Xây dựng nông thôn mới: Hiệu quả từ việc “dân biết, dân bàn"

Xây dựng nông thôn mới: Hiệu quả từ việc “dân biết, dân bàn"
Để có được thành công trong xây dựng nông thôn mới, người dân phải thực sự vào cuộc, cùng biết, cùng làm và cùng kiểm tra...

Hoàn thành 16/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn là một xã điểm của tỉnh Tuyên Quang về xây dựng nông thôn mới. Thôn Đồng Bao, xã Mỹ Bằng được coi là một thôn điểm trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, được nhiều khu dân cư trong tỉnh đến học tập.

Ông Nguyễn Huy Thìn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đồng Bao cho biết, ngày đầu “làm” nông thôn mới cũng gặp không ít khó khăn bởi người dân còn khá lạ lẫm. Ông đã chủ động phối hợp với Ban phát triển thôn tiến hành khảo sát thực trạng từng hộ gia đình theo từng nhóm tiêu chí, từ đó xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền vận động từng hộ gia đình thực hiện theo các tiêu chí cần đạt.

 

Người dân làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới (Ảnh: KT)


Trước hết, ông vận động người dân thực hiện sớm các tiêu chí mà không cần đến vốn đầu tư  như: xây dựng gia đình văn hoá, an ninh trật tự, môi trường ở mỗi gia đình....

Khi người dân đã có khái niệm về nông thôn mới, ông lại tiếp tục phối hợp cùng Trưởng thôn vận động bà con chung tay thực hiện “cứng hóa đường bê tông nông thôn. Hiểu được làm nông thôn mới thì lợi ích thiết thực cho chính từng người dân, từng gia đình, bà con tham gia đóng góp tiền  và ngày  công, đã làm được 4.413 m đường bê tông. 

Đến nay, nhà nào cũng bê tông hóa từ cổng ngõ đến khắp các con đường trong làng, góp phần đưa xã Mỹ Bằng trở thành xã có phong trào làm đường bê tông nông thôn đứng đầu toàn tỉnh, được các khu dân cư khác trong tỉnh đến học tập.

“Là trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, xác định rõ về vai trò trách nhiệm của mình trước nhân dân, tôi luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của thôn. Tôi chủ động tham mưu cho cấp ủy, xây dựng kế hoạch triển khai các phong trào, các cuộc vận động đến nhân dân. Chủ động phối hợp với trưởng thôn và các đoàn thể tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương của đảng, pháp luật nhà nước, các chỉ tiêu nhiệm vụ của thôn, vận động nhân dân thi đua thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”- Ông Thìn cho biết.

Theo ông Thìn, để được người dân tin tưởng, tất cả mọi vấn đề phải được thực hiện một các công khai, minh bạch. Các chương trình, dự án được đầu tư xây dựng ở thôn, các nguồn đóng góp của dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, mọi việc ở thôn đều được đưa ra để nhân dân bàn bạc, tham gia ý kiến. Người dân giám sát và dân kiểm tra các công đoạn thực hiện, từ đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Người dân phải thực sự vào cuộc, cùng làm và cùng kiểm tra

Khu 3 Quảng Đông, xã Xuân Viên, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ những năm trước đây trình độ dân trí còn thấp, độc canh cây lúa nên kinh tế kém phát triển, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong khu vẫn còn tình trạng mất đoàn kết, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động chưa hiệu quả, các phong trào thi đua bị ngưng trệ...

Khi được nhận nhiệm vụ làm Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư khu 3 Quảng Đông, xã Xuân Viên, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, ông Phùng Ngọc Thêm luôn trăn trở làm sao phải củng cố các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư đi vào hoạt động có nề nếp, phát triển thêm được hội viên đoàn viên ngày càng đông thì mới khơi dậy được các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội. 

