Xuất khẩu lao động nông nghiệp: Hỗ trợ cho lao động nghèo

Xuất khẩu lao động nông nghiệp: Hỗ trợ cho lao động nghèo
XKLĐ ngành nông nghiệp có thể giúp lao động phổ thông Việt Nam có cơ hội việc làm kiếm thu nhập nghìn đô. Báo NTNN đã phỏng vấn ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) xung quanh vấn đề này.

xuat khau lao dong nong nghiep: ho tro cho lao dong ngheo hinh anh 1

Ông đánh giá thế nào về triển vọng XKLĐ trong ngành nông nghiệp của Việt Nam?

- Hiện nay, một số quốc gia phát triển bắt đầu vào quá trình già hóa dân số do vậy, họ có nhu cầu tuyển số lượng lớn lao động phổ thông để bù đắp lại sự thiếu hụt lao động. Nhu cầu tuyển lao động làm nông nghiệp tại các trang trại tại ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... rất lớn.

 xuat khau lao dong nong nghiep: ho tro cho lao dong ngheo hinh anh 2

Phóng viên NTNN (giữa) thăm lao động Việt Nam làm nông nghiệp tại ngoại thành Seoul, Hàn Quốc.  Ảnh: M.N

Trong khi đó, Việt Nam từ lâu được biết đến như một quốc gia đông lao động, có kinh nghiệm, kỹ năng làm nông nghiệp. Những điều này góp phần kết nối cung - cầu trong XKLĐ và mở ra một triển vọng trong XKLĐ ngành nông nghiệp. Ngoài những thị trường truyền thống, thời gian qua chúng ta còn mở rộng được hoạt động XKLĐ ngành nông nghiệp sang một số thị trường như: Nga, Australia, Israel...

Thêm vào đó, hiện nay Nhà nước và ngay chính các địa phương cũng có nhiều chính sách hỗ trợ lao động, đặc biệt lao động hộ nghèo đi XKLĐ. Theo đó, lao động nghèo, lao động cận nghèo được hỗ trợ vay vốn, được dạy nghề, học tiếng miễn phí…

Thuận lợi và khó khăn mà chúng ta có thể gặp trong quá trình thực hiện chương trình này là gì thưa ông?

- Thuận lợi lớn nhất mà tôi đã nói là hiện chúng ta có một nguồn cung lao động khá lớn, lao động có kinh nghiệm làm nông nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí xuất cảnh cũng không nhiều, chỉ khoảng 30 - 130 triệu đồng/lao động (tùy thuộc hợp đồng ngắn hạn hay dài hạn) nên lao động dễ tiếp cận.

Trong khi đó, mức lương cho lao động ngành nông nghiệp cũng tăng dần. Lao động làm nông ở Nhật Bản có thể nhận lương từ 30 - 40 triệu đồng/tháng, còn ở Hàn Quốc là từ 35 - 50 triệu đồng/tháng, nếu có tăng ca.

Nhưng bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề khi đưa lao động ra nước ngoài làm nông nghiệp. Khó khăn đầu tiên là do chất lượng nguồn lao động của chúng ta khá thấp, thiếu kỹ năng nghề, ngoại ngữ hạn chế, tác phong công nghiệp kém, tính kỷ luật yếu…

Theo ông, giải pháp nào giúp chúng ta tận dụng lợi thế, khắc phục khó khăn để đẩy mạnh hoạt động XKLĐ ngành nông nghiệp?

- Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước đang phối hợp Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NNPTNN) để định hướng tư vấn tuyên truyền cho người lao động cũng như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động đi XKLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đặc biệt sẽ ưu tiên tập trung hỗ trợ lao động ở khu vực nông thôn, vùng núi. Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng đã thành lập tổ công tác nhằm tạo sự gắn kết nhà trường, doanh nghiệp, địa phương trong việc hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài nói chung, trong đó có lao động đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Ngoài ra, Bộ LĐTBXH cũng liên tục triển khai việc mở rộng hợp tác nhằm XKLĐ ở các thị trường mới, ký kết các văn bản thỏa thuận nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thùy Anh/ Dân Việt


http://danviet.vn/nha-nong/xuat-khau-lao-dong-nong-nghiepho-tro-cho-lao-dong-ngheo-1004596.html