính quyền địa phương cần hỗ trợ quỹ đất để đầu tư kho, bãi chứa và phòng và hỗ trợ vốn để đầu tư máy móc.

Thủ tục để HTX để tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ còn rườm rà khiến cho các HTX của tỉnh Trà Vinh đến nay vẫn không tiếp cận được.     

Ghi nhận những kiến nghị các HTX, ông Trần Trí Dũng, Bí thư tỉnh uỷ Tỉnh Trà Vinh: Đề nghị Liên minh HTX tỉnh tập hợp các ý kiến kiến nghị của đại diện các HTX báo cáo Tỉnh uỷ, UBND, tìm cách tháo gỡ. Đối với những kiến nghị với trung ương về cơ chế chính sách cho HTX trong quá trình hoạt động, Tỉnh uỷ, UBND sẽ đại diện kiến nghị về trên để tháo gỡ những khó khăn trong thời gian tới…   

Để Trà Vinh hình thành và triển các HTX kiểu mới trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra một số nhiệm vụ cấp bách như: Đề nghị Trà Vinh là tỉnh đi đầu, mở các lớp kiểm toán làm cộng tác viên cho Liên minh HTX để cuối năm kiểm toán lại hoạt động của các HTX, nếu HTX nào hoạt động chưa tốt thì sẽ nhanh chóng khắc phục, còn HTX nào làm tốt thì khen thưởng và nhân rộng.

Năm 2018, Trà Vinh cần thành lập hội liên hiệp HTX chuyên các sản phẩm đặc thù của tỉnh và tìm đầu ra cho sản phẩm. Liên minh HTX hỗ trợ người dân mua đầu vào là vật tư, phân bón cho người nông dân. Tập trung thực hiện các chính sách nhà nước ban hành.

“Thủ tướng đã có Quyết định số 445/QĐ-TTg thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020”. Chưa bao giờ vùng ĐBSCL lại được ưu tiên có một cơ chế chính sách riêng để phát triển HTX vì vậy chúng ta cần nắm bắt thời cơ này”.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ với lãnh đạo và người nông dân tỉnh Trà Vinh: “Trong quá trình xây dựng, hình thành và phát triển HTX kiểu mới, Trà Vinh cần tôi có mặt”.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân kết luận: Với Luật HTX năm 2012 và các kết quả, tấm gương HTX kiểu mới ở nhiều địa phương, nếu chúng ta đẩy mạnh việc hình thành và triển khai các HTX kiểu mới và Liên hiệp HTX thì đây là yếu tố nền tảng quan trọng nhất, là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam và nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân Việt Nam trong giai đoạn 2016-2030…

Bài, ảnh: Quốc Trung/daidoanket.vn