Xây dựng và phát triển đường giao thông nông thôn

Xây dựng và phát triển đường giao thông nông thôn
Khu vực 11 huyện miền núi có 8.250 km đường giao thông nông thôn (GTNT). Giai đoạn từ năm 2010-2015, thông qua các chương trình, dự án, tỉnh đã đầu tư 2.498,5 tỷ đồng nâng cấp, làm mới, cứng hóa 1.719 km mặt đường; trong đó có 355 km đường liên huyện, 511 km đường liên xã, 853 km đường thôn, bản. Đến nay, 100% xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, qua đó tạo điều kiện thuận tiện cho người dân đi lại, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, từ năm 2012-2015, tỉnh đã hỗ trợ trên 258 tỷ đồng cho 719 lượt xã mua gần 229.000 tấn xi - măng xây dựng nông thôn mới, trong đó dành trên 50% số xi - măng để cải tạo, nâng cấp, làm mới 1.142 km đường  GTNT. Bên cạnh đó, việc huy động sức dân làm đường GTNT ở miền núi cũng đã phát huy hiệu quả. Những năm qua, toàn tỉnh đã huy động vốn từ nhân dân và cộng đồng được 4.848 tỷ đồng để đầu tư làm mới và nâng cấp 4.891 km đường GTNT các loại, trong đó khu vực miền núi chiếm gần 50%. Ngoài ra, 7 huyện nghèo đã sử dụng lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cùng với huy động sức dân để làm đường theo các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, hơn 1.000 thôn, bản ở 11 huyện miền núi đã khởi sắc về mọi mặt nhờ có hệ thống hạ tầng đường giao thông.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp ở bản Pọng,  ông Hà Minh Hoán, Chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm (Quan Hóa), cho biết: Những năm trước đây, con đường này đi lại rất khó khăn, trời mưa thì đường lầy lội, trời nắng thì bụi bay mù mịt, gây khó khăn cho người dân đi lại phát triển kinh tế. Năm 2013, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh hỗ trợ 800 triệu đồng và 50 tấn xi-măng, người dân trong bản tự nguyện hiến 840 m2 đất, chặt bỏ 402 cây, tường rào làm các tuyến đường liên bản và góp ngày công lao động để làm đường GTNT. Giờ đây, tất cả các tuyến giao thông nội bản đều đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch sẽ tạo điều kiện cho người dân đi lại phát triển kinh tế. Được biết, không chỉ riêng bản Pọng, nhiều hộ ở các thôn, bản của các huyện miền núi đã và đang tích cực góp ngày công, tiền bạc  để xây dựng đường GTNT, bắc cầu qua sông, qua suối. Điều này cho thấy, người dân vùng cao đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói chung, xây dựng đường GTNT nói riêng.


Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển hệ thống đường GTNT ở miền núi vẫn còn nhiều khó khăn do địa bàn rộng bị chia cắt bởi sông suối, đồi núi, dân cư sống không tập trung. Nguồn vốn của địa phương còn hạn chế nên việc huy động vốn cho xây dựng đường GTNT còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều huyện, như: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân... vẫn  còn nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên bản chưa được cứng hóa, rất cần được sự đầu tư của Nhà nước.


Các huyện miền núi cũng đang tiếp tục kêu gọi các nguồn lực xã hội, vận động người dân tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng, mở rộng  hệ thống đường GTNT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi.
Theo Báo Thanh Hóa