“Để khuyến khích được người dân đoàn kết tham gia các phong trào thi đua, bản thân tôi và đội ngũ cán bộ đảng viên phải gương mẫu làm trước để nhân dân làm theo. Và điều quan trọng nữa là phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân để họ thảo luận bàn bạc, thống nhất và thực hiện mới có kết quả cao”- Ông Thêm chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng từ phương châm này, các cuộc vận động được người dân tham gia hưởng ứng. Năm 2012 hưởng ứng cuộc vận động “Chung tay xây dựng nông thôn mới", 31 hộ dân trong khu tự nguyện hiến đất và cây cối hoa màu để làm đường liên thôn.

Những ngày đầu vận động bà con tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” ông Trần Đình Hưng - Trưởng Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư Mông Nghệ Bắc, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn,  tỉnh Quảng Nam cũng gặp không ít khó khăn.

Ban đầu do đồng ruộng trong thôn manh mún, nhiều cánh đồng, tốt xấu, xa gần không đồng đều và nhận thức của một số bà con chưa nắm bắt được những lợi ích thiết thực về lâu dài, chỉ vì lợi ích cá nhân trước mắt nên chống đối quyết liệt. Ông Hưng vừa giải thích, vận động bà con, vừa dùng diện tích của mình và vận động một số người có nhiều ruộng, có máy cày, máy gặt cùng tham gia đổi ruộng cho những hộ khác còn e dè chủ trương “dồn điền đổi thửa”.  

Kết quả 74 ha ruộng trên toàn thôn đã được “dồn điền, đổi thửa”, từ chỗ mỗi hộ có ít nhất 6-7 thửa ruộng nay nhiều nhất chỉ còn 4 thửa, đa số là 2-3 thửa ruộng. Khi bà con đã nhận thức được lợi ích từ việc “dồn điền, đổi thửa”, thì việc vận động bê tông hóa đường làng, ngõ xóm cũng trở nên thuận lợi hơn. Đến nay, đường ra đồng được mở rộng 3-4 m, hơn 2.000m đường trục chính đã được bê tông, bà con có thể đi thăm đồng bằng xe máy. Cùng với đó, hệ thống mương tưới, tiêu cũng được tu bổ, đào đắp lại với 1.450 m kênh tưới chính. Hiện nay khâu làm đất và khâu thu hoạch đã được cơ giới hóa toàn bộ.

“Tôi vừa làm công tác vận động với vai trò là trưởng Ban vận động của thôn, vừa làm công tác giám sát chất lượng thi công, giám sát việc công khai hóa nguồn vốn, ngày công nhân dân tham gia đóng góp nên được bà con tin tưởng. Bản thân và gia đình luôn đi đầu trong việc đóng góp để làm gương, tự nguyện hiến 500m2 đất ruộng để bù vào diện tích thiếu do làm đường, đóng góp tiền để mua cát, sỏi và hơn 50 ngày công tham gia trực tiếp trên đồng ruộng…”- Ông Hưng chia sẻ./.
 

Hưởng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong 3 năm qua nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 12 triệu m2 đất để làm đường, công trình công cộng… các địa phương đã huy động được hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã. Nhiều khu dân cư điển hình trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế như: Khu dân cư thôn Lỗ Xá, xã Nhân Hoà, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã vận động nhân dân phát triển sản xuất cho thu nhập bình quân đầu người 25 triệu đồng/năm, người dân tự nguyện đóng góp gần 2 tỷ đồng bê tông hóa đường liên thôn và sửa chữa nâng cấp đường điện chiếu sáng. Xóm 2B xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều mô hình gia đình sản xuất giỏi, có thu nhập 100 triệu đồng/năm; người dân ở khu dân cư đã tình nguyện hiến 8m2/sào và đóng góp 200.000 đồng/sào để xây dựng đường nội đồng và mương tưới tiêu, công trình phúc lợi. Thôn Kim Lũ, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã tuyên truyền, vận động nhân dân tiến hành kiên cố hóa đường làng ngõ, xóm với tổng chiều dài là 2.408m, Nhà nước hỗ trợ xi măng và huy động nhân dân đóng góp 500.000 đồng/khẩu để mua thêm vật liệu đá, cát và thuê nhân công với tổng số tiền huy động 511 triệu đồng…

Nguồn vov.vn