Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị văn minh

Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị văn minh
VOV.VN - Hoài Đức vừa được Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới của Thành phố Hà Nội, và trong tương lai gần sẽ là một quận mới của Thủ đô.

Giữa bộn bề công việc đan xen với niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và người dân khi vừa được Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới của Thành phố Hà Nội, ông Đỗ Đức Trung Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội cho biết: "Thực hiện Quyết định số 676/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện  giai đoạn 2016-2020, các tiêu chí về xây dựng NTM của huyện giai đoạn 2017-2020 phù hợp với tiêu chí lên quận góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn sản xuất với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi trường sống...".

hoai duc xay dung nong thon moi gan voi phat trien do thi van minh hinh 1
Ảnh minh họa: KT

Những kết quả đáng ghi nhận

Đến hết năm 2016 huyện Hoài Đức có 19/19 xã đã được UBND thành phố quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% số xã trong huyện. Một điều đáng mừng là huyện Hoài Đức không có nợ đọng trong công tác xây dựng nông thôn mới.

 Ngay từ đầu năm 2017 huyện đã phối hợp cùng các Sở, Ngành của Thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện củng cố nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017-2020. Qua rà soát, đánh giá 9 tiêu chí xây dựng huyện đạt chuẩn NTM theo quy định tại quyết định số 558/QĐ-TTg, ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Hoài Đức được tổ công tác giúp việc BCĐ thành phố đánh giá đã đạt; Huyện đã phối hợp cùng UBMTTQ Thành phố tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân với 11.440 hộ dân được lấy ý kiến (20% tổng số hộ dân của huyện), kết quả đã có 95,2% số hộ dân được lấy ý kiến đồng tình về kết quả xây dựng NTM của huyện.

Cũng theo ông Đỗ Đức Trung, phó chủ tịch UBND huyện: “Toàn huyện đã nâng cấp, cải tạo gần 140 km đường ngõ xóm, cứng hóa 463,3 km đường liên xã với kinh phí 477 tỷ đồng. Năm 2016 huyện đã đầu tư xây dựng mới 20 hệ thống chiếu sáng công cộng tại các xã, thị trấn (mỗi xã 01 hệ thống) phục vụ việc đảm bảo giao thông của nhân dân, góp phần thực hiện tốt năm văn minh đô thị, với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng, đến 31/12/2016 các xã đã hoàn thành đầu tư, bàn giao đưa vào sử dụng. Năm 2017 huyện tiếp tục triển khai lập dự án ĐTXD hệ thống điện chiếu sáng tại các tuyến trục chính của 20 xã, thị trấn, đảm bảo trật tự cảnh quan đô thị.

Để giúp các xã ven đê tả Đáy phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai, huyện đã hoàn thành lập dự án đầu tư mở rộng mặt đê kết hợp giao thông toàn tuyến đê tả Đáy, với điểm đầu từ đường N6 huyện Đan Phượng đến hết địa bàn huyện Hoài Đức, chiều dài khoảng 17 km, đã hoàn thành hồ sơ trình xin ý kiến của các sở và Bộ Nông nghiệp &PTNT làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo”.

Với đặc thù của huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích cho sản xuất nông nghiệp dần thu hẹp nhưng Hoài Đức đã phát huy được lợi thế của huyện ven đô, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, toàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau an toàn có giá trị kinh tế cao, những cây trồng có thế mạnh được trồng theo hướng hàng hóa như: Cam Canh, bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, bưởi đường La Tinh, phật thủ, nhãn chín muộn…

Cho đến nay, toàn huyện đã có nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả giá trị cao với tổng diện tích 540ha bao gồm nhãn chín muộn, bưởi đường, cam, táo, ổi tập trung tại các xã Đắc Sở, Yên Sở, Cát Quế, Song Phương, Tiền Yên, Đông La, An Thượng.... Sản phẩm Nhãn chín muộn, bưởi đường Quế Dương, Phật thủ Đắc Sở đã được công nhận nhãn hiệu tập thể.

Sản xuất công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp tăng mạnh theo chiều hướng tích cực, phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô, trình độ công nghệ và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong những năm qua huyện đã có thêm gần 300 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn huyện là hơn 1.300 và trên 10.155 hộ sản xuất kinh doanh.

Các ngành nghề chủ yếu là chế biến nông sản, thực phẩm, cơ khí, dệt may. Công tác xây dựng, củng cố và phát triển làng nghề truyền thống tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Toàn huyện có 52 làng có nghề, trong đó có 12 làng nghề được cấp bằng công nhận, hàng năm thu hút, giải quyết việc làm cho trên 44.000 lao động, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, sản phẩm hàng hóa của các làng nghề ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng và đã được xuất khẩu sang các nước Đông Âu.

Trong đó sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ, đồ thờ tại làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đã được công nhận nhãn hiệu tập thể. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 38,4 triệu đồng, tăng 17,4 triệu đồng so với năm 2010. Toàn huyện đã có 100% xã đạt tiêu chí về thu nhập và hết năm 2017 này, thu nhập ước tính bình quân đầu người của huyện đạt trên 40 triệu đồng.

Những khó khăn cần vượt qua

Tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thu ngân sách huyện, đã ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn trong xây dựng NTM.

Nông dân thiếu vốn đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, một số nông dân chưa mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, các làng nghề thiếu quỹ đất phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp để tạo việc làm, tăng thu nhập.

Quy hoạch xây dựng NTM, các Quy hoạch khác và các dự án đầu tư xây dựng của huyện phải tiến hành điều chỉnh lại nhiều lần cho phù hợp với các quy hoạch phân khu, do đó ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, đề án, quy hoạch xây dựng NTM ở một số xã.

Là huyện nằm trọn trong các quy hoạch phân khu đô thị của thành phố, quá trình đô thị hóa trên địa bàn diễn ra nhanh, đã tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng còn nhiều tác động, ảnh hưởng đối với vấn đề quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp hạ tầng nông thôn.

Nhu cầu kinh phí đầu tư cho chương trình xây dựng NTM đòi hỏi quá lớn. Công tác huy động nguồn lực của doanh nghiệp và nhân dân tham gia đầu tư xây dựng NTM còn khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư một cách đồng bộ hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội của huyện.

Huy động nguồn lực từ doanh nghiệp và vốn xã hội hóa thực hiện xây dựng nông thôn mới theo đề án được phê duyệt đạt thấp. Nông nghiệp hàng hóa phát triển chưa bền vững, sức cạnh tranh chưa cao, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ còn chậm, chưa tạo sự đột phá về năng suất và hiệu quả kinh tế.

Ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết dứt điểm, đặc biệt là các làng nghề chế biến thực phẩm, ý thức chấp hành pháp luật, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm của một số ít bộ phận nhân dân chưa tốt.

Các dự án đầu tư xây dựng trường học, nhà văn hóa thôn tiến độ thực hiện chậm do ảnh hưởng của quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đô thị, các quy hoạch bị chống lấn làm ảnh hưởng đến hiện trạng một số cơ sở công cộng, không triển khai được dự án đầu tư xây dựng hoặc phải điều chỉnh quy hoạch của địa phương. Số hộ được thụ hưởng nguồn nước sạch tập trung còn thấp.

Tin rằng với những kết quả đạt được và những giải pháp mà Đảng bộ, chính quyền cùng người dân của huyện chung tay xây dựng nông thôn mới, huyện Hoài Đức trong tương lai gần sẽ là một quận mới của Thủ đô, vang danh xứ “Đông, Đoài”./.

 

Trần Lượng – Khánh Nam/Báo VOV