Xây dựng hình mẫu “Người nông dân 5 mới”: Đích phấn đấu mới của nông dân giỏi
- Thứ tư - 04/03/2015 04:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bản thân anh Đẩu có gần 20 năm theo đuổi mô hình chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp. Để duy trì và phát triển được như ngày hôm nay, theo anh Đẩu là do anh thích ứng được với yêu cầu của ngành chăn nuôi. “Năm 1997, khi mới bắt tay vào chăn nuôi lợn thịt, lợn nái với quy mô công nghiệp, tôi đã phải tự bỏ tiền túi đi học ở trường lớp chính quy, rồi học ngoài thực tế. Kiến thức khoa học, kỹ thuật, tay nghề không đơn thuần là chứng chỉ nghề mà còn là chứng chỉ của sự tự tin đối với nông dân” - anh Đẩu chia sẻ.
Nhưng trong thời buổi công nghệ (trong đó có công nghệ phục vụ nông nghiệp) phát triển rất nhanh, nếu người nông dân không nắm bắt, áp dụng được thì khó bề duy trì sản xuất. “Trang trại lợn của gia đình tôi đã đầu tư, áp dụng tiến bộ của một số công nghệ về giống, dây chuyền cân đối và cung cấp thức ăn tự động, theo dõi và kiểm soát sự phát triển của đàn lợn trên máy vi tính. Nhưng tôi vẫn chưa yên tâm lắm. Bản thân tôi là chủ trang trại nuôi lợn quy mô, hiện đại nhất nhì trong và ngoài tỉnh mà vẫn thấy lo. Lo bởi chăn nuôi là lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều điểm yếu khi phải cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi đến từ các nước khoa học công nghệ tiên tiến, giá thành sản xuất thấp. Tôi nghĩ, lớp người nông dân mới, ngoài việc làm chủ về khoa học, kỹ thuật, đầu tư, áp dụng công nghệ thì phải nắm bắt được thông tin thị trường, từng bước chủ động tham gia thị trường” - anh khẳng định.
Để trụ được với nghề, cạnh tranh được với nông dân quốc tế, anh Đẩu mong muốn được hỗ trợ đào tạo về kiến thức thị trường, hướng dẫn về liên kết. Bên cạnh chính sách mở cửa thị trường, Nhà nước cũng cần xây dựng hệ thống, công cụ, hàng rào tự vệ về thương mại để đảm bảo sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi nội địa không bị đổ vỡ…
Theo danviet.vn