Xứ Thanh có 8 vạn hecta luồng: [Bài 1] 'Cứu cánh' cho đồng bào vùng cao
- Chủ nhật - 17/11/2019 03:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cây luồng là “cứu cánh” cho đồng bào miền Tây xứ Thanh. |
Luồng là cây đặc hữu của Thanh Hóa, được tỉnh quan tâm lập quy hoạch, gây trồng từ hàng chục năm trước. Cây luồng đã gắn bó với đời sống nhân dân từ bao đời nay, có vai trò không nhỏ trong xóa đói, giảm nghèo, phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân các huyện miền núi và trung du.
Tính từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, Thanh Hóa mới chỉ có gần 12 nghìn ha luồng, đến nay đã có gần 79 nghìn ha. Trong đó huyện Quan Hóa có trên 27 nghìn ha; Lang Chánh trên 13 nghìn ha; Quan Sơn gần 12,5 nghìn ha; Bá Thước trên 11 nghìn ha…
Tính đến nay, trên 80% diện tích rừng luồng đã được giao lâu dài cho hộ dân quản lý, khai thác, có thu nhập từ nghề rừng. Hàng năm Thanh Hóa cung cấp ra thị trường khoảng 24 triệu cây luồng tương đương 0,55 triệu tấn (trị giá khoảng 240 tỷ đồng) nhưng vẫn được đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Ông Hà Văn Ngân, bản Bá, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa có 4 ha luồng. Bình quân, ông trồng 300 bụi/ha, mỗi năm cho khai thác 4 cây/bụi. Với trọng lượng bình quân 20 kg/cây, từ 4 ha luồng, mỗi năm ông có thể thu hoạch được gần 100 tấn luồng. Với giá thu mua ở thời điểm hiện tại là 7 trăm nghìn đồng/tấn, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu gần 70 triệu đồng. Số tiền trên tuy không lớn nhưng đủ để lo cho cả cuộc sống gia đình ông.
“Dân bản ở đây rất ít ruộng nước. Đất đai chủ yếu chỉ để trồng luồng, bán luồng mua gạo. Trồng luồng tuy không giàu nhưng so với keo thì vẫn hơn, lại dễ bán. Đất này cũng chỉ hợp với cây luồng, những loại cây trồng khác gần như không thích nghi được” – ông Ngân cho hay.
Theo ông Hà Văn Thụ, trưởng bản Bá, 69/69 hộ dân bản đều sống dựa vào cây luồng với tổng diện tích 296 ha. Cây luồng đã có mặt ở vùng đất này từ xa xưa, dù chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn là cây trồng mũi nhọn, đảm bảo cuộc sống người dân.
Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho người dân miền núi. |
“Cây luồng không đem lại giá trị cao như một số cây trồng khác ở các huyện trung du, đồng bằng. Nhưng ở vùng đất này không có cây gì hiệu quả hơn cây luồng. Đó chính là lý do diện tích luồng ở đây không ngừng tăng lên. Bây giờ không còn ngọn đồi, vùng đất nào ở bản Bá bị bỏ hoang, tất cả đã được người dân trồng luồng. Ruộng nương ít, tất cả chi phí cuộc sống hàng ngày người dân bản Bá đều dựa vào tiền bán luồng. Trước đây, tư thương chỉ thu mua mỗi đoạn thân chính nhưng nay mua lên tận ngọn, tính bằng kg nên hầu như không bỏ phí phần nào. Ở đây, mỗi gia đình có 3-4 ha luồng là cuộc sống cũng tạm ổn” – ông Thụ cho hay.
Chi phí khai thác luồng chiếm gần 1/2 giá trị luồng bán ra trên thị trường. Tuy nhiên, theo đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Quan Hóa, đa phần người dân đều tự khai thác, lấy công làm lãi.
Được biết đến là cây thoát nghèo. |
“Ở đây, ít khi phải thuê nhân công chặt luồng mà thường đổi công cho nhau. Dù giá trị không cao nhưng cây luồng lại tạo công ăn việc làm cho người dân quanh năm. Đó là chưa kể, một số đơn vị thu mua, chế biến luồng trên địa bàn huyện thu hút hàng trăm lao động với mức thu nhập khá” – ông Hà Văn Thụ, trưởng bản Bá cho hay.
Cũng vì cây luồng đang cho nguồn thu nhập ổn định nên những năm qua, diện tích luồng tại Phú Xuân nói riêng và huyện Quan Hóa nói chung tăng nhanh. Đến nay, đất rừng tại Quan Hóa gần như không còn đồi núi trọc, tất cả đã được phủ xanh bằng cây luồng. Trong số trên 1 nghìn ha đất lâm nghiệp của xã Phú Xuân thì có tới hơn 800 ha luồng.
Theo thống kê của UBND huyện Quan Hóa, tính từ năm 2012 đến nay, diện tích luồng tại địa phương đã tăng từ 16 nghìn ha lên trên 27 nghìn ha. Đời sống người dân Quan Hóa phụ thuộc khá nhiều vào cây luồng với khoảng hơn 90% dân số trồng luồng.
Cây luồng giải quyết công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn lao động tại Thanh Hóa. |
“Cây luồng nuôi sống người dân Quan Hóa từ bao đời nay. Diện tích luồng tăng bền vững. Cây luồng tạo ra công ăn việc làm trực tiếp và giám tiếp ổn định cho hàng nghìn người dân. Điều chúng tôi trăn trở bây giờ là làm sao tăng giá trị cây luồng để cây luồng không chỉ là cây thoát nghèo mà còn có thể giúp đồng bào vươn lên làm giàu” – ông Đỗ Phi Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quan Hóa cho hay.
Những năm gần đây, tại Thanh Hóa, cây luồng đã được đưa vào chế biến công nghiệp làm ra nhiều sản phẩm có giá trị như: Đũa, tăm mành, ván sàn, đồ thủ công mỹ nghệ, là nguyên liệu cho sản xuất giấy sợi... Tuy nhiên, để cây luồng đem lại giá trị như kỳ vọng thì Thanh Hóa còn nhiều việc phải làm.