Xây dựng đội ngũ cán bộ Tuyên giáo vừa “hồng”, vừa “chuyên”
- Thứ ba - 13/10/2015 05:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng trò chuyện với lãnh đạo ngành Tuyên giáo bên lề kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI. |
Từ nhận thức đến kết quả
Hiện nay, tình hình thế giới, trong nước có nhiều chuyển biến mới; tỉnh nhà đang dồn sức triển khai các công trình, dự án lớn, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự vững mạnh, công tác tuyên giáo đòi hỏi phải đổi mới ngang tầm nhiệm vụ, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; tinh thông, nhanh nhạy và sáng tạo, có phương pháp làm việc khoa học... xứng đáng là “người chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền của Đảng” có vai trò vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Với nhận thức sâu sắc đó, thời gian qua, cấp ủy đảng các cấp đã luôn chú trọng chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Hiện, hệ thống tuyên giáo từ tỉnh đến huyện có gần 140 cán bộ chuyên trách, cấp xã có 262 cán bộ kiêm nhiệm; 600 báo cáo viên các cấp. Trình độ chuyên môn: cao đẳng, đại học chiếm 84,2%; thạc sỹ chiếm 18,2%; về trình độ chính trị: cao cấp, cử nhân chiếm 76,4%, trung cấp chiếm 13,2%. Trong nhiệm kỳ qua, đã có hàng chục cán bộ tuyên giáo trưởng thành, trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện và tương đương. Đây là những con số khẳng định sự phát triển, trưởng thành của đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp.
Cán bộ tuyên giáo các cấp đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, luôn bám sát thực tiễn, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các dự án, chương trình phát triển kinh tế trọng điểm. Hoạt động tuyên giáo đã góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội; luôn tham mưu cấp ủy đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của T.Ư, của tỉnh.
Bên cạnh đó, hệ thống tuyên giáo các cấp đã vào cuộc quyết liệt tuyên truyền định hướng phát triển của tỉnh, tập trung cao cho các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tái cấu trúc nền nông nghiệp, các công trình dự án trọng điểm… Công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí được tăng cường và đạt kết quả tích cực. Đội ngũ báo cáo viên từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn và nâng cao chất lượng.
Lĩnh vực khoa giáo ngày càng đi vào chiều sâu và đạt chất lượng cao trên các mặt. Ngành Tuyên giáo đã tham mưu có hiệu quả giúp cấp ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Việc theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực văn hóa - văn nghệ sâu sát, hiệu quả hơn. Công tác lý luận chính trị và nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được quan tâm đúng mức. Công tác nắm bắt dư luận xã hội được quan tâm... Những kết quả đó của ngành Tuyên giáo được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao bằng phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Nhất và là một trong những đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của tỉnh nhà 5 năm qua.
Tuy nhiên, công tác cán bộ của ngành Tuyên giáo thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: nhiều cấp ủy đảng chưa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thuộc ngành Tuyên giáo; bản thân một bộ phận cán bộ chưa năng động, sáng tạo, chưa bám sát cuộc sống để chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng các chủ trương, nhiệm vụ hoặc đề ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề, nhất là đối với các vấn đề nổi cộm. Cá biệt, có cán bộ còn ngại học tập, ngại nghiên cứu để nâng cao trình độ; một số người chưa thực sự tâm huyết, say mê với nghề; công tác chỉ đạo và phối hợp, nghiên cứu điều tra xã hội, dư luận xã hội hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết ở một số đơn vị thiếu quyết liệt.
Xác định công tác cán bộ phải đi trước một bước
Đối với Hà Tĩnh, nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ mở ra thời kỳ mới, đánh dấu sự phát triển đột phá trên mọi lĩnh vực, đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó, nhiệm vụ của cán bộ ngành Tuyên giáo là hết sức lớn lao, nặng nề. Trước yêu cầu đó, công tác tuyên giáo của Đảng bộ phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại”. Cấp ủy, chính quyền các cấp và mỗi một cán bộ ngành Tuyên giáo cần:
Tiếp tục nắm vững, hiểu sâu chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong từng thời kỳ. Tập trung nghiên cứu, tổng kết những bài học kinh nghiệm; vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh nhà, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị; thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp công tác theo hướng chủ động, kịp thời, nhạy bén, thể hiện rõ tính thuyết phục, tính chiến đấu cao trong công tác tư tưởng theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Cụ thể, mỗi cán bộ tuyên giáo phải có sự hội tụ giữa cái “tâm” say mê, nhiệt huyết, gắn bó với công việc và cái “tầm” của tri thức. Cái tâm của mỗi cán bộ tuyên giáo thể hiện rõ trong sự kiên định với lý tưởng, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; bản lĩnh vững vàng trước cám dỗ của cơ chế thị trường; thẳng thắn, dũng cảm trong đấu tranh chống hành vi, luận điệu sai trái; có lối sống trong sáng, lành mạnh. Cái tầm thể hiện ở sự am hiểu sâu các lĩnh vực liên quan đến chuyên môn trên một nền tảng văn hóa vững chắc; luôn nhạy bén, chủ động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, không rập khuôn, máy móc, giáo điều; dám nghĩ, dám làm trong đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo; có nhãn quan dự báo tình hình, nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội, đồng thời, phải có kỹ năng nói và viết tốt, làm sao để truyền đạt một cách hấp dẫn nhất, dễ nhớ, dễ tiếp thu nhất đối với người đọc, người nghe…
Mỗi một cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng phải luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương, đơn vị, gắn bó với cuộc sống của người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh, bức xúc; định hướng tư tưởng, tạo niềm tin tưởng trong toàn Đảng, toàn dân.
Quan tâm củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở đủ mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Phải coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và nhất là năng lực vận động, thuyết phục, nêu gương trước nhân dân. Khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ tuyên giáo chủ động, sáng tạo trong đổi mới phương thức hoạt động, nhất là hoạt động theo nhóm để có nhiều sáng kiến dự báo, giải pháp xử lý các tình huống tư tưởng; sử dụng triệt để những tiện ích, công nghệ thông tin hiện đại trong phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...
Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục hoàn thiện chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, làm sao để vừa đủ số lượng và tinh về chất lượng. Có chính sách phù hợp để thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, có khả năng phát triển lâu dài bằng nghề nghiệp, đồng thời, tạo nguồn cho cán bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.
Nguyễn Thị Hà Tân
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Theo Báo Hà Tĩnh