Xuất khẩu gạo sẽ sôi động trong những tháng cuối năm
- Thứ năm - 20/09/2018 04:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo các nguồn tin nước ngoài, bão Mangkhut đã khiến cho Philippines bị thiệt hại lớn về nông nghiệp, có thể lên tới 11-12 tỷ peso. Trong đó, ước tính thiệt hại về lúa vào khoảng 250.730 tấn. Ở một nước đang phải NK gạo với khối lượng không nhỏ như Philippines, đây là một thiệt hại lớn, có thể làm nóng thêm thị trường gạo nước này, vốn đã có nhiều căng thẳng trong mấy tháng qua do thiếu nguồn cung.
Theo Bộ Công Thương, từ tháng 1 đến tháng 7 tháng năm nay, do khan hiếm nguồn cung khi mà gạo NK về chậm, giá gạo ở Philippines đã tăng lên khá nhiều (tăng 9%), lên mức trung bình 42 peso/kg. Trong tháng 8 vừa qua, giá gạo bán lẻ ở Philippines tiếp tục tăng lên. Ở tuần cuối tháng 8, giá gạo xay xát kỹ đã cao hơn 11,3% và gạo xay xát thường đã tăng 15,24% so cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo ở Philippines đã lên mức cao nhất từ trước tới nay: giá bán buôn gạo xay xay xát kỹ có mức giá bình quân là 44,49 peso (lần đầu tiên giá bán buôn gạo xát kỹ đạt mức 44 peso/kg); giá bán lẻ gạo xát kỹ cũng lần đầu tiên vượt mức 47 peso/kg; giá bình quân gạo xay xát thường tăng lên ở mức 43,86 peso/kg, là mức cao chưa từng thấy.
Do giá gạo ở thị trường nội địa tăng cao, Chính phủ Philippines đã buộc phải cho phép NK khẩn cấp 132 ngàn tấn gạo. Đây là lượng gạo NK nằm ngoài hạn ngạch NK theo cơ chế tiếp cận tối thiểu (MAV) giành cho khối tư nhân. Đồng thời, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) cũng đang tính tới việc mở thầu NK lần thứ 3 trong năm nay theo cơ chế G2G (hợp đồng Chính phủ) hay cơ chế G2P (Chính phủ - Tư nhân), với khối lượng 250 ngàn tấn, để ổn định giá và duy trì tồn kho. Trên thực tế, mong muốn của NFA là NK tới 500 ngàn tấn từ nay đến cuối năm.
Lúc chưa bị bão Mangkhut mà Philippines đã thiếu hụt gạo và cần phải NK với khối lượng hàng trăm ngàn tấn như trên, thì với thiệt hại về lúa gạo do cơn siêu bão vừa rồi, chắc chắn từ nay đến cuối năm, nhu cầu NK gạo của Philippines sẽ là không nhỏ.
Bên cạnh Philippines, nhu cầu NK từ Indonesia được dự báo cũng sẽ hâm nóng thị trường gạo thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong những tháng cuối năm. Một số nguồn tin cho hay Bộ Thương mại Indonesia đã cấp phép cho Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bulog) NK 1 triệu tấn gạo trong nửa cuối năm nay. Lượng gạo NK của Indonesia trong năm sau có thể lên tới 2 triệu tấn (mức cao nhất kể từ năm 2011). Malaysia cũng đã quan tâm tới việc NK gạo trở lại. Nhu cầu tăng lên từ Châu Phi cũng sẽ góp phần làm thị trường gạo thế giới sôi động hơn.
Thông tin từ một số doanh nhân ngành gạo cho hay, nhờ nhu cầu đang tăng trở lại từ các nước NK, giá gạo XK và giá lúa gạo ở ĐBSCL đang có xu hướng tăng lên trong những ngày qua. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang được chào bán quanh mức 400 USD/tấn. Vào cuối tuần qua, gạo thành phẩm 5% tấm giao dịch trên thị trường nội địa có giá cao nhất là 8.900 đ/kg; giá lúa khô/ướt loại thường tại kho từ 5.800-6.050 đ/kg; lúa khô/ướt hạt dài tại kho từ 6.000-6.100 đ/kg, có nơi lên tới 6.700 đ/kg… Gạo nguyên liệu loại IR50404 và OM5451 đang được giao dịch khá mạnh, nhưng nguồn cung có hạn vì vụ hè thu đã thu hoạch xong.
Philippines có thể NK 3 triệu tấn gạo/năm Theo Bộ Công Thương, Philippines đã cải cách chính sách NK gạo áp dụng suốt hai thập kỷ qua. Chính sách này hiện đã lỗi thời khi được coi là nguyên nhân làm cho lạm phát tăng mạnh, gây khó khăn cho người tiêu dùng và có nguy cơ bị trừng phạt thương mại. Vừa qua, Tổng thống Rodrigo Duterte đã yêu cầu Quốc hội Philippines nhanh chóng thay thế chính sách giới hạn khối lượng gạo NK bằng hệ thống thuế quan. Vào giữa tháng 8, Hạ viện đã biểu quyết thông qua việc thay thế giới hạn nhập khẩu gạo bằng thuế nhập khẩu. Theo chính sách mới, gạo nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á sẽ chịu thuế 35%, còn từ các quốc gia khác sẽ chịu thuế từ 40-180% (Philippines chủ yếu NK gạo từ Đông Nam Á, nhập khẩu ngoài khu vực này chỉ chiếm khoảng 1%). Với mức thuế NK 35%, gạo NK từ các nước Đông Nam Á (chủ yếu từ Việt Nam và Thái Lan) vào Philippines chỉ có giá khoảng 30 peso/kg, rẻ hơn nhiều so với giá gạo nội địa của nước này. Dự báo với chính sách NK mới, lượng gạo NK vào Philippines có thể lên tới 3 triệu tấn/năm. |
TCty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) vừa ký hợp đồng thỏa thuận bán 2 triệu tấn gạo cho Agrinurtue (AIN) của Philippines. Thỏa thuận này sẽ được thực hiện đến năm 2020. Theo đó, trong mỗi quý, Vinafood 2 sẽ cung cấp cho AIN 500 ngàn tấn gạo. AIN NK lượng gạo nói trên nhằm đáp ứng nguồn cung cho thị trường nước này và gia tăng lượng gạo dự trữ theo thỏa thuận với NFA. Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm nay, các DN đã XK 4,534 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,287 tỷ USD, tăng 10,9% về lượng và 27% về kim ngạch so cùng kỳ 2017. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam khi chiếm 22,4% về lượng và 23,2% tổng kim ngạch. Tiếp đó là Indonesia (chiếm 17% về lượng và 15,8% về kim ngạch), Philippines (13,5% về lượng, 12,2% về kim ngạch)… |