Xây dựng NTM tại Thuần Mỹ, Ba Vì: Dân vận tốt là mấu chốt của thành công

Xây dựng NTM tại Thuần Mỹ, Ba Vì: Dân vận tốt là mấu chốt của thành công
Đó là kinh nghiệm được đúc kết của cán bộ lãnh đạo xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì sau những năm triển khai và hoàn thành dự án xây dựng nông thôn mới (XD NTM).

 

Bí thư Đảng ủy xã Thuần Mỹ Phạm Văn Sơn tiếp đoàn báo chí.

Từ một xã khó khăn, đời sống người dân nghèo nàn cả về vật chất lẫn tinh thần, thì nay, sau gần 7 năm kể từ ngày đặt những viên gạch đầu tiên cho dự án XD NTM, mỗi góc làng, ngõ nhỏ đều sạch sẽ, khang trang và quan trọng hơn cả là có thể dễ dàng nhìn thấy nét rạng rỡ trên mỗi gương mặt người dân mà ta gặp.

Luôn lấy dân làm gốc

Xã Thuần Mỹ huyện Ba Vì thuộc xã vùng đồi gò bán sơn địa cách trung tâm huyện Ba Vì 20km, cách trung tâm Thủ đô 70km, là xã tương đối sâu và xa. Là xã thuần nông, địa bàn rộng, dân cư ở rải rác không tập trung với 1.500 hộ dân, 7.000 nhân khẩu rất khó khăn cho việc xây dựng NTM. 

“Năm 2010 sau khi tiếp nhận chủ trương XDNTM, chúng tôi rất bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn. Thực sự không biết bắt đầu từ đâu. Tư duy cán bộ, đảng viên mơ hồ và luôn nghĩ: xây dựng NTM là Nhà nước đem tiền của về cho xã xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, khi vào thực tế chúng tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Cơ sở hạ tầng yếu lại thiếu nếu tập trung xây dựng thì liên quan quá nhiều kinh phí như trường, trạm, đường thì liên quan đến giải tỏa nhiều hạng mục công trình của dân” - Ông Nguyễn Văn Diên - Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ cho hay.

“Để hoàn thành Dự án XD NTM, theo dự kiến thì cần gần 300 tỷ đồng. Đó quả thực là số tiền vô cùng lớn đối với chúng tôi. Vốn đầu tư của Thành phố 13%, huyện 10,3%, xã 10,6% như vậy là tổng vốn hỗ trợ chỉ chiếm gần 34% tổng số vốn của Dự án” - “Vậy thì số tiền còn lại biết lấy ở đâu. Ban lãnh đạo xã chúng tôi lúc đấy thực sự lo lắng. Khi bắt tay vào xây dựng, đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, thì Thuần Mỹ mới có hai tiêu chí đạt đó là hệ thống chính trị và an ninh trật tự; 4 tiêu chí cơ bản đạt và 13 tiêu chí chưa đạt. Sau khi rà soát, xã đã phối hợp với các phòng ban của huyện, cùng với Thành phố tiến hành quy hoạch chung XD NTM” - ông Phạm Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo XD NTM xã Thuần Mỹ chia sẻ

“Cái khó ló cái khôn, trước tình hình trên, xã đã rà soát toàn bộ tiêu chí, tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí nào cần đến huy động sức dân phải làm tốt công tác dân vận để nhân dân cùng tham gia đóng góp đồng thời cần thực hiện việc dân biết, dân làm, dân kiểm tra” – đồng chí Sơn nhớ lại.

Để từng bước thực hiện mục tiêu này, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã Thuần Mỹ đã huy động sức dân. Đến nay, bằng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, 100% đường làng, ngõ xóm ở Thuần Mỹ đã được bê tông hóa, với chiều rộng từ 3m trở lên ở đường ngõ, đường liên xóm, liên thôn rộng 7m trở lên. Có 870 hộ đã tự nguyện hiến 26.000 m2 đất, 19.000 m2 tường rào và các công trình của nhà mình để mở rộng đường làng. Có nhiều hộ hiến 180 m2 đến 300 m2 đất. Đến nay, cơ sở hạ tầng của địa phương được đầu tư khá đồng bộ. Hệ thống các trường học trong xã đều đạt chuẩn quốc gia, từ năm 2012, địa phương duy trì xe ô tô đưa đón học sinh, tạo sự tin tưởng cho các bậc phụ huynh.

Khu đại đình có trị giá 20 tỷ đồng.

