Xử lý chất thải chăn nuôi

Trong những năm qua, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên, đi kèm với sự nở rộ của các trang trại và gia trại, hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi lại gặp nhiều trắc trở. Làm cách nào để tháo gỡ khó khăn này? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tất Khúc (ảnh), Trưởng phòng Nông nghiệp -PTNT huyện Mỹ Lộc.

17-42-01_nh-1

Thưa ông, Mỹ Lộc có những thuận lợi và khó khăn gì trong phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại và gia trại?

Là một huyện nhỏ, tổng diện tích tự nhiên khoảng 7.500 ha (bằng 1/3 diện tích của huyện Ý Yên), nhưng số lượng trang trại và gia trại ở huyện Mỹ Lộc khá lớn. Theo số liệu thống kê, toàn huyện có 50 trang trại và gần 700 gia trại (chủ yếu nuôi xen kẽ trong khu dân cư).

Cùng với công tác dồn điền đổi thửa và quy hoạch chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã có một khoảng đất khá rộng để nhân đàn gia súc, gia cầm, từng bước mở rộng quy mô.

Tuy nhiên, tại những trang trại, gia trại mới xây dựng, do người dân thiếu vốn nên bước đầu mới chỉ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, giống và thức ăn chăn nuôi. Hạng mục thường được bỏ ngỏ là công trình xử lý chất thải. Đến nay, chỉ có 40% trong tổng số trang trại và gia trại được đầu tư xây dựng hầm chứa biogas.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên?

"Để dự án “Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp” đến được với đông đảo nhân dân, Ban Quản lý dự án cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong việc soạn thảo các tài liệu, tờ rơi, pa nô, áp phich… để phát hoặc quảng bá ở những nơi công cộng, đồng thời lồng ghép vào các hoạt động của khuyến nông tỉnh", ông Trần Tất Khúc.

Cách đây khoảng 10 năm, tôi đã phải chui vào chuồng của các hộ chăn nuôi để giới thiệu và vận động xây hầm biogas. Nhờ đó, nhiều người dân đã hiểu về lợi ích của công trình khí sinh học và đầu tư xây dựng. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do không có kinh phí tuyên truyền và thiếu nhân lực, do đó việc triển khai vận động nhân dân xây dựng hầm biogas chưa thực sự sâu rộng. Trong những buổi tiếp xúc với nhân dân, chúng tôi đã mời một số công ty SX và lắp đặt hầm biogas composite để giới thiệu sản phẩm cho bà con, nhưng các công ty này cũng thiếu nhân viên tiếp thị nên nhiều lần xin kiếu, kết quả chưa đạt như mong muốn. Do đó vẫn có tình trạng một số gia trại, trang trại vẫn xả thải phân tươi ra môi trường.

Để siết chặt hơn nữa tình trạng trên, giải pháp của huyện Mỹ Lộc trong thời gian tới là gì?

17-42-01_nh-2

Nhiều hộ chăn nuôi ở Mỹ Lộc vẫn chưa đầu tư xây dựng công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi

Từ cuối năm 2013, tỉnh Nam Định đã triển khai dự án “Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp”. Theo tôi được biết, dự án này không chỉ đơn thuần là hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học, mà còn tuyên truyền áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu phát thải khí các bon gây hiệu ứng nhà kính. Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Mỹ Lộc chưa được phân bổ kinh phí tuyên truyền nên hoạt động khá khó khăn. Trước mắt, chúng tôi chỉ lồng ghép dự án này trong các kế hoạch sản xuất của địa phương.

Hộ dân nào chăn nuôi nhiều, muốn được cấp giấy chứng nhận trang trại thì bắt buộc phải đầu tư xây dựng hầm biogas. Dung tích của hầm chứa cũng phải phù hợp với quy mô đàn gia súc, gia cầm. Vừa rồi ở xã Mỹ Tiến có 1 trang trại nuôi lợn gia công cho Công ty CP, mặc dù đã xây hầm biogas phủ bạt dung tính 1.000 m3 để xử lý phân và nước nhưng chưa làm đúng kỹ thuật, gây ảnh hưởng môi trường. Trang trại này đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài biện pháp xây hầm biogas, cần có các giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi ít tốn kém hơn như sử dụng đệm lót sinh học, ủ men vi sinh…

VĂN THUỲ
Theo: nongnghiep.vn