Trưởng ban chỉ đạo XD NTM xã Thuần Mỹ cho biết thêm: “Bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, lãnh đạo chúng tôi xác định phải làm tốt vấn đề văn hóa tinh thần. Vì thế, các hoạt động văn nghệ, thể thao được khơi dậy. Việc làm đầu tiên là tập trung xây dựng một ngôi nhà chung mang đậm văn hóa tâm lý đó là ngôi đại đình. Công trình này do nhân dân hiến 2.000m2 đất để có mặt bằng thi công gần 1 ha. Chỉ trong 16 tháng ngôi bảo tự của xã đã được hiện hữu với số kinh phí lên đến 20 tỷ đồng đều do xã hội hóa”. 

“Ngôi đại đình dùng để thu phục nhân tâm, tuyên truyền chủ trương trong đó lồng ghép nhiều cho xây dựng NTM. Chúng tôi đã thông qua người già để thực hiện theo tư tưởng truyền thống, ông bà nói con cháu nghe, ông bà bảo con cháu làm” – ông Sơn tiết lộ. Phải khẳng định rằng, thành công chúng tôi có được hôm nay chính là nhờ biết dựa vào sức mạnh của khối đoàn kết, lấy hội người cao tuổi làm nòng cốt coi như như lực lượng Diên Hồng” - Bí thư Sơn nhấn mạnh.

Đã hình thành một tư duy sản xuất mới cho bà con

Người dân hăng hái tham gia sản xuất trên đồng ruộng.

Về xã Thuần Mỹ những ngày này, những cánh đồng chuyên canh các loại cây như chanh đào, ổi, nhãn… xanh mướt mắt. Người dân ở đây cho biết, đời sống của họ đã được cải thiện tốt hơn trước rất nhiều, thu nhập bình quân đạt 26-32 triệu đồng/người/năm. 

Để làm tốt được điều này, cần sự chung tay vào cuộc của cả chính quyền lẫn người dân. Thuần Mỹ là một trong những xã đi đầu thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, XD NTM của huyện Ba Vì.

Thuần Mỹ luôn tạo điều kiện cho các hộ nông dân được sử dụng đất ổn định lâu dài để phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, nâng cao thu nhập. Ngay từ năm 2014, xã đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với đề án thí điểm tích tụ ruộng đất thông qua hình thức thuê, góp ruộng. Đồng thời, ban hành nhiều quy chế mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. 

Ông Nguyễn Văn Diên - Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ cho biết, theo chủ trương, xã Thuần Mỹ thực hiện dồn điền đổi thửa được 111,6 ha diện tích đất canh tác.

Sau khi dồn đổi xong, mỗi hộ chỉ còn 1 – 2 sào ruộng nên khi muốn phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sẽ rất khó khăn. Để cởi nút thắt này giúp dân phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền xã đã chủ trương vận động Nhân dân tích tụ ruộng đất để sản xuất theo hướng công nghiệp quy mô lớn.

“Trong điều kiện còn khó khăn, đồng ruộng chủ yếu là vùng bãi, ngoài việc duy trì các mô hình táo, ớt, chuối tiêu hồng, tới đây Thuần Mỹ sẽ triển khai thêm dự án trồng hành hoa và rau gia vị để bà con sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập” - ông Diên cho biết thêm.

Xã Thuần Mỹ hôm nay dấu ấn sau dồn điền đổi thửa đã biến mảnh đất nơi đây ngày càng trở nên màu mỡ. Theo đó, trên địa bàn xã đã dần hình thành được các mô hình sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, những vùng đất cát bạc màu, ruộng đồng manh mún, thiếu nước sản xuất trước kia cũng được đổi thay bằng những trang trại chăn nuôi, xen lẫn với cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. 

Tuy nhiên, ngoài hiệu quả về kinh tế nâng cao thu nhập, theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, cái được lớn nhất sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa tại Thuần Mỹ là đã hình thành một tư duy sản xuất mới cho bà con. Đó là dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để vươn lên từng bước làm giàu. 

Diện tích tự nhiên toàn xã Thuần Mỹ là 1.240 ha, phía Tây là dòng sông Đà tiếp giáp Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ có hai bãi nổi giữa sông, có 14ha nằm trên đảo Ngọc xanh của Công ty du lịch Ao Vua. Là vùng đất địa linh đầu gối núi, là khu di tích K9 Đá chông, nơi Bác Hồ từng sống và làm việc và yên nghỉ trong những năm tháng chiến tranh chống Mĩ. Chân hướng về đồng bằng đặt lên mạch nước ngầm được thiên nhiên ban tặng là nguồn nước khoáng nóng quý hiếm.


Tác giả bài viết: Minh Lê

Nguồn tin: tbdn.com.vn